Để ưu tiên trong tuyển dụng không tạo ra đặc quyền đặc lợi

Ưu tiên, đặc cách tuyển dụng người nhà, người thân, người quen biết vào làm việc không còn là chuyện lạ đối với thị trường lao động Việt Nam. Thực tế, việc tuyển dụng, đặc cách hiện nay đang bị các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước đã lạm dụng và tạo ra đặc quyền, đặc lợi cho người được tuyển dụng.

Ưu tiên tuyển dụng dễ tạo ra đặc quyền đặc lợi (ảnh minh họa). Nguồn: Internet

Những ưu tiên tuyển dụng làm dư luận “dậy sóng”

Mới đây, dư luận được phen “dậy sóng” khi Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) ưu tiên tuyển dụng người có cùng họ Dương với Chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng này. Cụ thể, theo thông báo của Hội đồng họ Dương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt thường xuyên có những đợt tuyển dụng cán bộ - nhân viên vào làm việc tại hệ thống ngân hàng. Vì vậy, để phát triển và ưu tiên tạo cơ hội việc làm cho con cháu trong dòng tộc, Hội đồng họ Dương Việt Nam thông báo đến toàn thể Hội đồng Họ Dương trên khắp cả nước về việc sẽ ưu tiên tuyển dụng con em họ Dương vào làm việc ở các phòng giao dịch tại các huyện mở mới phòng giao dịch (các thành phố và huyện đã mở sẽ không tuyển dụng) của ngân hàng khắp các tỉnh thành trên cả nước. Thông báo này do ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank ký. Ông Dương Công Minh cũng là Phó Chủ tịch Hội đồng họ Dương Việt Nam.

Thông báo cũng yêu cầu, các ứng viên là những sinh viên họ Dương đã tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trong và ngoài nước chuyên ngành kinh tế: Quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán - kiểm toán… Ứng viên phải qua phỏng vấn, nếu phù hợp mới được tuyển dụng. Ứng viên chỉ được ưu tiên tuyển dụng, không ưu tiên sắp xếp công việc, tồn tại, phát triển và nếu trong quá trình làm việc không đáp ứng được công việc hoặc vi phạm kỷ luật sẽ bị cho nghỉ việc hoặc buộc thôi việc theo quy định của ngân hàng. Sau khi dư luận phản ứng, ngân hàng đã rút thông báo tuyển dụng này.

Trước đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam (Agribank) cũng có thông báo tuyển dụng nhân sự cho chi nhánh các tỉnh, thành đăng tải trên website của ngân hàng với nội dung: Agribank dự kiến tuyển dụng cho các vị trí như tín dụng, marketing, thẻ, kế toán, thanh toán quốc tế, pháp chế, công nghệ thông tin với 4 khu vực thi tuyển.

Trong thông báo được ký bởi Tổng giám đốc - Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng, Agribank nêu rõ sẽ có chế độ ưu tiên cho con đẻ, con dâu, rể và con nuôi hợp pháp của cán bộ đang công tác tại đây. Cụ thể, con cán bộ công tác tại các chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị thuộc Trụ sở chính chưa có người con nào làm việc được cộng 30 điểm (thang điểm 100). Trường hợp có từ 2 con trở lên tham dự kỳ thi cũng chỉ cộng điểm ưu tiên cho một người. Ngoài ra, Agribank cũng nêu rõ các thí sinh chỉ có 3 ngày để nộp hồ sơ xét tuyển… Thông báo tuyển dụng này cũng bị dư luận phản ứng nên đã gỡ bỏ.

Tạo ra lực lượng lao động “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”

Theo các nhà hoạt động trong lĩnh vực việc làm, dự báo nhân lực thì vụ việc của hai ngân hàng LienVietPostBank và Agribank chỉ là “phần nổi của tảng băng”, thực tế, nhiều doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan công quyền, việc tuyển dụng ưu tiên thân quen không công khai nhưng người ngoài khó mà lọt được vào những vị trí việc làm tốt. Tuyển dụng theo kiểu, nhiều cơ quan cứ nhận người vào làm rồi mới tìm việc hay để dành việc cho người đó. Nhiều tổ chức, đơn vị ở nước ta nhận người theo kiểu nể nang con cháu hay có quan hệ thân thiết mà không dựa trên năng lực thực sự hoặc nhu cầu tuyển dụng, vị trí công việc cho nên dẫn đến hệ lụy là nhận nhiều người hơn số nhân lực có thể sử dụng.

Những bất cập trong tuyển dụng, thi cử đầu đã tạo ra lực lượng công chức “có cũng được, không có cũng chẳng sao, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, không mang lại bất cứ hiệu quả công việc nào”. Tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành và địa phương vừa diễn ra vào ngày 1.7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ gánh nặng đội ngũ công chức đang hưởng lương nhà nước: “Chúng ta đất nước 90 triệu dân mà trả lương 11 triệu người, trong khi công chức hành chính trên 2,5 triệu người”. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành và địa phương cần thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế, để từ đó giảm chi ngân sách.

Việc ưu tiên, đặc cách tuyển dụng trong các doanh nghiệp nhà nước, cơ quan công quyền đã tạo ra đặc quyền, đặc lợi cho một nhóm người nhưng thực tế thấy rõ, gánh nặng này chính là đè lên ngân sách nhà nước. Theo báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức bộ máy, quản lý và sử dụng lao động trong khu vực nhà nước được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, trong đợt 1 năm 2016, cả nước có 1 Bộ ngành, 13 tỉnh - thành đề nghị giải quyết tinh giản biên chế với số đối tượng tinh giản là 5.433 người. Tinh giản biên chế không phải là điều dễ thực hiện và tiêu tốn một lượng chi phí khá lớn cho những người vốn đã làm không được việc. Đơn cử như, chỉ riêng TP.Hà Nội, để chi trả cho 20 công chức, viên chức được nghỉ tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, ngày 20.11.2014 là 1.846.504.000 đồng.

Ưu tiên dẫn đến phân biệt đối xử trong tuyển dụng là vi phạm pháp luật

Điều 35 của Hiến pháp 2013 đã quy định rất rõ “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc” và “Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu”.

Quan điểm này cũng được thống nhất thể hiện trong các quy định pháp luật chuyên ngành điều chỉnh về lao động và việc làm. Cụ thể:

- Tại điều 5 Bộ luật Lao động 2012 quy định người lao động có quyền “Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử”. Điều 8 của bộ luật này cũng quy định nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.

- Điều 9 Luật Việc làm 2013 xác định nghiêm cấm phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp.

Như vậy, việc các doanh nghiệp tuyển dụng ưu tiên người nhà, người thân, hay giới hạn ưu tiên những người cùng họ như đã nêu là vi phạm nghiêm trọng quy định của Hiến pháp và pháp luật về quyền làm việc của công dân.

Để bảo vệ quyền của người lao động, pháp luật có quy định chế tài đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi phân biệt đối xử trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý lao động tại Điều 4a Nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP. Theo đó, nếu cá nhân có hành vi phân biệt đối xử trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý lao động có thể bị xử phạt đến 10.000.000 đồng, nếu tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt đến 20.000.000 đồng.

Trường hợp doanh nghiệp có vốn nhà nước có hành vi phân biệt đối xử trong tuyển dụng cũng phải chịu chế tài theo quy định trên.

Luật sư VŨ THANH HƯƠNG

(Văn phòng Luật sư Luật Tín Nghĩa - Đoàn Luật sư TPHCM)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/de-uu-tien-trong-tuyen-dung-khong-tao-ra-dac-quyen-dac-loi-571134.bld