Đề thi tốt nghiệp sẽ có thêm các dạng trắc nghiệm mới, hướng tới ngân hàng đề có 'tính mở'

Chiều 11/3, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo về công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Bộ GD & ĐT cho biết, đề thi trắc nghiệm sẽ cấu trúc 3 phần. Với cấu trúc định dạng '3 phần', xác suất có điểm do chọn ngẫu nhiên giảm từ 2,5 điểm xuống còn 1,975 điểm (với môn Toán) và còn 2,35 điểm (với các môn thi trắc nghiệm còn lại).

*Dạng đề mới sẽ thuận lợi hơn trong đánh giá học sinh

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ bám sát nội dung Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ong đó, môn Ngữ văn theo hình thức tự luận, các môn còn lại theo hình thức trắc nghiệm.

Cụ thể, về cấu trúc định dạng, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có tính kế thừa khi các môn vẫn giữ một phần dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Bên cạnh đó, đề thi phát triển thêm các dạng trắc nghiệm mới để hạn chế nhược điểm của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn, thuận lợi hơn trong việc đánh giá học sinh.

Môn Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 120 phút. Đề thi Ngữ văn gồm 2 phần: Đọc hiểu (4 điểm) và viết (6 điểm). Các môn còn lại sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, trong đó môn Toán có thời gian làm bài 90 phút, những môn còn lại có thời gian làm bài 50 phút.

Các câu hỏi với môn thi trắc nghiệm được chia thành 3 phần. Trong đó, phần 1 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn, cho 4 phương án chọn 1 đáp án đúng. Mỗi câu trả lời đúng thí sinh được 0,25 điểm.

Phần 2 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng "đúng/sai". Mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý thí sinh lựa chọn "đúng" hoặc "sai". Thí sinh lựa chọn chính xác 1 ý trong 1 câu hỏi sẽ được 0,1 điểm; lựa chọn chính xác 2 ý trong 1 câu hỏi được 0,25 điểm; lựa chọn chính xác 3 ý trong 1 câu hỏi được 0,5 điểm; lựa chọn chính xác cả 4 ý trong 1 câu hỏi được 1 điểm.

Phần 3 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Thí sinh tô vào các ô tương ứng với đáp án của mình. Đối với môn Toán, ở phần này, mỗi câu trả lời đúng, thí sinh được 0,5 điểm. Các môn khác, ở phần này, mỗi câu trả lời đúng thí sinh được 0,25 điểm.

Các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục dự hội thảo.

Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, với cấu trúc định dạng như vậy, xác suất có điểm do chọn ngẫu nhiên giảm từ 2,5 điểm xuống còn 1,975 điểm (với môn Toán) và còn 2,35 điểm (với các môn thi trắc nghiệm còn lại).

Với dạng câu hỏi trắc nghiệm "đúng/sai" sẽ kiểm tra được đồng thời 4 biểu hiện năng lực trong cùng một câu hỏi, kết hợp với quy tắc tính điểm tạo nên tính phân loại rất cao.

Còn với dạng trả lời ngắn, xác suất có điểm ngẫu nhiên bằng 0, tư duy làm bài gần như bài tự luận. Cấu trúc mới vẫn giữ nguyên 40 lệnh hỏi (hầu hết các môn) nhưng giảm số tờ giấy thi so với các đề hiện nay.

Về định hướng xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà cho biết sẽ phát huy trí tuệ toàn ngành và ngân hàng câu hỏi sẽ có “tính mở”.

"Tính mở" của ngân hàng đề thể hiện bằng việc câu hỏi thi sẽ được lựa chọn từ đề khảo sát của các sở, của các trường, đề kiểm tra học kỳ... Các đơn vị sẽ gửi đề thi kèm kết quả chấm để cơ quan chuyên môn của Bộ GD&ĐT phân tích đề thi bằng lý thuyết khảo thí. Sau phân tích, các câu hỏi “tốt” sẽ được lựa chọn vào thư viện câu hỏi thi và từ đó có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.

Ông Hà cho hay, một điều rất quan trọng mà Bộ GD&ĐT cũng đã tính toán là việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025 sẽ đáp ứng cho việc sẽ có 36 tổ hợp để lựa chọn, trong khi từ trước tới nay chỉ có 2 tổ hợp Khoa học xã hội hoặc Khoa học tự nhiên.

“Như vậy, sắp tới chúng ta sẽ phải tổ chức 36 tổ hợp thay vì 2 tổ hợp như hiện nay. Việc này cho thấy điều gì có lợi cho thí sinh thì Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà nói.

*Hạn chế xét tuyển bằng học bạ

Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu ý kiến đóng góp về đề thi. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Lê Hoài Nam nhận định việc tổ chức theo phương án mới sẽ rút ngắn thời gian thi, giúp tiết kiệm chi phí cho địa phương, đặc biệt giảm áp lực thi cử, thời gian cho học sinh nhưng vẫn đảm bảo các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, như môn Tin học và Công nghệ lần đầu tiên trở thành môn thi tốt nghiệp, vì vậy cần làm rõ việc chọn định hướng trong đề thi. Bộ GD&ĐT cần tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn trong công tác triển khai thực hiện kiểm tra, đánh giá để việc dạy học và chuẩn bị cho học sinh tham gia kỳ thi đạt kết quả tốt nhất. Trong đó lưu ý với hai môn thi mới là Tin học và Công nghệ, do giáo viên hai môn này chưa có kinh nghiệm trong công tác ôn thi và ra đề thi.

Thí sinh mong mỏi Bộ GD & ĐT công bố đề thi minh họa sớm để thuận lợi cho việc ôn tập.

"Các trường ĐH hiện vẫn còn thận trọng khi thực hiện các thay đổi trong xây dựng nhóm môn xét tuyển cho các mã ngành phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng như phương án thi tốt nghiệp THPT 2025. Học sinh cần được biết sớm các tổ hợp xét tuyển để có những lựa chọn phù hợp khi đăng ký xét tuyển", Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Lê Hoài Nam bày tỏ.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình Đinh Văn Khâm cho rằng, với cấu trúc đề thi Bộ GD&ĐT mới công bố, kết quả thi có tính phân loại cao. Kết quả kỳ thi cũng đáng tin cậy để các trường ĐH căn cứ vào đó để xét tuyển. Không cần thiết phải có các kỳ đánh giá năng lực quanh năm. Ông Khâm cũng đề xuất, đối với các môn thi trắc nghiệm cần có số lượng mã đề đủ lớn, cần tính toán phân bổ lại các câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao nếu không thể tăng thời gian thi. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học tránh những câu hỏi nặng về tính toán phi thực tế như chương trình cũ, tăng cường những câu hỏi đòi hỏi học sinh hiểu biết sâu bản chất môn học. Đối với môn Ngữ văn, yêu cầu của phần viết nếu theo hướng viết đoạn nghị luận văn học và viết bài nghị luận xã hội sẽ hợp lý hơn, có thể giảm bớt 1 câu hỏi trong phần đọc hiểu (từ 5 câu xuống 4 câu) để giảm tải yêu cầu, phù hợp hơn với quỹ thời gian 120 phút. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình Đinh Văn Khâm còn kiến nghị, tuyển sinh đại học nên hạn chế xét tuyển học bạ.

Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD & ĐT tỉnh Quảng Trị nhận xét rằng, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm mới, sử dụng nhiều sách giáo khoa với ngữ liệu khác nhau nên khi làm đề thi cần thống nhất nội dung hiện tại để bảo đảm chất lượng đề, tránh để học sinh nhầm lẫn vì các bộ sách diễn đạt khác nhau trên cùng 1 nội dung.

Bà Hương kiến nghị, thiết kế đề thi theo hướng đánh giá năng lực, tư duy thì Bộ cần công bố đề thi minh họa sớm; cấu trúc đề thi cần giữ ổn định ít nhất 5 năm để thầy cô và học sinh nắm bắt được. Hai dạng thức mới trong cấu trúc thi cần có thực nghiệm

Tại hội thảo, một số trường đại học đào tạo về sức khỏe kiến nghị, ngành Y đòi hỏi chuẩn chất lượng đầu vào nên đề thi cần có đánh giá độ khó, độ phân hóa tốt hơn để ngành y tuyển sinh hiệu quả. Định dạng, đề mẫu chủ yếu là kiến thức lớp 10 và 11 nên các trường cần có những phân tích cục thể về định dạng đề để các trường ĐH tin tưởng vào kết quả thi tốt nghiệp...

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, công tác kiểm tra, đánh giá, công tác khảo thí nói chung và công tác ra đề thi tốt nghiệp THPT luôn là việc khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, áp lực, đòi hỏi có nhân lực, vật lực, phối hợp từ chuyên môn đến đảm bảo an ninh cho đề thi.
“Việc xây dựng đề thi, tổ chức kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cần hướng tới học thật, thi thật, không gây quá tải, không gây áp lực, đảm bảo khoa học, gắn với thực tiễn và hiệu quả”, Thứ trưởng chia sẻ.
Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý chất lượng tổng hợp, tiếp thu ý kiến chuyên gia, cán bộ quản lý, thầy cô trao đổi tại hội thảo để tham mưu cho lãnh đạo Bộ tiếp tục bổ sung cho phương án thi, cấu trúc định dạng đề thi nếu thấy hợp lý, khoa học.
Cục Quản lý chất lượng cũng cần sớm xây dựng kế hoạch, tiếp tục triển khai tập huấn xây dựng ngân hàng đề thi và ra đề thi cho cán bộ cốt cán của các Sở GD&ĐT. Xây dựng kế hoạch chi tiết về đề thi minh họa và sớm công bố để làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục phổ thông dạy và học, kiểm tra đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ; các cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu để công bố sớm phương án tuyển sinh.

Thu Phương

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-duc/de-thi-tot-nghiep-se-co-them-cac-dang-trac-nghiem-moi-huong-toi-ngan-hang-de-co-tinh-mo-i724981/