Để phát triển Thủ đô Hà Nội đột phá về kinh tế xã hội bền vững

Mục tiêu và tầm nhìn phát triển đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là TP 'văn hiến-văn minh-hiện đại', nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; là trung tâm hàng đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc.

Ảnh minh họa (Ảnh:Khánh Huy)

Hiện Hà Nội đang gấp rút hoàn thiện Quy hoạch chung Thủ đô, trong quá trình hoàn thiện, TP Hà Nội đã chỉ đạo cơ quan tổ chức lập quy hoạch và đơn vị tư vấn tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của bộ, ngành, cơ quan liên quan và các chuyên gia phản biện của Hội đồng thẩm định để hoàn chỉnh nội dung, giải pháp quy hoạch của đồ án.

Thiết nghĩ, để có được một đồ án quy hoạch chất lượng cao nhất, đáp ứng mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển đột phá về kinh tế - xã hội và bền vững về dài hạn, trở thành trung tâm động lực phát triển của quốc gia, thì việc tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư vào đồ án là rất quan trọng.

Theo đó, căn cứ vào đặc điểm phát triển của đô thị Hà Nội gồm khu vực nội đô với các khu vực có giá trị di sản như phố cổ, phố cũ, Hoàng Thành Thăng Long, Hồ Gươm, khu Ba Đình… cần phải thực hiện theo bảo tồn di sản; khu vực đô thị hiện hữu, làng xóm đô thị hóa cần phải thực hiện theo nguyên tắc cải tạo và tái thiết đô thị với các chỉ tiêu, tiêu chí đặc thù để thực hiện; khu vực phát triển đô thị mở rộng, đô thị mới áp dụng theo các tiêu chí đô thị xanh, sinh thái, TOD, thông minh… phù hợp điều kiện của từng khu vực.

Đối với các khu vực chức năng đặc thù như khu công nghệ cao, khu đào tạo, khu du lịch, khu văn hóa, thể dục thể thao… sẽ áp dụng các tiêu chí đặc thù. Các mô hình áp dụng cần tiếp tục được cụ thể hóa ở các giai đoạn lập chương trình triển khai thực hiện, lập đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết ở cấp thấp hơn và triển khai các dự án đầu tư xây dựng.

Tôi cho rằng, để tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch, cần triển khai hiệu quả 7 nhóm giải pháp trọng tâm đã được đưa ra, là: huy động và sử dụng nguồn lực; phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ chế, chính sách liên kết, phát triển vùng; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Quy hoạch chung cần tái hiện được một Hà Nội văn hiến, gắn với những con sông, nhất là sông Hồng và cảnh buôn bán tấp nập; từ đó, đặt ra yêu cầu cải tạo, chỉnh trang và trả lại cho các con sông những chức năng trước đây như không gian mặt nước, thoát nước, thoát lũ, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, vui chơi, giải trí.

Minh Phong (huyện Thanh Oai, Hà Nội)

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/de-phat-trien-thu-do-ha-noi-dot-pha-ve-kinh-te-xa-hoi-ben-vung-379446.html