Đề Toán thi lớp 10 Hà Nội: Quen thuộc, thiếu đột phá, ít thí sinh đạt điểm 9-10

Các giáo viên đánh giá, đề thi Toán vào lớp 10 ở Hà Nội năm nay có độ khó tăng nhẹ, dự báo chủ yếu thí sinh đạt điểm 6,5 - 8, ít em đạt 9, 10 điểm.

Thầy Hồng Trí Quang, giáo viên môn Toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI nhận định, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Toán ở Hà Nội năm nay vẫn giữ được tính ổn định về cấu trúc so với các năm gần đây. Bên cạnh đó, đề vẫn có sự phân hóa để đảm bảo yêu cầu, tính chất của một đề thi tuyển sinh.

Về phạm vi kiến thức và độ khó, thầy Quang cho biết, cấu trúc đề thi vẫn bao gồm 5 bài toán lớn, mỗi bài gồm nhiều ý nhỏ được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó. Dạng cấu trúc bài quen thuộc chưa có sự đột phá trong vài năm qua. Mặt khác, đề thi Toán vào lớp 10 Hà Nội năm nay tăng nhẹ về độ khó so với năm 2022, sự phân hóa tốt.

"Dự kiến, mức điểm trung bình của thí sinh có thể rơi vào khoảng từ 6 - 7 điểm, ít điểm 10", thầy giáo Quang dự báo.

Thí sinh tham gia thi vào lớp 10 Hà Nội (Ảnh minh họa)

Thầy Đỗ Văn Bảo, giáo viên Toán trường trường Phổ thông liên cấp Vinschool cho rằng, đề thi đáp ứng được yêu cầu kiểm tra đánh giá học sinh và có yếu tố phân hóa. Hàm lượng kiểm tra kiến thức và kỹ năng cơ bản cao, không quá đánh đố học sinh. Thí sinh chỉ cần có thời gian ôn luyện, thực hành giải tốt các dạng toán cơ bản và làm bài cẩn thận thì hoàn toàn có thể hoàn thành 75% đến 80% đề thi một cách nhanh chóng.

Hơn nữa, một số câu phân hóa học sinh nhưng cũng không quá khó, học sinh vẫn có thể tư duy để tìm hướng giải được.

Thầy Bảo cũng phân tích cụ thể về từng câu hỏi. Bài 1, thuộc phần kiến thức cơ bản về tính giá trị và rút gọn biểu thức biết trước kết quả khá đơn giản tạo điều kiện cho sự tỉ mỉ của học sinh để có điểm dễ dàng.

Học sinh chỉ cần làm bài cẩn thận, trình bày đầy đủ trong ý thứ nhất. Ý thứ hai, đề yêu cầu rút gọn biểu thức cho biết trước kết quả nên học sinh khó có thể làm sai. Ý thứ ba cũng là câu hỏi quen thuộc nên chắc chắn nhiều học sinh đạt điểm tối đa trong bài này. Tuy nhiên học sinh cần chú ý đối chiếu điều kiện để không bị trừ điểm oan.

Bài 2, ở ý hỏi 1 dạng bài giải toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình liên quan đến năng suất làm việc học sinh có thể dễ dàng phân tích đề đặt ẩn lập hệ phương trình hoặc hệ phương trình và giải phương trình/ hệ phương trình, đạt điểm tối đa câu này. Trong các đề khảo sát chất lượng, thi thử của một số trường, dạng ý hỏi 1 cũng hay được đưa ra, học sinh có điều kiện ôn luyện tốt.

Ý hỏi 2 về bài toán thực tế đơn giản liên quan kiến thức hình cầu. Học sinh chỉ cần nhớ công thức tính thể tích mặt cầu và thay số tính toán cẩn thận là có điểm.

Bài 3 - đây là câu hỏi khá đơn giản dễ ăn điểm. Ở ý 1, học sinh thường giải bằng phương pháp đặt ẩn phụ. Học sinh cũng cần lưu ý về trình bày, xét điều kiện của ẩn, kết luận nghiệm cuối cùng để đạt điểm tối đa. Học sinh từ trung bình khá trở lên có thể làm tốt câu này.

Ở ý 2 liên quan đến kiến thức về tương giao giữa parabol và đường thẳng quen thuộc. Học sinh từ trung bình trở lên có thể đạt điểm ý a của câu này, học sinh khá có thể làm tốt ý b. Tuy nhiên, để đạt điểm tối đa thì cần lưu ý yếu tố tìm điều kiện, trình bày cẩn thận, lập luận chặt chẽ.

Bài 4 - một bài tập hình khá hay, phân loại học sinh tốt ở ý cuối. Bài hình không bắt đầu bằng việc cho đường tròn hay nửa đường tròn quen thuộc, nhưng bù lại có rất nhiều yếu tố để gợi ý làm các câu 1 và 2. Học sinh đọc kĩ yêu cầu của đề bài, cẩn thận vẽ hình có thể làm được ý 1 của bài toán vì ý này là phần kiến thức cơ bản khá quen thuộc trong quá trình ôn luyện và xuất hiện khá nhiều trong đề thi khảo sát cũng như đề thi thử của các trường.

Ý 2 đòi hỏi sự tư duy thêm của học sinh, không đơn giản như ý 1, học sinh phải lập luận để chứng minh các góc bằng nhau dựa vào quan hệ song song, tứ giác nội tiếp.

Ý 3, phân loại học sinh khá rõ ràng, học sinh khá phải tư duy khá nhiều mới có thể hoàn thành được ý này. Học sinh cần có kĩ năng tốt về chứng minh tam giác đồng dạng, tứ giác nội tiếp và khả năng nhìn hình tốt.

Bài 5- câu hỏi về cực trị khá hay nhưng không quá khó. Biểu thức ở dạng đối xứng nên ta dễ dàng tìm được điểm rơi của bài toán, học sinh cần sử dụng biến đổi thích hợp, kết hợp với việc sử dụng bất đẳng thức cộng mẫu, từ đó suy ra điều phải chứng minh.

Đánh giá tổng quan, thầy Bảo dự đoán điểm năm nay chắc sẽ có nhiều điểm 7, 8 nhưng ít điểm 10. Mật độ điểm số trong khoảng từ 6,5 đến 8 chiếm phần trăm cao nhất.

Hà Cường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/de-toan-thi-lop-10-ha-noi-quen-thuoc-thieu-dot-pha-it-thi-sinh-dat-diem-9-10-ar798940.html