Để thi đua, khen thưởng là động lực của sự phát triển

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng. Trong hoàn cảnh đất nước gặp vô vàn khó khăn, thử thách của những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 11/6/1948, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Cờ thi đua Chính phủ cho tỉnh Ninh Bình tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Ninh Bình.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, 75 năm qua, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã phát động và tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; các tầng lớp nhân dân không phân biệt lứa tuổi, dân tộc, tôn giáo, giàu, nghèo từ miền xuôi đến miền ngược đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, tạo ra động lực to lớn để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cùng những thành quả và kỳ tích trong công cuộc đổi mới để đất nước ta "có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Thực hiện lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ, những năm qua, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương phát động, đồng thời tích cực tổ chức và phát động các phong trào và các đợt thi đua cao điểm, trên các lĩnh vực và ở từng địa phương, đơn vị.

Nét nổi bật của tỉnh Ninh Bình là công tác thi đua, khen thưởng luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm nên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành cụ thể hóa các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng để triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố quán triệt, triển khai các phong trào thi đua và chấn chỉnh công tác lập hồ sơ đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Do có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Hội đồng thi đua, khen thưởng tỉnh nên công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh ta đã đi vào nền nếp, ngày càng thiết thực, hiệu quả.

Các cơ quan, địa phương đơn vị được bố trí, sắp xếp theo từng khối thi đua. Hàng năm các khối thi đua đều tổ chức đăng ký, ký kết giao ước thi đua trên cơ sở chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành, từng địa phương với những nội dung, tiêu chí thi đua cụ thể, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Nhiều khối thi đua còn tổ chức sơ kết, trao đổi, phổ biến, học tập kinh nghiệm lẫn nhau thông qua việc tham quan các mô hình, điển hình tiên tiến, qua đó nhằm phát hiện, tôn vinh, tuyên truyền, nêu gương, học tập. Cuối năm, các khối họp đánh giá, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng, bình xét, suy tôn, đề nghị khen thưởng bảo đảm công khai, dân chủ.

Công tác khen thưởng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có nhiều đổi mới, sáng tạo, tăng tỷ lệ khen thưởng đối với những người trực tiếp lao động, sản xuất.... Sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, Ninh Bình đã có sự phát triển toàn diện và đạt được những kết quả quan trọng đáng tự hào. Những thành quả mà tỉnh Ninh Bình đã đạt được hôm nay có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước, trở thành động lực thúc đẩy các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Hiện nay, các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã và đang diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua như: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"; "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau"; "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở"; "Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí"... do Trung ương phát động, tỉnh Ninh Bình đã phát động phong trào thi đua nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành trong tỉnh đã chủ động phát động các phong trào thi đua yêu nước theo ngành, lĩnh vực chuyên môn, tiêu biểu như các phong trào: "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", "Thi đua quyết thắng", "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", phong trào thi đua xây dựng mô hình khu công nghiệp, doanh nghiệp "sáng- xanh- sạch đẹp", "Nâng cao y đức", "Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo"...

Các phong trào thi đua yêu nước được triển khai chủ động, toàn diện trên các lĩnh vực đã tạo khí thế thi đua sôi nổi, động viên tinh thần hăng hái thi đua lao động sản xuất, học tập, công tác trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Tuy vậy, phong trào thi đua tại một số địa phương, đơn vị nhất là cấp cơ sở còn có biểu hiện mang tính hình thức, chưa thành việc làm thường xuyên của mỗi cá nhân, tổ chức. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào thi đua có lúc, có nơi còn bị sao nhãng.

Việc sơ, tổng kết, phát hiện, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, xuất sắc chưa kịp thời. Công tác bình xét khen thưởng còn mang tính bình quân nên chưa kịp thời động viên, khuyến khích được các tập thể, cá nhân tích cực tham gia vào các phong trào thi đua.

Kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948- 11/6/2023) là dịp để cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, đồng thời đẩy mạnh việc triển khai các phong trào thi đua do Trung ương và của tỉnh phát động, đảm bảo thi đua, khen thưởng là động lực của sự phát triển.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi đua, khen thưởng. Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức các phong trào thi đua gắn với việc đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", chủ đề công tác năm 2023 của Tỉnh ủy và việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến. Khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế trong công tác thi đua và thực hiện đúng quy định về xét khen thưởng, đảm bảo khen thưởng đúng người, đúng thành tích, hiệu quả thực chất. Làm như vậy, thi đua, khen thưởng mới thực sự trở thành động lực cho sự phát triển của mỗi tổ chức và cá nhân.

NGUYỄN ĐÔNG

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/de-thi-dua-khen-thuong-la-dong-luc-cua-su-phat-trien/d20230609084430455.htm