Để người nghèo không còn nghèo

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thời gian qua, nhưng tỉnh đã đặc biệt quan tâm xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa khôi phục, duy trì và phát triển kinh tế - xã hội.

Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%. Ảnh minh họa

Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí và vươn lên thoát nghèo.

Theo công bố của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh Tây Ninh năm 2022 đứng thứ 7/63 tỉnh, thành cả nước. Phấn đấu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%, bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo theo quy định.

Rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo

Giai đoạn 2022-2023, tỉnh Tây Ninh được phân bổ 77,9 tỷ đồng triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Trong đó, vốn Trung ương 70,2 tỷ đồng, vốn địa phương 7,7 tỷ đồng. Nhờ sự tham gia tích cực của người dân, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã góp phần làm thay đổi rõ rệt diện mạo vùng nông thôn, đời sống người dân được cải thiện, bước đầu góp phần giảm nghèo bền vững, rút ngắn khoảng cách chênh lệnh giàu nghèo giữa các vùng, địa phương...

Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh giảm được 1.332 hộ nghèo, hộ cận nghèo (tương ứng giảm 0,42% so với năm 2022), trong đó, giảm được 547 hộ nghèo (giảm 0,17%), hộ cận nghèo 1.620 hộ (giảm 0,5%). Đào tạo nghề cho 844 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Hỗ trợ đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo cho 845 hộ, với 95 dự án hỗ trợ sản xuất cộng đồng được phê duyệt; hỗ trợ tiền hằng tháng cho 2.351 lượt người thuộc hộ nghèo không khả năng thoát nghèo, với tổng kinh phí trên 32,3 tỷ đồng.

Hỗ trợ 100% giá trị thẻ BHYT cho đối tượng thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh và hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình. Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt gần 90%...

Tây Ninh là tỉnh có điều kiện tự nhiên, xã hội tương đối thuận lợi; khoảng cách giữa thành thị và nông thôn không có sự chênh lệch lớn, khoảng cách đến các trung tâm tương đối ngắn. Hệ thống đường sá được nâng cấp khang trang, sạch đẹp, giao thông thuận tiện, buôn bán được mở rộng, nhờ đó, thu nhập hộ gia đình tăng thêm. Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, so với nhiều tỉnh khác, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 của Tây Ninh là khá thấp. Hiện tại, tỉnh không có huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhìn chung, phần lớn người dân Tây Ninh có cuộc sống tương đối ổn định, ít biến động nên kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo qua các thời kỳ đều giảm và thấp hơn so với các địa phương khác. Nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương và nguồn vốn đối ứng của địa phương đủ bảo đảm hỗ trợ cho tất cả các đối tượng đủ điều kiện, có nhu cầu tham gia các dự án, mô hình sinh kế. Hiệu quả của chính sách hỗ trợ tín dụng giúp các hộ cận nghèo có khả năng thoát cận nghèo, gia tăng thu nhập cho người nghèo.

Tuy nhiên, đánh giá mức độ hoàn thành so với kế hoạch đề ra, công tác giải ngân một số dự án còn chậm, chưa đạt theo kế hoạch đề ra. Năm 2023, tỉnh Tây Ninh được Trung ương phân bổ 50 tỷ 313 triệu đồng triển khai thực hiện chương trình (ngân sách địa phương 7 tỷ 547 triệu đồng).

Tính đến 31.10.2023, toàn tỉnh đã giải ngân 14 tỷ 458 triệu đồng (đạt 24,99% kế hoạch), ước giải ngân đến cuối năm2023 là 43 tỷ 299 triệu đồng (đạt 74,83% kế hoạch). Nguyên nhân, một số đơn vị vẫn chưa quán triệt đầy đủ nội dung các văn bản chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh; nhiều nội dung hướng dẫn thực hiện tại một số đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, sâu rộng, rõ ràng nên việc triển khai thực hiện chậm, dẫn đến kết quả giải ngân đối với các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình còn khá thấp so với kế hoạch đề ra.

Nhờ mô hình mới, cách làm hay, người nghèo ở Tân Châu được hỗ trợ sinh kế, thoát nghèo (Trong ảnh: Lãnh đạo UBND xã Tân Đông thăm hỏi người dân được hỗ trợ nhà ở trên đất công tại xã Tân Đông, huyện Tân Châu).

Tân Châu: Nhiều mô hình, cách làm hay ưu tiên cho người nghèo

Tính đến năm 2023, Tân Châu có 8/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện đã phối hợp xây tặng 102 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, với tổng số tiền huy động 7,2 tỷ đồng. Sau nhiều nỗ lực giảm nghèo đa chiều, từ năm 2021-2023, huyện đã giảm được 0,55% hộ nghèo, cận nghèo.

Theo ông Võ Hồng Sang- Chủ tịch UBND huyện, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã tạo điều kiện để Tân Châu đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội; lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa có nhiều tiến bộ. Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm được tăng cường thực hiện, thu nhập của người dân khu vực nông thôn tăng nhanh, đồng thời giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, huyện đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần cải thiện điều kiện sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách, xóa nhà tạm, nhà dột nát, giúp nhân dân ổn định cuộc sống.

“Nhận thức của hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện 3 Chương trình MTQG được gói gọn trong 3 từ “cao, trúng và đúng”. Sau thời gian triển khai thực hiện các chương trình MTQG, tỉnh có những giải pháp, kinh nghiệm như: hệ thống chính trị quán triệt, nắm chắc quan điểm, mục tiêu để triển khai thực hiện đồng bộ, thực chất, phù hợp với tình hình, khả năng của địa phương; quá trình thực hiện thể hiện tính chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, lấy mục tiêu đề ra giải pháp cho phù hợp; tận dụng tối đa lợi thế, phát huy tiềm năng của địa phương để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tỉnh, thành phố trong vùng; để đạt được 3 chương trình mục tiêu quan trọng phải có nguồn lực, tạo việc làm, đa dạng sinh kế cho người dân”.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh

Nổi bật có mô hình “Tham mưu cấp ủy phân công đảng viên tham gia hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo bền vững” giai đoạn 2022-2025. Để thực hiện, huyện yêu cầu các địa phương, tùy tình hình trong ấp, có thể phân công từ 2 đến 5 đảng viên giúp đỡ 1 hộ; đồng thời phân công các tổ chức chính trị - xã hội hỗ trợ hộ gia đình nghèo là đoàn viên, hội viên của tổ chức, phối hợp với đảng viên được phân công; đối với hộ gia đình không thuộc tổ chức, đoàn thể thì MTTQ có trách nhiệm phối hợp với đảng viên giúp đỡ.

Theo đó, các tổ chức thành viên phối hợp với chi bộ, đảng bộ và đảng viên thống nhất giải pháp, tập trung mọi nguồn lực giúp đỡ các đối tượng thoát nghèo. Với mô hình này, đã có 527 trường hợp được hỗ trợ đào tạo dạy nghề, có việc làm ổn định; 299 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở, phương tiện, công cụ sản xuất, hỗ trợ cây, con, giống chăn nuôi, hỗ trợ vốn sản xuất, chuyển giao công nghệ và trợ vốn không tính lãi.

Song song đó, huyện còn triển khai các mô hình giảm nghèo có hiệu quả nhằm tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động tại địa phương như: Mô hình sản xuất mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Minh Trung (xã Tân Hưng); nuôi dế thương phẩm (xã Suối Dây); nuôi dê (xã Tân Phú); nuôi ba ba (xã Tân Hòa)...

Nhiều cơ chế, chính sách giảm nghèo

Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 6 nghị quyết, 8 quyết định, 14 kế hoạch nhằm cụ thể hóa các quy định của Trung ương thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thời gian qua, nhưng tỉnh đã đặc biệt quan tâm xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa khôi phục, duy trì và phát triển kinh tế - xã hội. Sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, bước đầu đạt được những kết quả tích cực, các chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch cơ bản đều đạt.

Để tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều, hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp có mức sống trung bình và hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế và trợ giúp pháp lý, tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X đã ban hành Nghị quyết số 50/2023/NQ-HĐND về quy định mức hỗ trợ thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn, hướng đến mục tiêu chung là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong đó, UBND tỉnh đề ra mục tiêu cụ thể phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% và bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo theo quy định.

Tâm Giang

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/de-nguoi-ngheo-khong-con-ngheo-a167141.html