Để phát triển tốt hơn – cần tăng nguồn vốn hỗ trợ hội viên

KinhteDothi - Với tổng nguồn vốn trên 54 tỉ đồng, đến nay Quỹ Hỗ trợ Nông dân (QHTND) huyện Chương Mỹ đã và đang tiếp sức cho một số mô hình phát triển kinh tế, mang lại hiệu quả.

Đồng vốn giúp hội viên phát triển sản xuất, nâng cao đời sống

Theo báo cáo của Hội Nông dân huyện Chương Mỹ, đến 30/6, tổng nguồn vốn của QHTND huyện Chương Mỹ đang quản lý có trên 54 tỉ đồng. Tuy nguồn vốn còn hạn chế, nhưng nhu cầu vay của hội viên rất cao. Do vậy để đồng vốn đến với đúng đối tượng cần, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng dự án, thẩm định, giám sát chặt chẽ.

Trang trại chăn nuôi của ông Nguyễn Thiện Hà, thôn 3, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ

Trang trại chăn nuôi của ông Nguyễn Thiện Hà, thôn 3, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ

Đến nay, QHTND đã giải ngân 21 dự án với số tiền là 11,1 tỷ đồng, cho 259 hộ hội viên vay vốn. Trong đó có 4 dự án trồng trọt (19%), 9 dự án chăn nuôi (42%), 6 dự án cho vay làng nghề (28%), 2 dự án kinh doanh dịch vụ (9%). QHTND huyện cũng đã thu hồi 7,6 tỉ đồng (vốn đến hạn) của 368 hộ, tham gia 25 dự án. Kết quả thu hồi vốn theo đúng thời gian quy định, chuyển vốn về TP, không có nợ quá hạn.

Theo ông Nguyễn Thiện Hà (thôn 3, xã Đại Yên), mức vay 50 triệu đồng từ QHTND là rất thấp so với nhu cầu

Theo ông Nguyễn Thiện Hà (thôn 3, xã Đại Yên), mức vay 50 triệu đồng từ QHTND là rất thấp so với nhu cầu

QHTND đã tạo điều kiện về vốn cho hộ vay để phát triển sản xuất, giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện Chương Mỹ đến cuối năm 2022 đạt 63 triệu đồng/người/năm. Thông qua các dự án vay vốn, QHTND đã thu hút kết nạp được 637 hội viên mới…

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Văn Thụ Nguyễn Thanh Xuân cho biết, hiện QHTND xã đang cho 52 hội viên vay tổng dư nợ là 1,8 tỉ đồng để thực hiện 4 nhóm dự án (nuôi bò sinh sản, lợn nái, gà đồi và ếch thương phẩm). Nhưng do nguồn vốn hạn chế, nên hộ được vay tối đa cũng chỉ 50 triệu đồng. Tuy số vốn được vay không lớn, nhưng do lãi suất thấp (0,4%/tháng) nên đã hỗ trợ một phần cho người chăn nuôi. Đặc biệt là thời gian qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá thức ăn chăn nuôi và các chi phí khác liên tục tăng.

Tăng nguồn – nhu cầu bức thiết

Ông Nguyễn Công Thắng, thôn Vân Sơn, xã Hoàng Văn Thụ, chủ một trang trại nuôi ếch thương phẩm thẳng thắn: "Với đàn ếch khoảng trên 60.000 con/lứa, riêng tiền xây dựng chuồng nuôi (dạng bè nổi) đã hết 150 triệu đồng. Cộng thêm tiền con giống (10.000 đồng/con), tiền thức ăn (khoảng 3,5 triệu/ngày, từ khi nuôi đến lúc xuất trung bình khoảng 70 ngày), tính sơ sơ, tổng vốn phải bỏ ra cũng gần nửa tỉ đồng. Việc QHTND cho hội viên vay tối đa 50 triệu đồng là rất quý; nhưng nếu tăng quy mô đàn lên gấp đôi, gấp 3 lần như hiện nay, số tiền trên là rất nhỏ so với nhu cầu".

Ông Nguyễn Công Thắng (bìa trái), chủ trang trại nuôi ếch tại xã Hoàng Văn Thụ cũng cho rằng QHTND cần tăng thêm hạn mức và kéo dài thời gian vay vốn.

Ông Nguyễn Công Thắng (bìa trái), chủ trang trại nuôi ếch tại xã Hoàng Văn Thụ cũng cho rằng QHTND cần tăng thêm hạn mức và kéo dài thời gian vay vốn.

Chủ trang trại ở thôn 3, xã Đại Yên là ông Nguyễn Thiện Hà cho biết, với quy mô trên 7.000m2, từ năm 2012 đến nay, gia đình ông đã đầu tư vào mô hình chăn nuôi tổng hợp (cá, gà, ba ba) trên 3 tỉ đồng. “Tôi đã được vay từ QHTND 50 triệu đồng với thời hạn 2 năm, tuy nhiên so với nhu cầu, số vốn vay kể trên rất khiêm tốn. Nếu được, tôi đề nghị cấp trên nâng hạn mức và tăng thời gian cho vay…”

Trang trại nuôi ếch thương phẩm của ông Nguyễn Công Thắng, thôn Vân Sơn , xã Hoàng Văn Thụ.

Trang trại nuôi ếch thương phẩm của ông Nguyễn Công Thắng, thôn Vân Sơn , xã Hoàng Văn Thụ.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Lợi cho biết, QHTND cần khắc phục một số hạn chế như: Lựa chọn mô hình xây dựng các dự án theo hướng liên kết sản xuất hàng hóa còn hạn chế. Các mô hình còn nhỏ, tầm ảnh hưởng chưa sâu rộng, hiệu quả sử dụng nguồn vốn một số hộ chưa cao.

Để làm bè nổi nuôi ếch thương phẩm, gia đình ông Nguyễn Công Thắng đã phải bỏ ra số vốn 150 triệu đồng.

Để làm bè nổi nuôi ếch thương phẩm, gia đình ông Nguyễn Công Thắng đã phải bỏ ra số vốn 150 triệu đồng.

Vẫn theo ông Lợi, để phát triển tốt hơn, đề nghị cấp trên tiếp tục bổ sung nguồn vốn, tăng thời gian vay của các dự án (từ 2 lên 3 năm); để các hộ có điều kiện sản xuất kinh doanh. Hội Nông dân TP cần tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho vay và kế toán cho đội ngũ cán bộ làm công tác QHTND các cấp. Bổ sung các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho hộ vay vốn QHTND…

Trần Thụ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-phat-trien-tot-hon-can-tang-nguon-von-ho-tro-hoi-vien.html