Đề Toán thi đại học ở Trung Quốc khác gì với Việt Nam?

Đề Toán thi đại học ở Trung Quốc là sự kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận. Trong đó, tự luận chiếm 90/150 điểm, chuyên gia đánh giá đề thi của nước này đạt được sự cân bằng.

Lời Tòa Soạn

Vừa qua, nhận định của GS-TS Nguyễn Hữu Dư, nguyên Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam: "Thi trắc nghiệm như hiện tại bóp chết môn Toán" đã dấy lên nhiều tranh cãi. Một số chuyên gia cho rằng môn Toán "sống hay chết" là do cách học và các cơ hội ứng dụng chứ không thể do cách thi của một kỳ thi. Có ý kiến lại cho rằng xu hướng trong khảo thí trên thế giới, đặc biệt các nước có nền Giáo dục phát triển như Mỹ, Nga, Trung Quốc... vẫn dùng hình thức trắc nghiệm để đánh giá. VietNamNet xin giới thiệu đề Toán kỳ thi đại học của một quốc gia trong số đó để độc giả có thể theo dõi.

Đề Toán thi đại học ở Việt Nam gồm 50 câu trắc nghiệm từ kiến thức nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp đến vận dụng cao. Trong khi đó, đề Toán thi đại học ở Trung Quốc có cả trắc nghiệm lẫn tự luận.

Cấu trúc, bố cục và nội dung đề thi

Cấu trúc đề Toán thi đại học ở Trung Quốc được chia ra làm 2 phần: Trắc nghiệm và tự luận. Cụ thể, đối với phần trắc nghiệm gồm 12 câu và tự luận là 10 câu.

Bố cục đề thi gồm 4 phần:

1. Trắc nghiệm chọn 1 đáp án đúng, gồm 8 câu, chiếm 40/150 điểm.
2. Trắc nghiệm chọn nhiều đáp án đúng trong 1 câu, gồm 4 câu, chiếm 20/150 điểm.
3. Tự luận, điền đáp án đúng, gồm 4 câu, chiếm 20/150 điểm
4. Tự luận, trình bày, chứng minh và giải các bài toán, gồm 6 câu, chiếm 70/150 điểm.

Đề Toán thi đại học ở Trung Quốc năm 2023 của cụm thi: Hồ Bắc, Sơn Đông, Quảng Đông, Giang Tô...

Nội dung kiến thức trong đề Toán thi đại học ở Trung Quốc dàn trải từ lớp 10-12. Về Đại số bao gồm các nội dung sau: Giải phương trình, Bất đẳng thức, Cực trị, Tập hợp, Xác suất, Vector, Số phức, Hàm số. Về Hình học bao gồm các kiến thức như: Lượng giác, Hình giải tích, Hình học không gian.

Khác với Việt Nam, đề thi Toán đại học ở Trung Quốc không có kiến thức liên quan đến giải Hệ phương trình và Tích phân. Tuy nhiên, trong đề thi của nước này một số năm sẽ có câu hỏi liên quan đến phần vận dụng kiến thức Toán học vào thực tiễn.

Tự luận chiếm tỷ lệ lớn trong đề 90/150 điểm

Với cấu trúc đề Toán thi đại học được chia ra làm 2 phần, trong đó, trắc nghiệm chiếm 60/150 điểm và tự luận chiếm 90/150 điểm. Căn cứ trên sự phân chia điểm này, đề thi của Trung Quốc tập trung nhiều vào tự luận.

Phần 1: Trắc nghiệm chọn 1 đáp án đúng, 8 câu chủ yếu kiến thức xoay quanh ở mức thông hiểu, vận dụng thấp, tổng là 40 điểm.

Phần 2: Trắc nghiệm chọn nhiều đáp án đúng trong 1 câu, độ khó của đề thi bắt đầu tăng. Theo đó, nếu thí sinh chọn được tất cả đáp án đúng trong câu sẽ được 5 điểm, nếu chọn được 1 đáp án đúng sẽ được 2 điểm. Trường hợp, thí sinh chọn sai sẽ không có điểm. 4 câu hỏi của phần 2 chiếm 20/150 điểm.

Phần 3: Tự luận với hình thức điền vào chỗ trống, gồm 4 câu, mỗi câu 5 điểm. Các câu hỏi trong phần này đảm bảo yếu tố cụ thể. Phần 3 được đánh giá có tính phân loại cao và tỷ lệ thí sinh làm sai nhiều nhất.

Phần 4: Tự luận giải bài toán cụ thể, 6 câu chiếm 70 điểm. Lưu ý của phần tự luận buộc thí sinh phải trình bày đầy đủ các bước, rõ ràng và tuyệt đối không được làm vắn tắt. Ở phần này, thể hiện rõ ràng nhất sự tư duy và mức độ hiểu, vận dụng kiến thức của thí sinh.

Phần thi ‘hủy diệt’ nhiều thí sinh

Hình ảnh tại một kỳ thi đại học ở Trung Quốc. Ảnh: Scoopnest

Đề Toán thi đại học ở Trung Quốc luôn được đánh giá cao, bởi có sự cân bằng giữa trắc nghiệm và tự luận. Các câu hỏi có tính phân loại thí sinh cao. Trong đó, phần 3 điền vào chỗ trống được nhận xét hay nhất trong đề thi.

Xét về bản chất, phần điền vào ô trống trong đề Toán thi đại học ở Trung Quốc đảm bảo được tính khách quan bởi thí sinh không thể dựa vào đáp án sẵn cho, để đưa ra kết quả. Đồng thời, phần thi còn đòi hỏi khả năng tư duy nhạy bén và suy nghĩ độc lập của thí sinh.

Trung tâm Khảo thí của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết theo thống kê tỷ lệ trả lời đúng phần điền vào chỗ trống rất thấp. Sở dĩ, phần này được đưa vào đề thi là do có tính phân loại cao, ít thí sinh đạt được điểm tuyệt đối. Thậm chí, đây còn phần thí sinh có tỷ lệ thí sinh sai nhiều nhất hay được gọi là phần thi ‘hủy diệt’.

Là phần thi có tính chất phân loại cao, do đó thí sinh cần tập trung phân tích câu hỏi, để đưa ra đáp án chính xác từ lần đầu. Mặc dù đây là phần thi được đánh giá cao, nhưng số điểm lại chiếm thấp nhất 20/150. Sở dĩ, điểm thấp là giúp thí sinh không sa đà, tập trung quá ảnh hưởng đến thời gian làm phần 4 tự luận chiếm 70/150 điểm.

Lý giải về sự kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận

Các chuyên gia của Trung tâm Khảo thí Bộ Giáo dục Trung Quốc lý giải việc kết hợp trắc nghiệm và tự luận trong đề Toán thi đại học với mục đích, phát huy hết đặc trưng của môn học này.

"Đề thi nhấn mạnh bản chất của Toán học, nêu bật vai trò của tư duy nhạy bén và ứng dụng vào thực tiễn, đánh giá được đúng năng lực của thí sinh", chuyên gia ra đề của Trung tâm Khảo thí Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết.

Theo những người làm trong ngành Giáo dục ở Trung Quốc đánh giá, đề thi Toán có trắc nghiệm và tự luận là sự kết hợp hoàn hảo để đánh giá khách quan nhất về tư duy và năng lực của thí sinh.

Đề thi không chỉ đòi hỏi thí sinh về khả năng vận dụng kiến thức đã học để phân tích, giải quyết vấn đề, còn kiểm tra tính toàn diện như năng lực quan sát, tính toán, suy luận và vận dụng kiến thức linh hoạt.

Ở khía cạnh khác, đề thi có sự kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận sẽ buộc người học phải tư duy linh hoạt, đa chiều, luôn tìm tòi và sáng tạo tích lũy đầy đủ kiến thức để đáp ứng được yêu cầu kỳ thi.

Ngoài ra, sự kết hợp này trong đề Toán thi đại học còn thể hiện Trung Quốc muốn nhấn mạnh vào sự toàn diện và đổi mới kỳ thi tuyển sinh nhằm đảm bảo tính khách quan, công bằng cho thí sinh.

Không được sử dụng máy tính bấm tay

Điều đặc biệt, độ khó của đề Toán thi đại học ở Trung Quốc không dừng lại ở mức phân hóa cao, thí sinh buộc phải tính nhẩm. Theo đó, thí sinh của nước này sẽ không được phép mang máy tính bấm tay vào phòng thi. Toàn bộ quá trình tính toán đều phải tính nhẩm hoặc tính tay.

Lý giải về quy định này, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng việc không được sử dụng máy tính bấm tay cũng là cách để đánh giá tư duy nhạy bén của thí sinh. Với quy định trên, nền Giáo dục Trung Quốc thể hiện rõ sự chú trọng vào năng lực tính toán thực tế của học sinh, trong quá trình học và thi.

Trong khi đó, các quốc gia khác lại chú trọng đến tư duy logic, bỏ qua khả năng tính toán của học sinh. Về bản chất, việc chú trọng tư duy logic hay khả năng tính toán đều quan trọng. Bất kể phương pháp nào cũng đều hướng đến sự phát triển và tư duy toàn diện cho người học.

Thắm Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/de-thi-dai-hoc-mon-toan-cua-trung-quoc-khac-gi-voi-viet-nam-2175673.html