Để sáng kiến, sáng tạo mang lại hiệu quả cao hơn

Một trong những yêu cầu, tiêu chí mà Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Gia Lâm đề ra khi triển khai phong trào thi đua sáng kiến, sáng tạo là các sáng kiến, kinh nghiệm, giải pháp công tác của người lao động phải được đúc kết qua thực tiễn công việc đã làm hàng ngày; có tác dụng thúc đẩy tiến bộ khoa học và mang lại hiệu quả cao trong công việc; có thể chia sẻ, phổ biến để đồng nghiệp học tập, áp dụng và cùng nhau thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Hơn 2.000 sáng kiến làm lợi hàng chục tỷ đồng

Ông Đào Xuân Trường- Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm cho biết, nhận thức sâu sắc phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phấn đấu đạt danh hiệu “Sáng kiến sáng tạo”… là điều kiện và động lực động viên tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo của người lao động nên trong những năm qua, LĐLĐ huyện Gia Lâm luôn chú trọng triển khai phát động các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào thi đua phát huy sáng kiến sáng tạo tới 100% công đoàn cơ sở, thu hút đông đảo công nhân viên chức lao động(CNVCLĐ) hưởng ứng tham gia.

Phổ biến sáng kiến kinh nghiệm tiêu biểu của công nhân viên chức lao động huyện Gia Lâm về lĩnh vực giáo dục đào đạo

Để phong trào có sức cuốn hút và đạt hiệu quả thực chất, LĐLĐ huyện đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở phối hợp với chính quyền, chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của phong trào, đồng thời đề ra các tiêu chí, nội dung thi đua cụ thể, phù hợp với đặc thù của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và động viên công nhân viên chức lao động đăng ký thực hiện.

Cùng đó, các công đoàn cơ sở cũng tham mưu với lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan đơn vị quan tâm, tạo điều kiện để CNVCLĐ được học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ban chấp hành công đoàn cơ sở và lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn luôn quan tâm chăm lo đời sống, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách với người lao động, từ đó giúp người lao động yên tâm, gắn bó, dồn hết công sức, tâm huyết vào công việc, thỏa sức sáng kiến, sáng tạo, tích lũy kinh nghiệm.

Kết quả, năm 2020, CNVCLĐ toàn huyện đã có hơn 2000 sáng kiến được đánh giá xếp loại, khen thưởng các cấp, có giá trị làm lợi hàng chục tỷ đồng. Ông Đào Xuân Trường cho biết, nắm vững bản chất của sáng kiến, kinh nghiệm, giải pháp công tác không phải như một đề tài nghiên cứu với những vấn đề lớn, có tầm vĩ mô mà phải là những đúc kết qua thực tiễn công việc đã làm hàng ngày; có tác dụng thúc đẩy tiến bộ khoa học và mang lại hiệu quả cao trong công việc; có thể chia sẻ, phổ biến để đồng nghiệp học tập, áp dụng và cùng nhau thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao, chính vì thế, các sáng kiến, kinh nghiệm của CNVCLĐ huyện Gia Lâm đều kết tinh trí tuệ và thể hiện rõ sự sáng tạo cũng như tâm huyết của người lao động.

Có thể kể đến một số sáng kiến điển hình như: sáng kiến “Cải tiến lỗi hỏng đập 8 từ 75% còn 0% trên sản phẩm sứ” của đoàn viên Đào Tiến Ngọc và cộng sự; sáng kiến “Cài tiến kích thủy lực đầu chuyền đúc, giảm sự cố đúc, nâng cao năng suất” của đoàn viên Đặng Thanh Tú và cộng sự- Công đoàn Công ty TNHH Lixil Việt Nam; sáng kiến “Giảm chi phí sản xuất” của đoàn viên Vũ Trọng Nguyện- Công đoàn Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam; Sáng kiến “Ứng dụng phương pháp Motessori” vào phát triển vận động cho trẻ 5 đến 6 tuổi” của cô giáo Đoàn Thị Thanh Huyền- Giáo viên trường mầm non Dương Xá; sáng kiến “Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy văn miêu tả lớp 4” của cô giáo Trần Thị Ngọc Huyền- Giáo viên trường tiểu học thị trấn Trâu Quỳ v.v…

Điều đáng nói, không chỉ mang lại giá trị về kinh tế, việc viết sáng kiến, sáng tạo, đúc rút kinh nghiệm, giải pháp công tác còn giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn huyện Gia Lâm có cơ hội trao đổi, học tập, rút ra những cách làm hay, những biện pháp hiệu quả trong công tác quản lý cũng như trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tiếp tục quan tâm, đầu tư thỏa đáng cho sáng kiến, sáng tạo

“Với một số lượng lớn các sáng kiến, kinh nghiệm giải pháp trong công tác, đặc biệt là các sáng kiến của khối ngoài nhà nước trong những năm qua, chúng ta có thể thấy tiềm năng và ý thức trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là rất lớn, cần thiết phải được chỉ đạo, quan tâm đầu tư thỏa đáng để hoạt động viết sáng kiến, sáng tạo, đúc rút kinh nghiệm đi vào chiều sâu, có hiệu quả hơn”- ông Đào Xuân Trường nhìn nhận.

Tại hội nghị biểu dương “Điển hình tiên tiến” giai đoạn 2015- 2020; biểu dương “sáng kiến sáng tạo” trong CNVCLĐ huyện Gia Lâm và biểu dương Công nhân giỏi năm 2020 được tổ chức mới đây, LĐLĐ huyện Gia Lâm đã biểu dương 79 gương “Điển hình tiên tiến”; 40 cá nhân đạt danh hiệu “Sáng kiến Thủ đô” và 41 “Công nhân giỏi” năm 2020. Dịp này, LĐLĐ huyện cũng tổ chức phổ biến một số sáng kiến, kinh nghiệm, giải pháp công tác tiêu biểu trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, quản lý kinh tế, sản xuất kinh doanh.

Từ đòi hỏi này, LĐLĐ huyện Gia Lâm đề nghị, trong thời gian tới, các công đoàn cơ sở phối hợp với chuyên môn tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, để mỗi cán bộ, công nhân viên chức lao động hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của sáng kiến, kinh nghiệm đồng thời phổ biến, nhân rộng những sáng kiến, kinh nghiệm hay để mọi người học tập, nhất là đối với khối công nhân lao động cần đưa kết quả viết sáng kiến, kinh nghiệm, giải pháp công tác vào tiêu chí xét nâng lương, thưởng hàng năm.

LĐLĐ huyện Gia Lâm cũng yêu cầu các công đoàn cơ sở phối hợp với chuyên môn tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ, CNVCLĐ được học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng của các sáng kiến, sáng tạo.

Tới dự và phát biểu tại hội nghị biểu dương “Điển hình tiên tiến” giai đoạn 2015- 2020; biểu dương “sáng kiến sáng tạo” trong công nhân viên chức lao động huyện Gia Lâm và biểu dương Công nhân giỏi năm 2020 mà LĐLĐ huyện Gia Lâm tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Chính Hữu đánh giá cao những kết quả đạt được trong phong trào CNVCLĐ, hoạt động công đoàn huyện Gia Lâm nói chung, các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào sáng kiến sáng tạo nói riêng.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Chính Hữu, với sự chủ động, tích cực, cách làm bài bản, sáng tạo của LĐLĐ huyện Gia Lâm, các phong trào thi đua trong CNVCLĐ huyện Gia lâm đều đạt hiệu quả thiết thực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của phong trào công nhân viên chức lao động Thủ đô và góp phần thiết thực phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Phó Chủ tịch Nguyễn Chính Hữu nhận định, thời gian tới, trong điều kiện phát triển khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế sâu rộng với nhiều thuận lợi và không ít khó khăn, thách thực, tổ chức Công đoàn phải đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa về nội dung, phương thức hoạt động để tiếp tục khẳng định, nâng cao vị thế, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Do đó, đồng chí Nguyễn Chính Hữu chỉ đạo LĐLĐ huyện Gia Lâm tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hiểu biết của CNVCLĐ về vai trò, vị trí, chức năng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn cũng như nâng cao nhận thức của CNVCLĐ về mục đích, ý nghĩa, tác dụng của các phong trào thi đua yêu nước.

Cùng đó, LĐLĐ huyện cần đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua, nhất là trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, qua đó giúp nâng cao trình độ, tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ cho người lao động, đáp ứng được những yêu cầu mới của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố cũng định hướng, nội dung thi đua phải gắn với đặc thù của từng cơ quan, đơn vị, gắn với nguyện vọng và sở trường của mỗi người lao động; hình thức phát động, triển khai các phong trào phải linh hoạt, đa dạng; phát động, triển khai thi đua phải gắn với tổng kết, khen thưởng, nhân điển hình tiên tiến kịp thời để tạo sức lan tỏa.

Đặc biệt, Công đoàn phải luôn quan tâm, thực hiện tốt vai trò đại diện, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, từ đó mới tạo sức cuốn hút người lao động tham gia các hoạt động của tổ chức Công đoàn./.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-sang-kien-sang-tao-mang-lai-hieu-qua-cao-hon-111551.html