Đề nghị làm rõ việc mất 14 chỉ vàng

Ông Trần Văn Tầm (sinh năm 1965, tạm trú ấp Mỹ Khánh 2, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) và bà Lê Thị Màu (sinh năm 1972, ngụ khóm 1, thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn) cho rằng, tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ hành vi mất vàng nhưng buộc họ liên đới trả 14 chỉ vàng cho nguyên đơn.

Khiếu nại vụ việc đến Báo An Giang, ông Trần Văn Tầm cho biết, ông có nhiều nhà, cơ sở làm ăn và khoảng 700.000m2 đất sản xuất. Khi bà Lê Thị Kim Ân (sinh năm 1968, ngụ ấp kênh 4, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) khởi kiện đòi “Xin ly hôn và chia tài sản chung”, ông gặp nhiều khó khăn, lại vướng một bản án dân sự khác.

Cụ thể, sau phiên tòa hòa giải với bà Ân ngày 2-12-2019 tại Tòa án nhân dân (TAND) huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang), ông ghé nhà vợ chồng em vợ (bà Lê Thị Màu) tại khóm 1 (thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn) nghỉ ngơi trước khi về TP. Long Xuyên. Khi đang ngồi ở sau nhà xem hồ sơ vụ việc, ông nghe tiếng mẹ con bà Màu phản đối việc Lê Thị Như Huỳnh (cháu, đi cùng bà Ân) tự động xông vào nhà quay phim, chụp ảnh.

Nghe ồn ào, cự cãi nhau, ông bước ra, đề nghị Huỳnh không quay phim, chụp ảnh nhà của người khác. Ông nói nhiều lần nhưng Huỳnh không trả lời, lại lấy máy ghi hình ông. Quá tức giận, không kiềm chế được bản thân, ông đánh vào đầu Huỳnh. Thấy vậy, bà Ân nhào tới, bị ông Tầm hăm dọa đánh nên bỏ chạy, để lại xe. Ông Tầm dắt phương tiện vào trong kho chứa. Trên xe có 1 cái cặp màu đỏ, ông không biết có chứa gì.

Tuy nhiên, sau đó bà Ân nói bị mất 1 sợi dây chuyền, 3 chiếc nhẫn, tổng cộng 14 chỉ vàng, yêu cầu ông Tầm và bà Màu bồi thường. Khoảng 10 phút sau, Công an thị trấn Tri Tôn đến mời ông Tầm làm việc. Ít ngày sau, bà Ân khởi kiện vụ việc. Ngày 15-1-2021, TAND huyện Tri Tôn mở phiên tòa xét xử về “Tranh chấp đòi tài sản”. Kết quả, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị Kim Ân; buộc ông Trần Văn Tầm cùng bà Lê Thị Màu liên đới trả 14 chỉ vàng 24K (9999).

Ông Trần Văn Tầm trình bày sự việc với Báo An Giang

Bà Lê Thị Màu cho biết: “Phán quyết của tòa án có nhiều điều chưa hợp lý. Việc bà Ân, cháu Huỳnh đến nhà tôi có mục đích rõ ràng, sự việc được tính toán, sắp đặt trước, có 2 con trai bà Ân cùng người bạn chứng kiến. Về cái cặp màu đỏ trên xe do bà Ân cố tình để lại, dựa vào đó nói mất 14 chỉ vàng 24K là vu khống chúng tôi, không có cơ sở kiểm chứng. Nội dung này được vị đại điện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Tri Tôn bác bỏ, nhưng lại được cơ quan xét xử chấp nhận. Tôi sẽ tiếp tục kháng cáo vụ việc để cơ quan chức năng trả lại sự thật”.

Về phía mình, bà Lê Thị Kim Ân thông tin, khi mua 14 chỉ vàng cưới vợ cho con, ngày 2-12-2019, bà đến một tiệm vàng ở huyện Tri Tôn để đổi lại. Xong việc, bà để vàng vào cặp cùng với nhiều giấy tờ, sau đó cùng cháu Huỳnh đến nhà vợ chồng em ruột thăm viếng, cúng em trai Lê Quang Hiền (chồng bà Lê Thị Màu).

Trong lúc đang đốt nhang, bà nghe cháu Lập (con ông Hiền, bà Màu) lên tiếng “mẹ ơi, mẹ ơi”. Nghi có chuyện mờ ám, bà quan sát thấy xe của ông Tầm nên gọi cháu Huỳnh lấy máy quay phim, chụp hình để làm chứng cứ. Ông Tầm đánh Huỳnh nên bà và Huỳnh cùng bỏ chạy, báo công an. Sau đó, bà phát hiện 14 chỉ vàng bị mất, nên yêu cầu ông Tầm và bà Màu bồi thường.

Trước đó, bà Ân xin ly hôn, đòi chia tài sản chung hàng chục tỷ đồng, cùng với số nợ chung rất lớn. Bà Ân đưa ra 3 giấy nợ, gồm: 100 cây vàng 24K và 1,5 tỷ đồng, do bà và 2 con trai ký. Sự việc này được TAND huyện Hòn Đất thụ lý từ tháng 5-2018. Trong lúc chờ tòa án xét xử, ngày 2-12-2019 xảy ra vụ mất 14 chỉ vàng, được TAND huyện Tri Tôn xét xử ngày 15-1-2021. Đáng lưu ý, tại phiên xét xử, đại diện VKSND huyện Tri Tôn cho biết, việc bà Ân khai đem số vàng đi đổi, sau để vào cặp nhưng không ai thấy, không ai chứng kiến. Qua đó, việc cho rằng ông Tầm và bà Màu lấy tài sản là chưa đủ cơ sở, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của bà Ân.

Luật sư Phan Văn Được (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết, Luật Tố tụng Dân sự và pháp luật quy định, Viện trưởng VKSND cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ việc.

Đối với việc cho một người có lỗi, có tội, cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh đầy đủ, rõ ràng, không để cho nghi ngờ. Về việc chứng minh số vàng vẫn chưa được làm rõ. Theo nguyên tắc suy đoán vô tội, nếu không làm rõ được chứng minh thì phải tuyên bị đơn không có lấy tài sản. Việc ông Tầm không thừa nhận số nợ trong 3 giấy nợ do người vợ và 2 con ký là có cơ sở. Bởi đây là số tiền rất lớn, buộc phải có chữ ký của người chồng.

Bài, ảnh: N.R

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/de-nghi-lam-ro-viec-mat-14-chi-vang-a306296.html