Đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023: Khoảng 80% câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu

Ngày 1/3 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của tất cả các môn. Theo nhận định của các thầy, cô giáo, đề thi tham khảo năm nay không thay đổi nhiều so với những năm trước.

Theo thầy giáo Nguyễn Tấn Huy - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Lê Khiết (TP.Quảng Ngãi), đề tham khảo môn Ngữ văn năm nay vẫn theo ma trận mà học sinh (HS) đã nắm kỹ; các dạng câu hỏi, các yêu cầu, các mức độ đã được HS ôn luyện và thử sức qua 3 năm THPT.

Học sinh trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tìm hiểu chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023 của các trường đại học, cao đẳng. Ảnh: TR.PHƯƠNG

Thầy Huy nhận định, câu 1 và 2 của phần "Đọc hiểu" môn Ngữ văn của đề thi tham khảo ở mức độ nhận biết, chỉ cần “gọi tên”, “chỉ ra” là đủ. Mỗi câu đúng được tới 0,75 điểm, nên thí sinh (TS) tránh nhầm lẫn hình thức văn bản/thể loại - phương thức biểu đạt - phong cách ngôn ngữ... Thí sinh cần trả lời sát đúng vào yêu cầu của đề. Ví dụ theo yêu cầu của câu 2, em nào không trích ra “từ” hoặc “ngữ” mà chép nguyên cả câu hoặc đoạn sẽ khó đạt điểm tối đa. Câu 3 của phần "Đọc hiểu" ở mức độ thông hiểu, điểm tối đa là 1 điểm. “Câu 4 có yêu cầu cao nhất, ở mức vận dụng, nhưng không xa lạ. Thí sinh tránh trả lời chung chung, thoát ly văn bản, mà cần phải từ chính các hình ảnh thơ của đoạn trích để nêu nhận xét. Câu này điểm tối đa là 0,5 điểm, nếu các em không viết quá sai, lạc đề thì ít nhất cũng đạt nửa số điểm”, thầy Huy nói.

Ở câu nghị luận xã hội, TS cần chú ý tới mặt/khía cạnh mà đề yêu cầu. Chẳng hạn ở đề này là: “Sức mạnh của tinh thần vượt khó”, TS nên tránh viết về việc “vượt khó” chung chung. Câu nghị luận văn học rất quen thuộc với yêu cầu phân tích đoạn trích tác phẩm, TS lưu ý nêu cả nội dung lẫn nghệ thuật. Yêu cầu thứ 2 của câu này chỉ là “vế phụ” của đề, các em nên viết ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề. Cụ thể, ở đây yêu cầu “nhận xét về lẽ sống ân nghĩa”, thì nhận xét là chính chứ không phải bàn về lẽ sống ấy một cách chung chung hoặc nhắc lại những gì đã viết trước đó. “Nhìn chung, qua đề tham khảo này, TS có thể yên tâm, tự tin, bình tĩnh ôn luyện để bước vào kỳ thi quan trọng trong những ngày cuối tháng 6”, thầy Huy chia sẻ.

Đối với đề minh họa môn Lịch sử, cô giáo Võ Thị Mộng Tuyền - Tổ trưởng Tổ Lịch sử- Giáo dục công dân, Trường THPT Vạn Tường (Bình Sơn) nhận định, cấu trúc đề gồm 40 câu, được sắp xếp theo các mức độ từ dễ đến khó, bao gồm: Nhận biết - thông hiểu - vận dụng - vận dụng cao. Có 36 câu thuộc phần kiến thức Lịch sử lớp 12; có 4 câu thuộc phần kiến thức Lịch sử lớp 11. Từ câu 1 đến câu 29 là những câu hỏi kiểm tra kiến thức cơ bản; từ câu 30 trở đi, đòi hỏi các em phải vận dụng kiến thức đã học để chọn đáp án chính xác. “Từ đề tham khảo có thể thấy, HS không chỉ nắm kiến thức cơ bản mà đòi hỏi phải vận dụng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề. Các em phải ôn tập thật kỹ để hoàn thành kỳ thi một cách tốt nhất”, cô Tuyền lưu ý.

Nhiều giáo viên cũng đánh giá, đề tham khảo môn Toán có phần khó hơn đề thi chính thức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Đề thi môn Hóa học có điểm mới là, một số bài tập hóa học có ý nghĩa thực tiễn cuộc sống, đòi hỏi HS phải có tư duy và năng lực đọc hiểu thông tin để xử lý vấn đề. Hầu hết đề thi các môn chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, với khoảng 80% câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu. Vì vậy, HS cần bám sát kiến thức cơ bản là có thể đạt từ 7 - 8,5 điểm.

TRỊNH PHƯƠNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2027/202303/de-thi-tham-khao-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2023-khoang-80-cau-hoi-o-muc-nhan-biet-thong-hieu-3159149/