Đề phòng cháy, nổ do thắp hương, đốt vàng mã trong dịp Tết

Phong tục thờ cúng tổ tiên là truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt từ xa xưa đến nay, cùng với đó là việc thắp hương, đốt vàng mã, nhất là vào các ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy, nổ.

Để hạn chế tối đa việc xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về người, tài sản và đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) khi thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, Ủy ban nhân dân quận Ba Đình khuyến cáo người dân, các hộ gia đình, đơn vị, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện tốt các biện pháp PCCC.

Các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo: Thường xuyên phát thanh tuyên truyền cho khách

Ban hành các quy định, nội quy về PCCC và treo, dán... cố định ở nơi dễ thấy để mọi người đều nắm rõ. Thường xuyên phát loa phát thanh tuyên truyền cho khách đến phúng viếng có ý thức chấp hành nghiêm nội quy về PCCC tại nơi thờ tự. Khi khách đến thắp hương phải có người trông coi cẩn thận để xử lý ngay những trường hợp bất cẩn.

Tăng cường tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng chủ động PCCC cho những người làm việc, phục vụ tại nơi thờ tự (các tăng, ni, lực lượng phục vụ, bảo vệ...). Tổ chức hướng dẫn lực lượng này cách sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ; dự phòng và phổ biến các phương án chữa cháy, thoát nạn khi có cháy xảy ra.

Việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã cần tuân thủ đúng quy định.

Việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã cần tuân thủ đúng quy định.

Chủ động trang bị phương tiện PCCC, đặt ở những chỗ dễ thấy, dễ lấy; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện PCCC (nguồn nước, xô, chậu, bình chữa cháy xách tay các loại...), đảm bảo hoạt động tốt khi có cháy xảy ra.

Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt tại khu vực bếp, chánh điện, nhà kho, bãi gửi xe, nơi hóa vàng mã… Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ điện, điện chiếu sáng, dây dẫn điện. Cử người trông coi thường xuyên cả trong và ngoài thời điểm khách đến viếng, đảm bảo kịp thời phát hiện và xử lý tại chỗ nhanh chóng khi có cháy.

Không để vật tư, hàng hóa trưng bày và không cho người dân buôn bán ở trên các lối đi, lan can, hành lang, cửa ra vào, lối thoát nạn.

Bàn thờ phải làm bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy và có vách ngăn chống cháy lan sang khu vực xung quanh; dụng cụ đỡ nhang, đèn phải bố trí chắc chắn, cố định, tránh đổ. Phải có kho bảo quản bảo đảm an toàn PCCC đối với nhang, đèn cầy, vàng mã. Phải có nơi hủy nhang, đèn, vàng mã.

Hạn chế đến mức thấp nhất việc thắp hương thờ cúng và hóa vàng. Khi cần thiết phải thắp hương thờ cúng để phục vụ cho việc hành lễ phải có người trông coi cẩn thận. Việc hóa vàng phải tiến hành tại các vị trí an toàn cách xa các vật dụng dễ cháy. Vàng mã phải được hóa trong thiết bị chứa bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy.

Khi xảy ra cháy, thực hiện nghiêm tiêu lệnh chữa cháy và tổ chức chữa cháy tại chỗ, đồng thời hướng dẫn người dân lối thoát nạn.

Các cơ sở, cơ quan, doanh nghiệp: Tăng cường công tác thường trực, tự kiểm tra an toàn PCCC

Trang bị đầy đủ; sửa chữa, bảo dưỡng các trang thiết bị, phương tiện PCCC, công cụ phá dỡ (bình chữa cháy, hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy; búa, kìm cộng lực, đèn pin, mặt nạ phòng độc, thang; dây hạ chậm…) để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Tăng cường công tác thường trực, tuần tra, đảm bảo lực lượng phương tiện PCCC. Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt; duy trì các điều kiện an toàn PCCC trong quá trình hoạt động.

Sắp xếp vật tư, hàng hóa gọn gàng, đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC và ngăn cháy theo quy định.

Xây dựng phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và định kỳ thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định.

Người dân cần nâng cao ý thức khi thắp hương, thờ cúng, đốt vàng mã

Nhiều gia đình khi đi vắng vẫn thắp đèn thờ, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Bên cạnh đó, quan niệm càng đốt nhiều vàng mã thì sẽ càng được tổ tiên, thần linh phù hộ độ trì. Việc đốt vàng mã quá nhiều mà không được che chắn sẽ gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến cây cối xung quanh. Nghiêm trọng hơn, nó còn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ bởi tàn lửa có thể bị cuốn ra xung quanh, bắt vào các vật dụng dễ cháy...

Người dân cần đặt bàn thờ (nơi thắp hương) cách xa trần nhà, các vật dụng dễ cháy. Các vật dụng trên bàn thờ và đồ thờ cúng phải được sắp xếp gọn gàng, đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, không để nhiều vật dụng dễ cháy trên bàn thờ. Luôn có biện pháp ngăn chặn cháy lan, việc thắp hương phải có người trông coi.

Hạn chế thắp nến, đèn dầu... Nếu có sử dụng, lưu ý các biện pháp không để bén cháy vào các vật liệu xung quanh. Tắt đèn, nến sau khi thắp hương xong. Các thiết bị điện, dây dẫn bố trí trên bàn thờ cần đảm bảo cường độ dòng điện, hệ thống điện cần phải có aptomat để tránh sự cố về điện có thể gây cháy...

Tại các chợ, phải có khu vực riêng cho việc thắp hương, thờ cúng của tiểu thương, đảm bảo an toàn PCCC. Tại các đền, chùa... nơi tập trung đông người phải thường xuyên nâng cao nhận thức PCCC cho những người làm việc phục vụ tại chỗ, nhắc nhở du khách có ý thức chấp hành quy định về PCCC.

Khi đến những nơi tập trung đông người cần thực hiện đầy đủ nội quy, quy định về PCCC, quan sát những nơi đặt bình chữa cháy, biển chỉ dẫn thoát nạn, sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Khi đốt vàng mã nên sử dụng các dụng cụ được làm bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy (sắt, inox...), có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh, đồng thời phải có người trông coi đến khi vàng mã cháy hết, dùng nước vẩy lên tro để không còn tàn lửa. Không nên đốt quá nhiều vàng mã, nhất là các loại vàng mã có khối lượng lớn như ô tô, nhà, quần áo... Nên đốt vàng mã ở nơi cách xa các vật liệu dễ cháy, ít người qua lại.

T.P

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-phong-chay-no-do-thap-huong-dot-vang-ma-trong-dip-tet-166028.html