Để sự thiết thực thành thói quen

Giờ Trái đất năm 2024 với slogan 'Tiết kiệm điện - Thành thói quen' là thông điệp rất ý nghĩa. Nhưng cần phải có những hành động thực sự để điều thiết thực đó không chỉ là khẩu hiệu trong một giờ đồng hồ, mà trở thành thói quen thường xuyên trong suốt cả năm, nhu cầu thiết thân của mỗi người.

Ảnh minh họa.

Đặt vấn đề tiết kiệm điện trở thành thói quen, sẽ có nhiều người cho rằng như thế là hình thức, duy ý chí... Bởi sau công tơ, thì điện đã trở thành tài sản riêng, dùng như thế nào, vào mục đích gì là quyền cá nhân và phụ thuộc điều kiện của từng gia đình, từng cơ quan, đơn vị. Đứng ở góc độ tiêu dùng thì điều đó không sai. Nhưng từ góc nhìn trách nhiệm, thì không hẳn.

Trong bối cảnh nhiên liệu hóa thạch ngày càng khan hiếm, nhiên liệu tái tạo chưa trở nên phổ biến, khiến cho việc thiếu điện trở nên rất trầm trọng. Thực tế không vui là hằng năm Việt Nam còn phải mua lượng điện khá lớn của nước ngoài. Sự tốn kém và bị động này có lỗi từ hành vi thiếu ý thức trong tiêu dùng điện. Nhiều khách hàng đang sử dụng điện một cách lãng phí, nếu không muốn nói là vô trách nhiệm. Hoặc do họ có nhiều tiền để trả tiền điện hoặc là họ không phải là người trả tiền điện nên không quan tâm.

Qua nhiều lần tổ chức Giờ Trái đất, khi mà bóng điện tại sự kiện được tắt, nến thắp lên, thông điệp kêu gọi tiết kiệm điện được truyền đi, thì nhiều con phố, khu dân cư, nhiều công sở, thậm chí là nơi liền kề với địa điểm tổ chức điện vẫn sáng, nhiều thiết bị sử dụng điện không quá cần thiết vẫn hoạt động như chẳng có gì xảy ra cả.

Mục đích tiêu dùng là khác nhau, nên khi chưa tạo được tiếng nói đồng thuận, thì khó tránh được sự khác biệt. Slogan “Tiết kiệm điện - Thành thói quen" rất hay, rất thiết thực, nhưng không dễ để nhận được sự hưởng ứng nếu như công tác truyền thông không làm thay đổi được nhận thức trong tiêu dùng.

Tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng là tiết kiệm nguồn lực vật chất quan trọng để phục vụ sản xuất và đời sống, cũng chính là tiết kiệm cho tương lai. Nhiều người biết điều đó, nhưng biến điều thân quen này thành sự thân thuộc và thiết thực với mỗi người, mỗi nhà, thì lại chưa có nhiều người chia sẻ.

Tắt đèn trong một giờ hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2024 diễn ra từ 20h30 đến 21h30 thứ bảy, ngày 23/3/2024 chính là khởi đầu mới cho việc cùng nhau hiện thực thói quen ấy. Hãy nhìn thấy sự tích cực và thiết thực để tham gia sự kiện bằng hành động cụ thể. Nhất là sau “Giờ Trái đất” ý thức tiết kiệm điện trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người, chứ không chỉ dừng lại ở câu chuyện hiệu ứng của truyền thông tại thời điểm.

Thái Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/de-su-thiet-thuc-thanh-thoi-quen/209644.htm