Để truyền thống tiếp nối vẻ vang trong hiện thực rỡ ràng, sinh động

Cùng với lịch sử vẻ vang 93 năm của Đảng, những ngày của tháng cuối năm này, Gia Lai vinh dự, tự hào kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (10/12/1945-10/12/2023). Mỗi dịp kỷ niệm, các tổ chức Đảng và đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh càng nhận thức rõ sứ mệnh, vị trí, vai trò, tầm quan trọng 'then chốt' trong sự nghiệp cách mạng của địa phương, nhất là trong định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Một ngày trọng đại

Sau khi chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Gia Lai được thành lập tại thị xã Pleiku ngày 1-10-1945, gồm 9 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Đường làm bí thư thì ngày 25-11-1945, chi bộ Đảng ở An Khê được thành lập gồm 3 đảng viên, do đồng chí Đỗ Trạc làm bí thư. Tiếp đến, từ tháng 11 đến tháng 12-1945, các chi bộ công nhân đồn điền Bàu Cạn, Biển Hồ và trong lực lượng vũ trang của tỉnh (chi bộ trong chi đội Tây Sơn) cũng được thành lập. Lúc này, Xứ ủy Trung kỳ tiếp tục tăng cường cán bộ, đảng viên vào Gia Lai công tác, phong trào cách mạng càng thêm sôi nổi.

Ngày 9-8, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025). Ảnh: Đức Thụy

Trước tình hình đó, để thống nhất lãnh đạo, ngày 10-12-1945, Đảng bộ Đảng cộng sản Đông Dương tỉnh Gia Lai được thành lập, lấy tên là Đảng bộ Tây Sơn, Ban Chấp hành gồm 5 đồng chí, đồng chí Phan Thêm-phái viên Xứ ủy Trung kỳ-làm Bí thư. “Sự ra đời của các chi bộ Cộng sản cũng như việc thành lập Đảng bộ tỉnh Gia Lai cuối năm 1945 đánh dấu mốc quan trọng trong bước phát triển mới của phong trào cách mạng địa phương. Từ đây, cuộc đấu tranh cách mạng của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Đây là nhân tố quyết định để phát huy tiềm lực cách mạng dồi dào trong tỉnh” (Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai 1945-2005, NXB. CTQG. HN, 2009, trang 135).

Từ khi được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Đảng bộ tỉnh đã vận động và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ và phong trào cách mạng ở địa phương, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước. Đấu tranh chống thực dân Pháp tái chiếm, xóa bỏ ách cai trị của phát xít Nhật, tiến hành công cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm kháng Pháp vẻ vang “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” (Tố Hữu). Cùng Nhân dân cả nước đánh bại 4 chiến lược chiến tranh của Mỹ-ngụy, giải phóng tỉnh nhà ngày 17-3-1975, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 30-4-1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Sau giải phóng, cùng cả nước, tỉnh nhà bước vào giai đoạn cách mạng mới với vô vàn khó khăn, thử thách. Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai-Kon Tum lần thứ nhất, tháng 11-1975, xác định: “Động viên đoàn kết toàn dân, phát huy truyền thống cách mạng và thắng lợi đã qua, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa, nâng cao khí thế cách mạng tiến công của Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh để đi vào thực hiện nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội; đẩy mạnh cao trào sản xuất, khôi phục và phát triển kinh tế-văn hóa, nỗ lực tự túc lương thực, thực phẩm, từng bước cải thiện đời sống Nhân dân; truy quét FULRO và bọn phản động khác, các tàn dư chính trị, văn hóa xã hội nô dịch, phản động; xây dựng chính quyền cách mạng các cấp, củng cố, mở rộng Mặt trận, xây dựng các đoàn thể quần chúng vững mạnh; ra sức xây dựng Đảng, đào tạo cán bộ, xây dựng tổ chức và nền nếp chỉ đạo mới, nhất là tổ chức cơ sở, đảm bảo hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ và tạo điều kiện tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”.

Nhà máy chế biến chanh dây Quicornac (Khu công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) với 100% vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Hà Duy

Cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, mạnh mẽ đổi mới và phát triển

Phát huy truyền thống vẻ vang, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân các dân tộc tỉnh nhà nhanh chóng bắt tay ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh, khai hoang phục hóa, cải tạo xã hội chủ nghĩa, tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp, xóa bỏ FULRO, cùng nhiều nhiệm vụ cách mạng gian khó, phức tạp khác. Tỉnh nhà còn căng mình cùng cả nước bảo vệ biên giới Tây Nam, góp phần đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt-Iêng Xa ry, hồi sinh đất nước Campuchia và chống chiến tranh xâm lược ở biên giới phía Bắc.

Vượt qua khó khăn, giai 1981-1985, nền kinh tế của tỉnh có bước phát triển đáng kể. Nông nghiệp chuyển sang phát triển ổn định, cân đối, từ cây lương thực sang tăng mạnh diện tích cây công nghiệp, cây hàng hóa phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu. Các ngành kinh tế công nghiệp, lâm nghiệp, thương mại, giao thông vận tải, ngân hàng, bưu điện... vươn lên từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển.

Đến năm 1985, tổng sản phẩm xã hội của tỉnh tăng 1,39 lần, thu nhập người dân tăng 1,45 lần so với năm 1976; cơ bản giải quyết được vấn đề lương thực tại chỗ. Hơn 1/4 đồng bào các dân tộc đã được định canh, định cư. Từng bước xóa nạn mù chữ, hạn chế và đẩy lùi bệnh sốt rét…

Đặc biệt, sau 38 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Gia Lai có bước chuyển mình đáng kể. Kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá qua các năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2020 đạt 7,55%; năm 2021 tăng 9,71%; năm 2022 đạt 9,27%. Do gặp nhiều khó khăn khách quan, chủ quan nên năm 2023 tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh không đạt chỉ tiêu đề ra.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội chuyển biến tích cực và có bước phát triển vượt bậc. Quy mô, chất lượng giáo dục tăng lên từng năm; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia, công tác giáo dục-đào tạo con em đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng. Công tác chăm sóc sức khỏe người dân; mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở được củng cố và phát triển nhiều mặt.

Công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội được ưu tiên. Tỷ lệ hộ nghèo từ 19,71% năm 2015 giảm còn 4,5% vào năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, cuối năm 2022 giảm còn 10,06%); phấn đấu giảm bình quân 3% hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025. Cơ sở hạ tầng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư xây dựng. Công tác bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa, bản sắc các dân tộc được coi trọng. Hoạt động đối ngoại kết hợp chặt chẽ với phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh.

Chú trọng nhiệm vụ then chốt

Là nhiệm vụ then chốt nên công tác xây dựng Đảng lúc nào cũng được Đảng bộ tỉnh đặc biệt chú trọng. Từ 9 đảng viên của chi bộ đảng đầu tiên, 24 đảng viên trước khi Đảng bộ tỉnh thành lập, đến đầu năm 2023, Đảng bộ tỉnh có 21 Đảng bộ trực thuộc với 947 tổ chức cơ sở Đảng (trong đó có 354 Đảng bộ cơ sở, 593 chi bộ cơ sở và 3.495 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở) với 64.364 đảng viên (đến tháng 9-2023 là 65.642 đảng viên). Công tác phát triển đảng viên mới, tổ chức Đảng, chi ủy ở các thôn/làng/tổ dân phố được chỉ đạo quyết liệt và cẩn trọng gắn với phương châm “nơi nào có dân nơi đó có đảng viên”. Bên cạnh số lượng, chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên ngày càng được nâng lên; tỷ lệ tổ chức và cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong sạch vững mạnh tăng qua kiểm điểm, bình xét đánh giá, xếp loại hàng năm. Vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chất lượng đảng viên không ngừng được tăng cường và nâng cao. Uy tín lãnh đạo của Đảng, của cán bộ, đảng viên trong Nhân dân được giữ vững.

Đô thị Pleiku ngày càng hiện đại và năng động. Ảnh: Phạm Quý

Dưới ánh sáng nghị quyết đại hội XIII của Đảng cũng như các chỉ thị, kết luận của Trung ương, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị các cấp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh chấp hành thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật. Tập trung thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII gắn với chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Kết luận 21-KL/TW của Ban Bí thư; đẩy mạnh phòng-chống tham nhũng tiêu cực, lãng phí, tình trạng suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; quy định những điều đảng viên không được làm; quy định về kiểm soát quyền lực…

Năm 2023, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra 2 tổ chức Đảng; kiểm tra theo Điều 30 Điều lệ Đảng và kế hoạch của Bộ Chính trị, Ban Bí thư 5 tổ chức Đảng, 15 đảng viên; giám sát 4 tổ chức Đảng, 11 đảng viên; thực hiện quy trình thi hành kỷ luật 6 đảng viên.

Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 5 tổ chức Đảng, 22 đảng viên; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng tại 8 tổ chức Đảng; kiểm tra tài chính đảng 4 tổ chức Đảng; giám sát 3 tổ chức Đảng, 6 đảng viên. Qua đó, thi hành kỷ luật 1 tổ chức Đảng, quyết định thay đổi hình thức kỷ luật 1 đảng viên, quyết định thi hành kỷ luật 13 đảng viên; xác minh tài sản, thu nhập đối với 16 đảng viên…

Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 (mở rộng) mới đây, cùng với kiểm điểm làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, lý do trong 24 chỉ tiêu năm 2023 thì chỉ 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, hội nghị cũng đánh giá vẫn còn tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm những điều đảng viên không được làm, quy chế làm việc và trách nhiệm nêu gương; thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; buông lỏng kiểm tra, giám sát; tham ô tham nhũng; vi phạm quy chế dân chủ,… làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân vào Đảng. Đây là những khuyết điểm, tồn tại, hạn chế phải sớm chấn chỉnh, khắc phục đi đôi với tăng cường hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Một góc thành phố Pleiku. Ảnh: Đức Thụy

Song song với công tác xây dựng Đảng, công tác xây dựng chính quyền, Mặt trận và tổ chức chính trị xã hội cũng được thường xuyên chú trọng và lớn mạnh. Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng làm tốt vai trò cơ quan quyền lực nhà nước của cấp mình, quyết định và giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ quan trọng ở địa phương. Ủy ban nhân dân các cấp điều hành thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Mặt trận và các tổ chức hội, đoàn thể hướng về cơ sở, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tích cực phát động các cuộc vận động, phong trào thi đua trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân góp phần vào thắng lợi chung nhiệm vụ chính trị của địa phương…

Kỷ niệm 78 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, cấp ủy các cấp, cán bộ, đảng viên cũng như Nhân dân các dân tộc trong tỉnh càng tự hào với truyền thống vẻ vang, thấy được vị trí, tầm quan trọng của nhân tố Đảng lãnh đạo đối với sự nghiệp cách mạng của địa phương. Quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong thời gian tới, cụ thể là 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tập trung thực hiện có hiệu quả và hoàn thành 4 chương trình trọng tâm xác định tại Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2020-2025 (xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; xây dựng kết cấu hạ tầng các vùng động lực; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư và phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế…).

THẤT SƠN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/de-truyen-thong-tiep-noi-ve-vang-trong-hien-thuc-ro-rang-sinh-dong-post258372.html