Đề nghị hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn và xâm nhập mặn

* Các địa phương tích cực phòng, chống cháy rừngDo hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 đang và sẽ diễn ra gay gắt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và dân sinh cho nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét đưa nội dung phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vào Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2-2020 của Chính phủ.

Lực lượng kiểm lâm tỉnh Gia Lai phối hợp với người dân địa phương diễn tập phòng, chống cháy rừng trước mùa khô năm 2020. Ảnh: NGỌC SANG

Trong đó bao gồm việc hỗ trợ các địa phương chi phí phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt của người dân. Theo đó, hỗ trợ chi phí đối với những việc như: Bơm nước, nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn, trữ ngọt, lắp đặt trạm bơm dã chiến, đào ao, giếng trữ nước, khoan giếng, kéo dài đường ống cấp nước sạch, các thiết bị trữ nước, lọc nước, chở nước sinh hoạt... Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn xảy ra từ giữa tháng 12-2019 và sẽ tiếp tục xuất hiện ở mức sâu và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm; phạm vi xâm nhập mặn xuất hiện ở 10 tỉnh trong khu vực, nguy cơ gây thiệt hại cho khoảng 332.000 ha lúa; 136.000 ha cây ăn quả và gây thiếu nước sinh hoạt cho 158.900 hộ dân.

* Theo dự báo, tại tỉnh Quảng Trị, vụ đông xuân năm nay lượng mưa thấp, lượng nước dự trữ thiếu hụt dẫn đến khả năng hạn hán khiến 1.000 ha lúa thiếu nước, tập trung ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong. Bên cạnh đó, hạn hán, thiếu nước tạo điều kiện rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen gây hại cho lúa.

* Vụ đông xuân 2019-2020, các huyện Cần Ðước, Cần Giuộc, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Trụ, Châu Thành và thành phố Tân An (Long An) gieo sạ hơn 62.000 ha lúa. Dự báo, khả năng có khoảng hơn 15.000 ha lúa ở các địa phương nêu trên bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn.

* Tại tỉnh Tiền Giang, hiện nay nước mặn ba phần nghìn trên sông Tiền đã lấn sâu cách cửa sông hơn 70 km, đe dọa 79.000 ha cây ăn quả tại địa bàn. Ðáng chú ý, hơn 13.000 ha vườn cây sầu riêng ở các xã ven sông, vùng cù lao thuộc huyện Cai Lậy đang bị nước mặn bủa vây, có nguy cơ thiệt hại nặng.

* Hiện nay, tại tỉnh Kiên Giang hơn 12.150 hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng, không có hoặc thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô 2019-2020, tập trung ở các huyện An Biên, An Minh, Giang Thành, Phú Quốc, U Minh Thượng... Nhằm khắc phục tình trạng này, tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm đủ nước ngọt phục vụ đời sống nhân dân trong mùa khô.

* Tỉnh Bình Ðịnh có 165 hồ chứa thủy lợi, hiện tổng dung tích nước đang có khoảng hơn 418 triệu m3, bằng 70,9% tổng dung tích thiết kế. Do đó, UBND tỉnh dự báo việc thiếu hụt nguồn nước dẫn đến hạn hán vào mùa khô sắp tới sẽ nghiêm trọng. Hiện nay, hàng loạt hồ chứa có mực nước thấp xấp xỉ mực nước chết như Vĩnh Sơn A, Vĩnh Sơn B, Vĩnh Sơn C, hồ Ka Nak, Trà Xom...

* Tại tỉnh Gia Lai, hiện có nhiều diện tích rừng nguy cơ bị cháy, trong đó ở huyện Ðăk Ðoa có hơn 5.000 ha, huyện Ia Grai có gần 2.500 ha… Lực lượng kiểm lâm các địa phương đang triển khai nhiều phương án nhằm phòng cháy, chữa cháy rừng kịp thời nếu xảy ra cháy.

* Hiện nay, Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang) nước ở các kênh, rạch đang cạn dần. Dự báo nếu tiếp tục khô hạn trong 2 đến 3 tháng tới, lâm phần vườn quốc gia có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp 3 đến cấp 5. Vườn quốc gia thành lập năm đội ứng trực phòng cháy, chữa cháy rừng và tám trạm bảo vệ rừng quanh đê bao lâm phần của vườn.

* Tại Tây Ninh, do nắng nóng, khô hanh kéo dài cho nên có khoảng 72.000 ha rừng đang có nguy cơ cháy rất cao. Hiện nay, lực lượng chức năng đang tổ chức ứng trực 24/24 giờ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời nếu xảy ra cháy rừng; kiểm soát người, phương tiện ra vào rừng nhằm ngăn chặn nguồn gây cháy rừng.

* Ngày 16-2, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết, toàn lâm phần rừng tràm và rừng ở các cụm đảo trên địa bàn tỉnh với hơn 42.000 ha hiện đã bị khô hạn, nguy cơ cháy cao. Hiện nay, có khoảng hơn 12.000 ha đang cảnh báo cháy ở cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Lực lượng kiểm lâm đang thực hiện phương châm "bốn tại chỗ" nhằm kịp thời xử lý khi xảy ra cháy rừng.

* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hiện nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Nam Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa có mưa, mưa rào và có nơi có dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét, có nơi rét đậm, rét hại, vùng núi cao đề phòng có băng giá.

* Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia nhận định, nhiệt độ trung bình từ tháng 3 đến tháng 8 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn trung bình cùng thời kỳ khoảng 0,5oC đến 1oC. Riêng trong tháng 3 tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng cao hơn từ 1oC đến 2oC so với trung bình nhiều năm.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43287602-de-nghi-ho-tro-kinh-phi-phong-chong-han-va-xam-nhap-man.html