Để những 'vầng trăng khuyết' trọn vẹn yêu thương

Sinh ra đã thiệt thòi, song trẻ em khuyết tật vẫn luôn nhận được sự quan tâm chăm sóc của các cấp, ngành tỉnh Thái Nguyên. Sự quan tâm ấy không chỉ là vật chất mà còn chứa đựng cả tình yêu thương.

Tràn đầy yêu thương

Là một ngôi nhà đặc biệt, Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên có nhiều em nhỏ chịu nhiều thiệt thòi. Thế nhưng, những năm qua, cán bộ nơi đây luôn dành sự yêu thương của mình lấp đầy những khoảng lặng buồn cho các bé.

Chị Lương Thị Hồng Đức - người đã có 13 năm công tác tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, đảm đương nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ em tại Trung tâm, chị dành phần lớn thời gian ở phòng chăm sóc dành riêng cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.

Chị Đức tâm niệm, hoàn thành nhiệm vụ thôi chưa đủ, việc chăm sóc giáo dục trẻ em, đặc biệt với những em nhỏ bị bỏ rơi, nhiều khuyết tật, điều cần hơn cả chính là tình yêu thương của một người mẹ.

Cán bộ Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên chăm sóc trẻ khuyết tật.

Chị chia sẻ: “Những em nhỏ bị bỏ rơi được đưa vào Trung tâm phần lớn đều mắc một khuyết tật, thậm chí là đa khuyết tật. Việc chăm sóc một trẻ sơ sinh khỏe mạnh đòi hỏi rất nhiều công sức, thì việc chăm sóc trẻ sơ sinh bị khuyết tật lại phải cần đến gấp đôi, gấp ba công sức bình thường. Nhưng những cán bộ như chúng tôi đều suy nghĩ rằng, các con đã gặp nhiều thiệt thòi, đều rất đáng thương. Mình cố gắng chăm sóc các con thật tốt, để các con được khỏe mạnh, lớn lên như bao trẻ khác”.

Còn chị Trịnh Thị Lan Phương - người đã có 15 năm gắn bó với Trung tâm bày tỏ: “Ngày tôi về Trung tâm công tác, số trẻ sơ sinh thời điểm đó có hàng chục bé. Là sinh viên mới ra trường, điều gì cũng bỡ ngỡ, lại chưa kết hôn, chưa có con nhỏ nên việc chăm sóc trẻ đối với tôi lúc đó khá lo lắng. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ đồng hành của mọi người ở Trung tâm và sự yêu mến trẻ, nhất là những mảnh đời như các em đã thôi thúc sự nhiệt huyết, tình yêu thương trong tôi lớn dần theo thời gian.

Bé trai tôi chăm sóc nuôi dưỡng đầu tiên, sau 3 tháng đã có gia đình nhận về nuôi. Những ngày đầu xa con, tôi rất nhớ và có cảm giác hụt hẫng, thiếu đi một thứ gì đó rất đỗi thân thương. Và lúc đó tôi hiểu rằng, khi đặt tình yêu thương, chăm sóc bằng cả trái tim thì người dưng cũng hóa máu thịt của mình. Và hành trình chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ của bản thân tôi cũng như các cán bộ ở Trung tâm này là như thế - luôn luôn lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động”, chị Trịnh Thị Lan Phương chia sẻ.

Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên hiện đang quản lý và chăm sóc 13 trẻ em. Chị Phùng Thị Thơm, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Trực tiếp quản lý các hoạt động Công tác xã hội, tôi cũng rất trăn trở trước những nguy cơ tiềm ẩn với trẻ em hiện nay. Qua những vụ việc chúng tôi tiến hành can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp, có thể thấy rằng, môi trường mạng đang trở thành mối nguy hại lớn với trẻ nếu không có sự quan tâm định hướng của gia đình.

Ngoài môi trường mạng, thì những rối loạn tâm lý như trầm cảm, lo âu; nguy cơ xâm hại, bạo hành vẫn luôn thường trực với trẻ nếu không có sự đồng hành, thấu hiểu và chia sẻ của gia đình, bạn bè và người thân. Trong quá trình triển khai các hoạt động tuyên truyền ở cơ sở, chúng tôi cũng luôn hướng về việc tập huấn, hướng dẫn kỹ năng trực tiếp cho trẻ, các bậc phụ huynh, giáo viên trong việc nhận diện nguy cơ và cách thức bảo vệ trẻ an toàn".

Nhiệm vụ quan trọng

Hiện toàn tỉnh Thái Nguyên có hơn 293.000 trẻ em, trong đó hơn 2.300 trẻ bị khuyết tật. Xác định rõ công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em khuyết tật luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng nên các cấp, ngành chức năng của tỉnh chú trọng thực hiện.

Minh chứng là hiện nay trên toàn tỉnh 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm chăm sóc. Đặc biệt là hầu hết các hình thức trợ giúp trẻ em được cập nhật trên phần mềm.

Để đạt kết quả này, Ban Chỉ đạo công tác Bảo vệ Chăm sóc trẻ em các cấp thường xuyên được kiện toàn, xây dựng được quy chế hoạt động phù hợp cho từng năm và cả giai đoạn.

Lớp học vẽ của các em tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên.

Ngoài đội ngũ cán bộ tham gia Ban Chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cấp xã, trên toàn tỉnh còn có hơn 3.000 cộng tác viên hoạt động tích cực trong lĩnh vực bảo vệ chăm sóc trẻ em. Hằng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động tổ chức mở các lớp tập huấn cho đội ngũ tham gia công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em về kỹ năng điều tra, rà soát, thu thập thông tin về trẻ em, cách ghi sổ theo dõi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ, tặng quà và học bổng cho hàng nghìn trẻ, trong đó hàng trăm em được mổ tim miễn phí, phẫu thuật mắt, hệ vận động, sứt môi, hở hàm ếch; trẻ em con hộ nghèo được hỗ trợ lương thực, xe đạp, quần áo, đồ dùng học tập. Nhiều trường hợp mất môi trường nuôi dưỡng được đưa vào cơ sở nuôi dưỡng tập trung.

Trong năm qua, các cấp tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Hội Thiện nguyện SAP-VN tổ chức khám sàng lọc cho 173 trẻ em bị khuyết tật hệ vận động; phối hợp Bệnh viện E Hà Nội và tổ chức The Vinacapital Foundation tổ chức khám sàng lọc cho hơn 2.000 trẻ em; đưa 56 trẻ em của tỉnh tham gia chương trình khám sàng lọc, phẫu thuật dị tật vùng hàm mặt tại Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, phát hiện chỉ định phẫu thuật cho 24 trẻ em.

Bằng chung tay sẻ chia của các cấp, ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và mọi người dân, nhiều trẻ em của quê hương chè Thái Nguyên vơi đi mặc cảm, bước qua rào cản tự ti, nỗ lực vượt khó, vươn lên sống hòa nhập cộng đồng, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Những vầng trăng tuy khuyết nhưng luôn được lấp đầy bằng tình yêu thương.

Thành Phát

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/de-nhung-vang-trang-khuyet-tron-ven-yeu-thuong-d3499.html