Đề nghị Thanh tra Chính phủ xem xét lại bản quy hoạch 1/500 khu vực bán đảo Quảng An

Nhóm chuyên gia đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét lại đầy đủ và đúng luật các quy trình và thủ tục phê duyệt – cấp phép, cùng với đánh giá tác động một cách tổng thể và toàn diện trên các khía cạnh văn hóa, kinh tế, xã hội của đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực bán đảo Quảng An, dự án nhà hát trên Đầm Trị, công trình 58 Tây Hồ...

Nhóm Bảo vệ Di sản (Nhóm Save Heritage Vietnam - SHV) gồm các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, bảo tồn di sản vừa có đơn đề nghị xem xét lại bản Quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực bán đảo Quảng An (quận Hồ Tây, Hà Nội) gửi tới Ban Tiếp Công dân Trung ương – Thanh tra Chính phủ.

Kiến nghị trên đồng thời gửi tới các cơ quan, tổ chức gồm: Ủy ban Thường vụ Quốc Hội; Ban Dân nguyện của Quốc hội; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên Nhi đồng của Quốc Hội; Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội; Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội; Bộ Xây Dựng; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Bộ Tài Nguyên và Môi trường; Thành Ủy, UBND, HĐND Thành phố Hà Nội; Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam; Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Cảnh Hồ Tây, bán đảo Quảng An (Hà Nội). Ảnh: Võ Thanh Tùng

Theo đơn đề nghị, vừa qua, ngày 25.9.2022, Nhóm Save Heritage Vietnam gồm các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, bảo tồn di sản đã thực hiện tọa đàm chuyên môn chủ đề “Quy hoạch và bảo tồn cảnh quan bán đảo Quảng An trong vùng di sản Hồ Tây, Hà Nội” tại Hà Nội.

Qua cuộc tọa đàm này, sau khi các diễn giả và những người tham dự trao đổi một số vấn đề về pháp lý, về quy hoạch cảnh quan, các yếu tố di sản, văn hóa và sự phát triển chung của Hà Nội, các chuyên gia nhận thấy bản Quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực bán đảo Quảng An còn nhiều vấn đề bất cập có thể gây nhiều hệ lụy đến sự phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội nói chung và quận Tây Hồ nói riêng nếu không được các cơ quan có thẩm quyền kịp thời đánh giá, xem xét lại.

Trong đơn này, Nhóm Save Heritage Vietnam trình bày ba vấn đề và cũng là ba kiến nghị chính được tổng hợp từ ý kiến của các chuyên gia.

Thứ nhất, về cụm công trình cao tầng tại số 58 đường Tây Hồ, theo các chuyên gia, dự án xây dựng cụm công trình cao tầng tại số 58 đường Tây Hồ, một dự án khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ và văn phòng, căn hộ cho thuê (kiểu khách sạn) tại vị trí thuộc ô quy hoạch ký hiệu 019, "đã bộc lộ nhược điểm cơ bản là có khối tích thô bạo và chiều cao quá lớn, không dựa trên cơ sở xem xét về dân cư, xã hội học và cũng không dựa trên các quy định về giữ gìn giá trị văn hóa, lịch sử cho cảnh quan khu vực bán đảo Quảng An.

Cụm công trình cao tầng số 58 đường Tây Hồ có dấu hiệu điều chỉnh nhiều lần và làm sai lệch tiêu chí, mục tiêu ban đầu của quy hoạch chung, vi phạm về tầng cao, khoảng lùi, mật độ xây dựng", kiến nghị của Nhóm Bảo vệ Di sản nêu.

Một tác động thô bạo của Khu phức hợp khách sạn, căn hộ dịch vụ cao cấp, trung tâm thương mại Tây Hồ View đến tầm nhìn không gian cảnh quan ở bán đảo Quảng An. Ảnh: My Trà

Cụ thể, ngày 17.2.2017, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Thành phố Hà Nội có văn bản số 831/QHKT- TMB-PAKT chấp nhận bản vẽ tổng mặt bằng và phương án kiến trúc cho ô đất 58 đường Tây Hồ - tại vị trí thuộc ô quy hoạch ký hiệu 019- CCDT1.

Văn bản này có hai điểm không nhất quán với Quyết định số 4177/QĐ-UBND và nội dung quy hoạch phân khu. Đất có chức năng cộng đồng đô thị, nhưng lại được cấp phép là khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ và văn phòng, căn hộ cho thuê.

Ngày 5.9.2017, UBND Thành phố Hà Nội cấp giấy phép xây dựng cho công trình 58 Tây Hồ. Lúc này Quảng An chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng công trình này vẫn được cấp phép. Điều này mâu thuẫn với Luật quy hoạch đô thị.

Thứ hai, bản Quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực bán đảo Quảng An. Đồ án này cần được xem xét lại do còn bộc lộ rất nhiều vấn đề từ pháp lý, thủ tục, quy trình cho đến chất lượng đồ án.

Theo các chuyên gia Nhóm Bảo vệ Di sản, đồ án có biểu hiện vi phạm pháp luật cần làm rõ, như: Không phù hợp với Quy hoạch phân khu (đã được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 4177/QĐ-UBND): trong đó có dự án xây dựng nhà hát opera trên Đầm Trị. Bố trí các công trình cao tầng vi phạm quy hoạch phân khu, có chiều cao đột biến (trong khi quy hoạch phân khu không cho phép có chiều cao đột biến), quá gần mặt nước Hồ Tây, không tuân thủ quy chuẩn Việt Nam về khoảng cách tối thiểu giữa các khối công trình cao tầng.

Căn cứ Thông báo của Thành ủy Hà Nội số 2598–TB/TU ngày 17.5.2019 truyền đạt kết luận của Thường trực Thành ủy Hà Nội về chủ trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị Hồ Tây và vùng phụ cận (A6), trong đó lưu ý hạn chế tối đa việc lấy đất thổ cư (đất ở) của người dân tại các ô 16, 17, 19. Nhưng trong đồ án quy hoạch này, gần như toàn bộ đất thổ cư của hàng trăm hộ gia đình sẽ bị thu hồi để làm công viên cây xanh. "Vậy có hay không việc không tuân thủ chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội?", đơn đề nghị nêu.

Tại mục 3 Điều 1 Quyết định số 8665/QĐ-UBND ngày 15.12.2017 của UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500, quy định: “Khai thác quỹ đất trống dành xây dựng công viên, vườn hoa,…”. Thế nhưng thực tế khu vực ngõ 12, ngách 12/2 và hẻm 12/2/5 Đặng Thai Mai, Quảng An là khu vực đất thổ cư (không phải đất trống).

Việc biến khu vực đất thổ cư của các hộ dân thành công viên cây xanh đã vi phạm nội dung chỉ đạo số 8665/QĐ-UBND ngày 15.12.2017 của UBND Thành phố Hà Nội.

Đồ án Quy hoạch chi tiết trưng bày tại bán đảo Quảng An, phục vụ lấy ý kiến tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư. Ảnh: Phạm Tuấn Anh

Các chuyên gia cho rằng, đồ án bộc lộ những nhược điểm lớn. Trong đó, về tác động môi trường, nguy cơ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên, nguy cơ xả chất thải không qua xử lý hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn xuống hồ, gây ô nhiễm hồ. Không có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Nguy cơ phá vỡ giao thông và cảnh quan, gây sức ép lớn về giao thông cho một khu vực vốn đã có mật độ phương tiện lưu thông cao. Nhất là khu vực này có những làng cổ với nhiều công trình di tích lịch sử và bản thân bán đảo Quảng An là khu vực lịch sử Hà Nội xưa, rất cần được bảo vệ và tôn trọng.

Một nhược điểm lớn khác của đồ án được các chuyên gia cảnh báo đó là thiếu bền vững.

"Trong quy hoạch đô thị, quan trọng nhất là yếu tố bền vững. Quy hoạch chung Hà Nội qua các thời kỳ và Quy hoạch phân khu (A6) đều thể hiện rõ cần phải bảo tồn, chỉnh trang các khu dân cư (làng) mang bản sắc Hà Nội, trong đó có khu vực Hồ Tây. Đồ án này chưa thể hiện tính cải tạo, chỉnh trang đô thị.

Thay vào đó, đồ án đã tác động quá lớn đến cộng đồng dân cư trong khu vực, một số dãy nhà sẽ bị thu hồi toàn bộ mà không rõ phương án tái định cư như thế nào, có đảm bảo cuộc sống của các hộ gia đình thuộc diện bị giải tỏa hay không, các khu vực trống, cây xanh hiện hữu xây dựng các khu vực kinh doanh (shophouse), làm đảo lộn đời sống của phần lớn người dân trong khu vực…

Quy hoạch này có nguy cơ hủy hoại nhiều giá trị văn hóa lịch sử của Hồ Tây và Thủ đô Hà Nội.

Các công trình kiến trúc và công trình hạ tầng trong đồ án mang tính chắp vá, thiếu cân nhắc về thiết kế đô thị, thậm chí được đưa vào một cách khiên cưỡng, hoàn toàn không tính đến bối cảnh và những đặc trưng về hình thái kiến trúc - cảnh quan của khu vực. Chúng tôi cho rằng đây chưa phải một đồ án nghiên cứu nghiêm túc, thấu đáo cho khu vực này nói riêng và cho Hà Nội nói chung", kiến nghị của Nhóm Bảo vệ Di sản nêu.

Hình ảnh nhà hát và khối cao ốc xuất hiện trong phương án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực hồ Tây và phụ cận (A6) tỷ lệ 1/2.000. Vị trí khối cao ốc hiện là Khu phức hợp khách sạn, căn hộ dịch vụ và trung tâm thương mại Tây Hồ View. Ảnh: Đ.A

Thứ ba, Dự án nhà hát opera trên Đầm Trị. Theo Nhóm Bảo vệ Di sản, tác động quá lớn từ việc xây dựng nhà hát opera mà theo quy hoạch đề xuất, sẽ được xây dựng trên mặt hồ Đầm Trị và sát mép nước Hồ Tây.

Vì ý tưởng làm nhà hát, Quy hoạch phân khu tại các ô quy hoạch 16, 17, 19 đã được điều chỉnh cục bộ, mở rộng mặt cắt các đường giao thông phục vụ nhà hát, dẫn đến giảm 1,69 ha đất công viên - cây xanh đô thị, giảm khoảng 2 ha mặt nước, chiếm 1/3 diện tích Đầm Trị, giảm 4,1 ha đất ở.

Các chuyên gia cho rằng, dự án nhà hát này có biểu hiện vi phạm luật. Cụ thể, Luật Quy hoạch đô thị (khoản 3, Điều 68: Không được lấn chiếm hồ, mặt nước tự nhiên hoặc thay đổi các đặc điểm địa hình khác,...) và mâu thuẫn với Quyết định số 4177/QĐ-UBND, trong đó cũng khẳng định nguyên tắc này; Không theo văn bản số 190/KH-UBND của UBND Thành phố Hà Nội ban hành ngày 8.7.2022 về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó có nội dung: “Không xem xét đối với việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công viên cây xanh, ao, hồ, công trình phục vụ dân sinh”. Vi phạm khoản 2 điều 14 Luật Thủ Đô: Không lấn chiếm mặt nước hồ, sông suối.

"Chúng tôi cho rằng cần minh bạch một số vấn đề: Minh bạch về quy trình thực hiện lấy ý kiến người dân, minh bạch về việc có điều chỉnh cục bộ mở rộng giao thông tiếp cận nhà hát, minh bạch về hình thức đầu tư công trình nhà hát. Cho dù nhà hát cần xây dựng nhưng với quy mô và tính chất cũng như hình thức như đã được công bố, nhà hát nói trên hoàn toàn không phù hợp với vị trí đang đề xuất và cũng rất không phù hợp tại thời điểm này", kiến nghị của Nhóm Bảo vệ Di sản nêu.

Từ những phân tích và đánh giá khách quan các tác động của: Công trình 58 Tây Hồ, Đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được điều chỉnh và dự án nhà hát trên Đầm Trị, Nhóm Bảo vệ Di sản đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nêu trên tiến hành xem xét lại đầy đủ và đúng luật các quy trình và thủ tục phê duyệt – cấp phép, cùng với đánh giá tác động một cách tổng thể và toàn diện trên các khía cạnh văn hóa, kinh tế, xã hội của ba dự án này.

"Chúng tôi cũng kính đề nghị Quý cơ quan kiểm tra lại tính minh bạch trong quá trình xây dựng các dự án, bởi nếu bỏ qua việc này hay vội vàng thực hiện, những dự án trên có thể là những sai phạm rất khó có thể khắc phục trong tương lai. Việc khắc phục này sẽ mất rất nhiều thời gian và tiêu tốn một khoản kinh phí không hề nhỏ, giảm bớt khả năng đầu tư vào những công việc thiết thực khác cho quốc kế dân sinh.

Nếu để các dự án sai phạm hoặc có dấu hiệu sai phạm như trên tồn tại nó sẽ trở thành những tiền lệ xấu, Hà Nội sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức và những rào cản không đáng có phát sinh trong quá trình phát triển Thủ đô", Nhóm Bảo vệ Di sản kiến nghị.

Tọa đàm chuyên môn "Quy hoạch và bảo tồn cảnh quan bán đảo Quảng An trong vùng di sản Hồ Tây, Hà Nội" ngày 25.9.2022. Ảnh: CTV

Các chuyên gia tham dự tọa đàm ngày 25.9.2022 đã cùng kiến nghị xem xét lại bản Quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực bán đảo Quảng An (quận Hồ Tây, Hà Nội):

PGS-TS-Kiến trúc sư (KTS). Nguyễn Quang Minh; PGS-TS-KTS. Phạm Thúy Loan; KTS. Cao Thành Nghiệp (giải Vàng Quy hoạch quốc gia 2020); KTS. Dương Quốc Chính; TS-KTS. Lê Phước Anh; Nhà báo Nguyễn Thế Thanh (thành viên SHV); Tiến sỹ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu (thành viên SHV); PGS-TS-KTS. Nguyên Hạnh Nguyên (thành viên SHV); Thạc sỹ Phạm Thị Hương Giang (thành viên SHV, chuyên gia Tư vấn Thương hiệu); TS-KTS. Nguyễn Quốc Tuân; KTS. Nguyễn Hội; Kỹ sư Phan Trung Thực; Nghệ sỹ thị giác, giám tuyển Trần Lương...

Trọng Dân

_____________

* Nhằm góp ý cho Đồ án Quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An cũng như bảo tồn giá trị cảnh quan, văn hóa Hồ Tây (Hà Nội), Người Đô Thị cũng đã đăng tải nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia hữu quan về quy hoạch, bảo tồn, kiến trúc... Bạn đọc quan tâm có thể theo dõi các bài viết tại đây.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/de-nghi-thanh-tra-chinh-phu-xem-xet-lai-ban-quy-hoach-1-500-khu-vuc-ban-dao-quang-an-36831.html