Để phòng ngừa tham nhũng hiệu quả

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam vừa ký ban hành Quyết định số 763/QĐ-TTCP về việc xác minh tài sản, thu nhập đối với 56 người có chức vụ, quyền hạn tại 6 bộ, ngành và 3 tập đoàn Nhà nước.

Mục đích của xác minh này nhằm làm rõ tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai tài sản, thu nhập lần đầu thực hiện theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các bản kê khai tài sản, thu nhập tính đến ngày 31.12.2022. Cùng với đó, xác minh tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm so với bản kê khai tài sản, thu nhập.

Xác minh tài sản, thu nhập là việc xác minh nội dung kê khai tài sản, nguồn gốc của tài sản và các thu nhập tăng thêm của đối tượng được lựa chọn xác minh. Thông qua hoạt động này để biết rõ về tài sản, thu nhập, biến động về tài sản, thu nhập, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai nhằm phòng ngừa tham nhũng, phục vụ công tác cán bộ, kịp thời phát hiện tham nhũng, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng.

Là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thời gian qua được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm đẩy mạnh thực hiện. Qua xác minh đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, kể cả đối tượng là lãnh đạo quản lý cấp cao ở địa phương. Trong đó, có cả Bí thư Tỉnh ủy, Giám đốc sở, Phó Chánh Thanh tra tỉnh... bị xử lý kỷ luật vì kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Bên cạnh phát huy hiệu quả bước đầu, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, Ủy ban Tư pháp cũng thẳng thắn chỉ rõ, kiểm soát tài soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn vẫn còn những hạn chế. Qua xác minh tài sản, thu nhập mặc dù phát hiện nhiều vi phạm nhưng chủ yếu vẫn là lỗi do tổ chức triển khai thực hiện. Theo đó, số người đã tiến hành xác minh trong kỳ là 13.093 người; có 2.664 người có vi phạm, sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định. Điều đáng nói, kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Cụ thể, trong năm 2023, đã tiến hành xác minh tài sản, thu nhập đối với 13.093 người nhưng chỉ phát hiện, xử lý kỷ luật đối với 54 người do kê khai không trung thực.

54 trường hợp bị phát hiện, xử lý kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực là một con số rất khiêm tốn. Đây có thể là một tin vui, bởi điều này cho thấy những trường hợp thuộc đối tượng phải kê khai đã tuân thủ nghiêm quy định pháp luật về kê khai tài sản, thu nhập nên ít xảy ra vi phạm. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, “qua giám sát của Ủy ban Tư pháp và dư luận, cử tri cho thấy tình trạng vi phạm việc kê khai tài sản, thu nhập diễn ra còn nhiều” - Ủy ban Tư pháp nhận định. Tồn tại này cần sớm xử lý, khắc phục triệt để, nếu chúng ta muốn phòng ngừa tham nhũng hiệu quả.

Pháp luật hiện hành đã quy định rất rõ việc xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực. Điều 51, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định, người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử. Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.

Ngoài ra, Luật Phòng, chống tham nhũng cũng quy định, người có nghĩa vụ kê khai không thuộc trường hợp trên mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm. Nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch…

Có thể thấy, “chế tài” này đã đủ mạnh để xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực. Để khắc phục những vi phạm này, ngoài việc ý thức tuân thủ pháp luật của các đối tượng thuộc diện phải kê khai, điều quan trọng là các cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/de-phong-ngua-tham-nhung-hieu-qua-i357152/