Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 Trường THCS Nông Trang - Phú Thọ

Tổng hợp đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm 2024 - 2025 của Trường THCS Nông Trang - Phú Thọ hay nhất với gợi ý trả lời chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để làm bài thi vào lớp 10 năm 2024 tốt hơn.

Mục lục

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 của Trường THCS Nông Trang - Phú Thọ
Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 của Trường THCS Nông Trang - Phú Thọ

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 của Trường THCS Nông Trang - Phú Thọ

I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây:

Nỗi sợ thất bại, sợ bị từ chối, phản đối hay sợ xấu hổ chắc chắn sẽ làm hầu hết mọi người tê liệt và mất hết nhuệ khí ngay ở bước “khởi đầu nan”. Trong một khóa đào tạo, tôi gặp một người không bao giờ dám đặt ra bất cứ mục tiêu nào, chỉ vì cô sợ đến ghê người khi nghĩ đến cảnh mình thất bại và không đạt được điều mà cô hướng đến trong tâm tưởng. Sâu thẳm trong lòng cô tự nhủ, nếu mình không mong đợi gì hết thì mình đâu có thất bại.

Bốn mươi năm về trước, mẹ tôi cũng làm một điều tương tự như vậy khi bà tham dự kì thi tốt nghiệp cấp trung học cơ sở. Bà đinh ninh rằng mình sẽ thi rớt môn Toán (môn mà bà rất ghét), thế là bà quyết định chẳng thà không dự thi còn hơn mang điểm xấu về nhà!

Nghe có vẻ rất ngớ ngẩn, nhưng trong thực tế, có nhiều người làm như vậy đấy. Họ một mực tin rằng, tốt hơn hết là đừng đề ra một ngưỡng phấn đấu nào cả, để họ khỏi phải thất vọng về bản thân.

Điều này có nghĩa là những người liên tục đề ra mục tiêu cho mình không sợ thất bại chăng? Tôi không nghĩ như vậy. Tôi cho rằng hết thảy mọi người trên đời ai cũng không thích và sợ bị thất bại, trong đó có cả tôi nữa. Vậy thì điều gì mang lại cho họ sự can đảm dám đưa ra những mục tiêu xa vời và phấn đấu vươn tới cho bằng được? Vấn đề là ở chỗ những người ấy có cách định nghĩa riêng về thất bại. (...)

Người duy nhất có thể khẳng định bạn thất bại và làm cho bạn cảm thấy tồi tệ là...chính bạn. (...)

(Theo Làm chủ tư duy thay đổi vận mệnh, Adam Khoo- Stuart Tan, NXB Phụ Nữ, 2010, tr.393)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.

Câu 2. Theo đoạn trích, con người sẽ làm gì để không phải thẩt vọng về bản thân?

Câu 3. Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ liệt kê trong đoạn văn thứ nhất.

Câu 4. Em có đồng tình với ý kiến: “Người duy nhất có thể khẳng định bạn thất bại và làm cho bạn cảm thấy tôi tệ là...chính bạn.” của tác giả hay không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 - 12 câu) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của việc xác định đúng mục tiêu trong học tập.

Câu 2 (4,0 điểm)

Cảm nhận của em về cơ sở hình thành tình đồng chí đồng đội trong đoạn thơ sau:

Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,

Súng bên súng, đầu sát bên đầu,

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.

Đồng chí!

(“Đồng chí”, Chính Hữu, Ngữ văn 9, tập I, tr.128, NXB Giáo dục 2016)

Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 của Trường THCS Nông Trang - Phú Thọ

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Nghị luận

Câu 2.

Theo đoạn trích, để không phải thất vọng về bản thân, con người sẽ: một mực tin rằng, tốt hơn hết là đừng đề ra một ngưỡng phấn đấu nào cả.

Câu 3.

- Biện pháp tu từ: Liệt kê: “sợ thất bại, sợ bị từ chối, phản đối hay sợ xấu hổ”

- Tác dụng:

+ Diễn tả đầy đủ những nỗi sợ hãi của người sợ thất bại, thất vọng trong cuộc sống.

+ Nhấn mạnh thái độ của tác giả: đừng sợ thất bại.

+ Làm cho sự diễn đạt giàu nhịp điệu, hình ảnh.

Câu 4.

Học sinh đưa ra ý kiến cá nhân (đồng tình/không đồng tình/ vừa đồng tình vừa không đồng tình) và có lí giải hợp lí, có sức thuyết phục.

II. LÀM VĂN

Câu 1

Yêu cầu về hình thức :

- Viết đúng hình thức một đoạn văn, dung lượng 10-12 câu

- Diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, đảm bảo chuẩn xác chính tả, dùng từ, đặt câu.

- Đoạn văn sáng tạo, có cách diễn đạt mới mẻ.

Yêu cầu về nội dung :

Học sinh có thể triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách, nhưng phải làm rõ ý nghĩa của việc xác định mục tiêu trong học tập. Có thể theo hướng sau:

- Xác định đúng mục tiêu trong học tập là việc tìm hiểu đặt ra kết quả học tập cụ thể, phù hợp để phấn đấu đạt được,

- Khi xác định đúng mục tiêu trong học tập giúp chúng ta có kế hoạch học tập hợp lý, khoa học, khiến việc học trở nên có ý nghĩa hơn.

- Xác định đúng mục tiêu trong học tập còn giúp chúng ta biết cố gắng nỗ lực, kiên định với mục tiêu mình lựa chọn

- Xác định đúng mục tiêu học tập giúp con người chủ động tích lũy kiến thức cần thiết phù hợp với mục đích của mình; là chìa khóa đưa ta đến thành công. Từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng, đất nước.

Câu 2

Yêu cầu chung:

- Xác định đúng vấn đề nghị luận, đảm bảo cấu trúc bài văn

- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

- Bài viết sáng tạo, thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

Yêu cầu cụ thể:

* Giới thiệu khái quát về tác giả Chính Hữu, bài thơ Đồng chí và đoạn thơ.

* Cảm nhận về cơ sở hình thành tình đồng chí đồng đội trong đoạn thơ.

- Cùng chung hoàn cảnh xuất thân

- Cùng chung lí tưởng, nhiệm vụ và mục đích chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc.

- Cùng trải qua những khó khăn, thiếu thốn.

-Đồng chí- lời khẳng định, một tiếng gọi thiết tha xúc động.

* Nghệ thuật:

- Ngôn từ giản dị, hàm súc, giàu tính tạo hình

- Hình ảnh giản dị và giàu sức gợi, cảm xúc dồn nén;

- Sử dụng nhiều phép tu từ đặc sắc

* Đánh giá :

- Đoạn thơ khắc họa chân thực, cảm động cơ sở hình thành một tình cảm lớn mang tính thời đại, đó là tình đồng chí bền chặt, thiêng liêng của những người lính cách mạng.

- Qua đó tác giả đã khắc họa thành công hình ảnh người lính thời kì đầu kháng chiến chống Pháp.

Hùng Cường

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/de-thi-thu-vao-lop-10-mon-van-nam-2024-2025-truong-thcs-nong-trang-phu-tho-208832.html