Để sĩ tử 'ẵm' điểm cao môn Hóa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô Vũ Thị Mai Hiên - Trường PT DTNT tỉnh Điện Biên chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý đến với học sinh.

Thực hành giúp học sinh khắc sâu kiến thức.

Nắm chắc lý thuyết

Cô Vũ Thị Mai Hiên, giáo viên dạy môn Hóa học tại trường PT DTNT tỉnh Điện Biên. Với hơn 20 năm công tác trong nghề, cô Hiên đã tích lũy nhiều kinh nghiệm quý khi đối diện với môn học này.

Cô Hiên cho biết: Điểm đặc thù của môn Hóa học là phần lý thuyết. Để làm tốt bài tập của môn Hóa học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, học sinh cần phải nắm vững phần lý thuyết. Đặc biệt là kiến thức của lớp 11 và 12.

“Hóa học tuy có khối lượng kiến thức khá nhiều nhưng về dạng bài tập (dạng toán) tương đối ít, nên nếu nắm vững tính chất hóa học của nguyên tố và các phản ứng đặc trưng thì môn Hóa không phải là khó”, cô Hiên nói.

Cô Hiên cho rằng: Đối với môn thi Hóa học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, phần thi mà học sinh dễ lấy điểm nhất là các câu hỏi lý thuyết. Bởi vì phần lớn các câu hỏi về lý thuyết chiếm tỉ lệ cao hơn so với các câu hỏi bài tập. Ngoài ra, học sinh muốn làm tốt phần bài tập phải nắm vững được lý thuyết, đây là điểm đặc thù của bộ môn này.

“Tất nhiên môn học nào chúng ta cũng cần nắm vững nội dung lý thuyết. Tuy nhiên, nếu không đủ khả năng nhớ hết thì chúng ta cũng cần biết phải nên ưu tiên nhớ nội dung nào trước nhất. Bạn phải biết cách học và ghi nhớ một cách chọn lọc, logic, học vẹt là rất khó nhớ, học phải hiểu. Cần liên hệ những kiến thức thực tế, hiểu được bản chất, hiện tượng để giải thích, giúp khắc sâu kiến thức hơn”, cô Hiên nói.

Theo cô Hiên: Đối với môn Hóa học, cần nắm vững các khái niệm, định nghĩa, định luật hay quy luật. Đặc biệt quan tâm những đặc tính hóa học của các nguyên tố, ghi nhớ các khả năng nhận biết nguyên tố bằng tính chất hóa học.

Bên cạnh đó, học sinh nên tập trung ôn tập thật kĩ các câu lý thuyết ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Qua đó sẽ ghi nhớ các nội dung kiến thức về khái niệm, tính chất vật lý, tính chất hóa học, ứng dụng, điều chế, các hình vẽ thí nghiệm, hiện tượng và các bước tiến hành thí nghiệm theo sách giáo khoa.

Học sinh trường PT DTNT tỉnh Điện Biên miệt mài ôn thi tốt nghiệp THPT.

Để nhớ và khắc sâu lý thuyết phải làm thật nhiều bài trắc nghiệm lý thuyết và hệ thống kiến thức một cách khoa học. Nên tìm xem các video thí nghiệm biểu diễn và ghi chép các hiện tượng quan sát được trong quá trình thực hành thí nghiệm. Cách này sẽ giúp các em nắm vững được kiến thức, khắc sâu lý thuyết hơn.

Cô Hiên cũng lưu ý học sinh "Bí quyết làm bài thi trắc nghiệm môn hóa đạt điểm cao” là nên bắt đầu làm bài từ những câu cảm thấy dễ và chắc chắn. Đồng thời đánh dấu trong đề thi những câu chưa làm được. Lần lượt thực hiện đến câu trắc nghiệm cuối cùng trong đề. Sau đó quay trở lại giải quyết những câu đã tạm thời bỏ qua. Đặc biệt chú ý không mất quá 2 phút cho 1 câu. Sau khi giải quyết hết câu khác mà còn thời gian thì mới tập trung giải quyết các câu còn lại. Làm xong câu nào chắc câu đó.

Theo cô Hiên, học sinh cần chú ý tận dụng hết thời gian làm bài. Không nên ra sớm mà hãy để 5 - 10 phút kiểm tra lại bài làm trước khi nộp.

Chuẩn bị tốt tâm lý

“Mặc dù cần phải đọc nhanh câu hỏi để làm nhưng không được đọc lướt một cách cẩu thả. Nhiều bẫy rất nhỏ trong đề thi, chỉ khi đọc kĩ thí sinh mới tìm ra được. Chẳng hạn câu hỏi “Hãy tìm câu trả lời không đúng trong những câu dưới đây”. Như vậy, nếu bạn chỉ đọc lướt qua mà không chú ý sẽ có thể bỏ sót từ “không”, “không đúng” nghĩa là “sai”. Nhưng nếu chỉ chú ý tới chữ “đúng” cộng với kiến thức không chắc thì rất có thể bạn sẽ mất điểm câu đó một cách dễ dàng”, cô Hiên nhắc nhở.

Theo cô Hiên, làm nhiều bài tập cũng giúp nhớ các phản ứng đặc trưng của nguyên tố hóa học và hình thành kỹ năng giải bài toán. Học sinh cần nắm vững hóa tính, điều chế, kết hợp với cấu tạo, lí tính, chú ý các hiện tượng hóa học xảy ra.

Cô giáo Vũ Thị Mai Hiên (áo đỏ, đứng giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng học trò.

“Ví dụ như về đặc điểm lý tính, cần chú ý nhớ trạng thái (rắn, lỏng , khí), màu sắc, tính tan, mùi, vị, nhiệt độ sôi, nhiệt độ nóng chảy… đặc điểm cấu tạo của từng loại hợp chất, liên kết trong phân tử của nó. Viết được công thức cấu tạo cho từng loại hợp chất.Với những chất tiêu biểu, khi học hóa tính cần nhớ kĩ loại chất đó có thể cho những loại phản ứng nào, tác dụng được với các loại chất nào (?), như thế sẽ nhớ và học tốt môn hóa hơn”, cô Hiên nói.

Với kinh nghiệm của mình, cô Hiên chỉ ra rằng: Muốn viết và cân bằng phương trình hóa học nhanh, chính xác, có thể dùng phương trình ion thu gọn thay cho phương trình phân tử; dùng sơ đồ thay cho phản ứng hóa học hoặc tính toán bằng phân số nếu gặp số không chia...

Cuối cùng là chuẩn bị tốt tâm lý. Tâm lý đóng vai trò quan trọng, vì vậy, cô Hiên lưu ý: “Các em hãy thư giãn, đừng quá căng thẳng và tự gây áp lực. Các em làm bài thi hết sức, xong môn nào, hãy tạm gạt sang một bên để tập trung môn khác. Đặc biệt chú ý đến sức khỏe; ăn, ngủ đầy đủ, đúng giờ để có một tâm lý và sức khỏe tốt nhất”.

Linh Nga

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/de-si-tu-am-diem-cao-mon-hoa-trong-ky-thi-tot-nghiep-thpt-post642842.html