Để người dân biên giới không còn khai thác lâm sản trái phép

Thời gian qua, Đồn Biên phòng Châu Khê, BĐBP Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với Vườn quốc gia Pù Mát và chính quyền địa phương tuyên truyền để người dân trên địa bàn từng bước nâng cao nhận thức, không khai thác lâm sản trái phép. Các đơn vị cũng tích cực hỗ trợ nhân dân xây dựng nguồn sinh kế bền vững, đảm bảo cuộc sống và chung sức bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, rừng đầu nguồn.

Tổ công tác của Đồn Biên phòng Châu Khê phối hợp với Trạm Kiểm lâm Khe Bu, Vườn quốc gia Pù Mát tuyên truyền pháp luật cho nhân dân địa phương. Ảnh: Viết Lam

Tổ công tác của Đồn Biên phòng Châu Khê phối hợp với Trạm Kiểm lâm Khe Bu, Vườn quốc gia Pù Mát tuyên truyền pháp luật cho nhân dân địa phương. Ảnh: Viết Lam

Xã biên giới Châu Khê có diện tích tự nhiên rộng lớn, địa bàn định cư chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp và khai thác lâm sản phụ. Thực tế ghi nhận, có một bộ phận người dân của địa phương định cư sâu trong khu vực rừng tự nhiên thuộc Vườn quốc gia Pù Mát quản lý như bản: Khe Bu, Khe Nà và cụm dân cư Khe Nóng. Trước đây, do cuộc sống khó khăn nên nhiều người dân thường lén lút vào rừng chặt gỗ, săn bắt động vật hoang dã để cung cấp cho các đầu nậu bán ra thị trường. Có một thời gian dài, địa bàn xã Châu Khê được xác định là điểm nóng của hoạt động khai thác lâm sản trái phép. Tình trạng trên kéo dài đe dọa trực tiếp đến sự đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Pù Mát, đồng thời, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất an ninh trật tự trên khu vực biên giới.

Trước thực trạng đó, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao, Đồn Biên phòng Châu Khê, Vườn quốc gia Pù Mát và UBND xã Châu Khê đã phối hợp triển khai các biện pháp tăng cường bảo vệ rừng, động vật hoang dã, đa dạng sinh học trên địa bàn. Trước hết, các đơn vị đã tập trung triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để thay đổi nhận thức của người dân. Trong đó, tuyên truyền nội dung của Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Bảo vệ môi trường... đến các tầng lớp nhân dân địa phương bằng nhiều hình thức khác nhau. Cùng với biện pháp tuyên truyền chung, các đơn vị cử cán bộ, chiến sĩ, nhân viên thành lập các tổ công tác tiến hành tuyên truyền đặc biệt, hướng đến các đối tượng có dấu hiệu thường xuyên lén lút khai thác lâm sản, săn bắt thú rừng trái phép. Thông qua công tác tuyên truyền, chính quyền địa phương cũng vận động người dân ký cam kết không xâm hại tài nguyên rừng nguyên sinh, săn bắt động vật hoang dã.

Mặt khác, Đồn Biên phòng Châu Khê, Vườn quốc gia Pù Mát và chính quyền địa phương cũng tích cực hỗ trợ bà con xây dựng các mô hình tạo sinh kế bền vững, giảm lệ thuộc vào việc khai thác lâm sản phụ. Riêng Đồn Biên phòng Châu Khê đã thường xuyên triển khai cán bộ, chiến sĩ bám sát địa bàn nắm chắc tình hình, giúp dân xóa đói giảm nghèo bằng các cách làm cụ thể như trao tặng con, cây giống. Trong năm 2023, Đồn Biên phòng Châu Khê đã tặng lợn giống cho hàng chục hộ gia đình thuộc tộc người Đan Lai định cư ở bản Khe Bu, Khe Nà, đồng thời, cử cán bộ hướng dẫn bà con chăn nuôi, trồng trọt. Trong khi đó, Ban quản lý Vườn quốc gia Pù Mát cũng phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng thực hiện minh mạch, rõ ràng việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho nhân dân địa bàn. Chính quyền địa phương xã Châu Khê đề ra các chủ trương, tìm hướng giải quyết công ăn, việc làm ổn định cho nhân dân. Trong đó, chủ động liên hệ với các doanh nghiệp, nhà máy trên địa bàn trong và ngoài tỉnh Nghệ An có nhu cầu tuyển dụng lao động để thông tin, kết nối cho người dân vào làm công nhân...

Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ nhân dân xây dựng sinh kế bền vững, Đồn Biên phòng Châu Khê chủ trì cùng các đơn vị, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuần tra đường biên, mốc quốc giới kết hợp với bảo vệ rừng đầu nguồn. Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời triển khai các biện pháp ngăn chặn các vụ việc chặt phá rừng nghiêm trọng. Lực lượng các đơn vị cũng sẵn sàng bắt giữ các đối tượng khai thác lâm sản trái phép để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để răn đe chung.

Ông Lô Văn Minh, Bí thư chi bộ bản Khe Nà cho biết: “Trước đây, do cuộc sống khó khăn nên một số bộ phận người dân trên địa bàn thường lén lút vào rừng khai thác gỗ, săn bắt động vật hoang dã. Nhưng nhờ được cán bộ BĐBP, Kiểm lâm và chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền nên bà con đã hiểu rằng hành động trên là vi phạm pháp luật. Hiện nay, nhân dân trong bản không còn khai thác lâm sản trái phép nữa, mọi người chủ yếu tập trung phát triển chăn nuôi, số người trẻ tuổi thì về các thành phố làm công nhân cho thu nhập ổn định hơn”.

Cũng nhờ thay đổi nhận thức, nhân dân trên địa bàn xã Châu Khê đang chung sức cùng BĐBP, lực lượng chức năng bảo vệ biên giới, tài nguyên rừng đầu nguồn. Đến nay, các bản làng biên giới của xã đều duy trì các Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới, bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Theo đó, thành viên các Tổ tự quản sẽ chủ động, kịp thời thông tin với cơ quan chức năng khi phát hiện đối tượng có hành vi xâm phạm đường biên, mốc quốc giới, xâm hại rừng tự nhiên. Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát cho biết: “Đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ diện tích rừng tự nhiên rộng lớn, trong đó có nhiều cánh rừng nằm trải dài trên khu vực biên giới. Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với BĐBP, chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng triển khai các biện pháp bảo vệ rừng. Trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức, tạo sinh kế cho nhân dân, vận động đồng bào các dân tộc phát huy tinh thần trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên”.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/de-nguoi-dan-bien-gioi-khong-con-khai-thac-lam-san-trai-phep-post468924.html