Đề nghị Thái Bình làm rõ thông tin 'xóa sổ' Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải

Liên quan đến việc Thái Bình có quyết định thu hẹp gần 90% diện tích Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (gọi tắt Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải), ngày 22.8, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã ký ban hành văn bản số 6941/BTNMT-BTĐD, đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình làm rõ thông tin phản ánh của báo chí về vấn đề này.

Văn bản nêu rõ Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tiền Hải được xác lập theo Quyết định số 2159/QĐ-UBND ngày 26.9.2014 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình với diện tích 12.500ha và được chuyển tiếp thành khu dự trữ thiên nhiên theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học tại Quyết định số 1107/QĐ-BTNMT ngày 12.5.2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công bố Danh mục các khu bảo tồn.

Đồng thời, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tiền Hải là Di sản Thiên nhiên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ Môi trường và là vùng lõi của Khu Dự trữ Sinh quyển Châu thổ sông Hồng.

Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (huyện Tiền Hải, Thái Bình) là một trong hai vùng lõi của khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng đang. ẢNh: Báo Tiền Phong

Theo thông tin phản ánh báo chí, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tiền Hải bị cắt giảm diện tích từ 12.500ha xuống còn 1.320ha theo Quyết định số 731/QĐ-UBND ngày 17.4.2023 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình cung cấp thông tin, làm rõ phản ánh nêu trên và các cơ sở pháp lý, thực tiễn đối với điều chỉnh diện tích Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tiền Hải.

Thông tin gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường bằng văn bản trước ngày 25.8.2023.

Trước đó, như phát hiện của Người Đô Thị, theo Quyết định 731, rừng đặc dụng - Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải chỉ còn 1.320ha, gồm 632ha rừng ngập mặn và 688 hectares là đất chưa có rừng; nằm trên địa phận ba xã ven biển gồm xã Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh, huyện Tiền Hải.

Trong khi đó, Quyết định 2159/QĐ-UBND do UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt ngày 26.9.2014 cho thấy, rừng đặc dụng - Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có tổng diện tích là 12.500ha, bao gồm diện tích rừng ngập mặn, đất bãi bồi và đất ngập nước.

Do đặc thù của vùng cửa sông nên diện tích toàn bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là vùng lõi, thuộc diện tích bảo vệ, và không phân thành các phân khu chức năng như các khu bảo tồn thiên nhiên khác.

Việc giảm 90% tổng diện tích rừng đặc dụng ven biển nói trên là nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế tỉnh, bao gồm để xây dựng Khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ quy mô 3.348ha.

Khu đô thị này đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng 1/2.000 theo quyết định 2478/QĐ-UBND ngày 21.8.2020. Khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ dự kiến có quy mô dân số khoảng 34.600 người, với năm phân khu chức năng gồm: sân golf, casino và khách sạn nghỉ dưỡng 5 sao, khu du lịch sinh thái – tâm linh, công viên vui chơi giải trí cảm giác mạnh, khu đô thị du lịch sinh thái.

Được biết, Quy hoạch Khu đô thị dịch vụ nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ là cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình quy mô 30.583ha đến năm 2040 tầm nhìn 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 10.2019.

Các chuyên gia môi trường nhận định, quyết định gần như "xóa sổ" Khu Bảo tồn Thiên Tiền Hải này có thể kéo theo hệ lụy là "xóa sổ" cả một Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới.Quyết định này, theo nhiều chuyên gia hữu quan là đi ngược với các quy hoạch về rừng đặc dụng, về bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam, đi ngược các cam kết quốc tế Việt Nam đã tham gia như Công ước Ramsar, Công ước đa dạng sinh học, Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đặc biệt là cam kết NetZero vào năm 2050...

“Quyết định của UBND tỉnh Thái Bình không chỉ xóa sổ Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Tiền Hải mà còn nguy cơ có thể xóa sổ luôn cả một khu dự trữ sinh quyển thế giới!”, ông Trịnh Lê Nguyên, giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên - PanNature, bình luận.

Rừng đặc dụng - Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là một trong hai vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước liên tỉnh Châu thổ Sông Hồng (gọi tắt là Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng) được UNESCO công nhận năm 2004.

Theo Khung Pháp lý của Mạng lưới Toàn cầu các Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới, các khu dự trữ sinh quyển cần đáp ứng 7 tiêu chí, trong đó tiêu chí thứ 4 và thứ 5 là có diện tích đủ lớn để thực hiện ba chức năng của khu dự trữ sinh quyển (gồm chức năng bảo tồn, phát triển và hỗ trợ) và được phân vùng cụ thể nhằm thực hiện ba chức năng (gồm vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp).

Việc Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải bị giảm gần 90% tổng diện tích là ảnh hưởng tới việc đáp ứng các tiêu chí của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng đã được UNESCO công nhận.

Bộ NN&PTNT ngỡ ngàng khi tỉnh Thái Bình thay đổi quy hoạch biển Tiền Hải

Ngày 19.8, theo VOV, Liên quan đến việc UBND tỉnh Thái Bình quy hoạch khu kinh tế, thu hẹp khu vực Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Hoài Nam - Trưởng phòng Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, Cục Lâm nghiệp, cho biết khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là một trong hai vùng lõi của khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng và được UNESCO công nhận là một trong những vùng lõi quan trọng của khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Từ năm 2020, UBND tỉnh Thái Bình có gửi văn bản tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xin ý kiến về việc quy hoạch khu rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh, huyện Tiền Hải. Thời điểm đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời tỉnh Thái Bình, đây là khu bảo tồn thiên nhiên được UNESCO công nhận nên phải có ý kiến đồng thuận của các bộ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư.

“Từ đó đến nay, Bộ cũng chưa nhận được phản hồi của UBND tỉnh Thái Bình. Việc tỉnh tự ra quyết định mới và truyền thông phản ánh, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng. Quan điểm là chắc chắn không thể đánh đổi và thực hiện như tỉnh Thái Bình đang làm được. Bởi khu vực này nằm trong nhiều chương trình liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết 102 của Quốc hội, và được nhiều tổ chức quốc tế đầu tư vào đây”, ông Đoàn Hoài Nam cho hay.

Theo Trưởng phòng Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, Cục Lâm nghiệp, hiện Bộ NN&PTNT được Chính phủ giao đầu mối thực hiện quy hoạch lâm nghiệp quốc gia (trong đó có rừng đặc dụng và các khu bảo tồn). Khi thực hiện, bộ sẽ có ý kiến về quy hoạch mà UBND tỉnh Thái Bình vừa đưa ra.

Bản đồ khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải ban hành theo quyết định 731 chỉ còn 1.320ha. Ảnh: VOV. VN

* Trước đó 2 ngày, liên quan đến thông tin tỉnh Thái Bình biến khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải thành đô thị, sân golf, dịch vụ, nghỉ dưỡng... trao đổi với phóng viên VOV. VN sáng 17.8, ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, phần diện tích hiện nay ban hành theo quyết định 731/QĐ-UBND được UBND tỉnh Thái Bình xác định là khu rừng đặc dụng lấy tên là "Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải".

Với quyết định này thì việc quản lý sẽ dựa theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng, theo đó thẩm quyền điều xác lập quy hoạch rừng thuộc UBND tỉnh. Theo quy hoạch khu kinh tế đã được phê duyệt sẽ chồng lấn 300 ha diện tích rừng đặc dụng. Do đó đã được tỉnh điều chỉnh đưa ra khỏi Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2012-2020.

"Khi thành lập khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải với mục tiêu mong muốn là bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng Đồng bằng sông Hồng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ khu vực di trú của các loài chim nước, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những năm qua do nhiều nguyên nhân khách quan như biến đổi khí hậu, người dân làm ao, đầm nuôi trồng thủy sản... nên diện tích rừng ngập mặn ở đây không những không phát triển mà còn bị thu hẹp xuống còn hơn 980 ha cùng với đó là mức độ đa dạng sinh học không còn được như trước. Vì vậy nên tỉnh mong muốn thay đổi hướng phát triển để đem lại hiệu quả lớn hơn", ông Đinh Vĩnh Thụy chia sẻ...

* Trong khi đó, trao đổi với Tiền Phong, đại diện WWF Việt Nam cho biết, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải không chỉ là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng mà còn là 1 trong 63 là vùng chim quan trọng (IBA) có ý nghĩa toàn cầu, đã được quốc tế công nhận. IBA quan trọng không chỉ đối với các loài chim, mà còn quan trọng đối với nhiều nhóm động vật, với sức khỏe và kinh tế của con người thông qua việc bảo vệ các lưu vực, điều tiết lũ hoặc cung cấp tài nguyên thiên nhiên.

“Đặc biệt cần cân bằng giữa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường, không đánh đổi thiên nhiên lấy phát triển kinh tế. Do đó, việc điều chuyển quy hoạch các khu bảo tồn theo hướng thu hẹp, gây tác động tiêu cực đến bảo tồn cần hết sức cẩn trọng, phải dựa trên đánh giá tác động môi trường và tuân thủ chặt chẽ quy trình tham vấn tất cả các bên liên quan”, đại diện WWF lên tiếng.

Theo VOV. VN, Tiền Phong

BTV

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/de-nghi-thai-binh-lam-ro-thong-tin-xoa-so-khu-bao-ton-thien-nhien-dat-ngap-nuoc-tien-hai-40711.html