Để mùa Xuân mãi xanh

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: 'Mùa xuân là Tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân' mỗi khi mùa Xuân về, các địa phương, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh lại nô nức ra quân tổ chức 'Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ'. Đây cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng Chương trình trồng một tỉ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025 - Vì một Việt Nam xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động, góp phần xây dựng quê hương Đất Tổ mãi mãi xanh tươi, bền vững.

Lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn tỉnh tham gia “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2023.

Giữ gìn “lá phổi xanh”

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới việc gìn giữ, bảo vệ, xây dựng một môi trường sống trong lành cho nhân dân và Người đã chọn việc bảo vệ, trồng cây xanh làm điểm tựa, đòn bẩy cho hoạt động bảo vệ môi trường. Người luôn nhấn mạnh vai trò của trồng rừng và khuyến khích nhân dân trồng thật nhiều cây. Nhớ lời căn dặn của Người, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn quan tâm đến việc trồng cây, phát triển rừng.

Với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp tương đối lớn, những năm qua, phong trào trồng cây, gây rừng ở huyện Đoan Hùng được các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm, chú trọng, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến xã Vân Đồn, chúng tôi được biết, xã tích cực chuẩn bị thực địa để trồng mới 30ha rừng tập trung, 8.000 cây phân tán. Để đảm bảo tốt các điều kiện cho việc trồng rừng đạt kết quả cao nhất, ngay từ đầu năm, xã đã tập trung chỉ đạo bà con nhân dân phát dọn thực bì, cuốc hố để triển khai trồng rừng.

Đồng chí Nguyễn Tiến Thịnh- Chủ tịch UBND xã Vân Đồn cho biết: “Năm nay, sau khi được giao kế hoạch, xã đã có văn bản hướng dẫn các khu dân cư tổ chức cho các hộ dân đăng ký trồng rừng, trồng cây phân tán. Đồng thời, hướng dẫn các chủ hộ trồng rừng phát dọn thực bì, cuốc hố, chuẩn bị cây giống để triển khai trồng rừng năm 2024 và các hoạt động Tết trồng cây Xuân Giáp Thìn 2024”.

Đặc thù là huyện có nhiều diện tích rừng phòng hộ và đặc dụng, hàng năm, huyện Yên Lập đã có kế hoạch, chủ động trồng rừng thay thế bằng những giống cây bản địa nhằm góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Để đáp ứng đủ nhu cầu cây giống phục vụ công tác trồng rừng, ngay từ đầu năm, các cơ sở sản xuất cây giống trên địa bàn huyện đã chủ động gieo ươm, tiến hành chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo cho cây phát triển tốt, tỉ lệ cây sống cao.

Ông Đỗ Nguyên Thế - chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập cho biết: “Gia đình tôi bán giống cây trồng lâu năm trên địa bàn xã, trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng ba triệu cây giống các loại. Với số lượng lớn nên để đảm bảo chất lượng cây giống cung cấp cho bà con, tôi luôn lựa chọn các đơn vị cung cấp hạt giống uy tín, có thương hiệu, có nguồn gốc xuất xứ... đồng thời thường xuyên phối hợp với huyện lấy mẫu kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng giống, tích cực tham gia các lớp tập huấn để có thêm kiến thức phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến nay, cơ sở đã sẵn sàng cung cấp giống cho các hộ dân trồng rừng đầu năm”.

Hạt Kiểm lâm huyện Yên Lập hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Hưởng ứng lời dạy của Người

Là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển rừng, với diện tích đất lâm nghiệp lớn gần 188.000ha, trong đó diện tích đất rừng sản xuất hơn 120.000ha, rừng phòng hộ trên 32.000ha, rừng đặc dụng hơn 16.000ha, nhận thức được tầm quan trọng của thiên nhiên, của cây xanh đối với đời sống con người, nhớ lời Bác Hồ căn dặn, đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, ngay từ những ngày đầu Xuân năm mới, hàng trăm hecta rừng, hàng trăm nghìn cây phân tán được trồng ở khắp mọi nơi, phong trào trồng rừng lan tỏa rộng khắp, trở thành nét đẹp văn hóa ở tất cả các địa phương trong tỉnh.

Lời dạy của Người đã thấm sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Đất Tổ. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân luôn ý thức, tự giác bảo vệ cây xanh, gìn giữ cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rừng đối với đời sống xã hội; huy động mọi nguồn lực tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ chủ trương xã hội hóa nghề rừng, coi trọng mục tiêu phòng hộ môi trường sinh thái kết hợp với phát triển kinh tế, tỉnh đã tập trung xây dựng các chương trình, kế hoạch, quy hoạch về bảo vệ, phát triển rừng bền vững gắn với chế biến lâm sản... Cùng với các cơ chế, chính sách, tỉnh đã chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm đưa giống cây tốt vào ươm, trồng; áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào canh tác, hướng dẫn người trồng rừng kỹ thuật làm đất, cuốc hố, trồng cây, bón phân, mật độ trồng... đảm bảo cho diện tích rừng sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Công tác quản lý rừng ngày càng đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia hiệu quả vào sự nghiệp bảo vệ, phát triển rừng. Những năm gần đây, nghề rừng thực sự đã thu hút nhiều tập thể, hộ nông dân tham gia. Đặc biệt, thu nhập từ nghề rừng đã giúp cho nhiều hộ dân vùng sâu, vùng xa nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo, bước đầu làm giàu từ rừng, đóng góp quan trọng vào giảm tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh. Diện tích rừng trồng mới ngày càng tăng cao, năm 2023 diện tích trồng rừng tập trung gần 10.000ha, trồng trên 2.200ha cây gỗ lớn. Đến nay, tỉ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh là 39,6%.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ về tham gia phong trào trồng cây, trồng rừng mùa Xuân, hàng năm, các địa phương, đơn vị đã đồng loạt tổ chức ra quân “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Phong trào nhằm tuyên truyền, khuyến khích, động viên các cấp, các ngành và nhân dân tích cực đẩy mạnh phong trào trồng cây, trồng rừng, phát huy truyền thống, nét đẹp văn hóa của dân tộc về trồng, chăm sóc, bảo vệ tài nguyên rừng, góp phần thực hiện mục tiêu Đề án “Trồng một tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Theo kế hoạch, “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn tỉnh thực hiện trong một tháng, bắt đầu từ ngày 15/2/2024 đến ngày 15/3/2024. Đối với Lễ phát động trồng cây cấp tỉnh được thực hiện bắt đầu từ 8 giờ, ngày 15/2/2024, tức ngày 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Các huyện và thị xã Phú Thọ chủ động tổ chức Lễ hưởng ứng phát động Tết trồng cây, toàn tỉnh phấn đấu trồng 945.000 cây phân tán, 825ha rừng tập trung.

Đồng chí Trần Quang Đông- Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, Chi cục Kiểm lâm đã tập trung tuyên truyền đến công chức, viên chức, người lao động, người dân ở các huyện, thành, thị, cơ quan, đơn vị, trường học về vai trò, ý nghĩa của trồng cây; hướng dẫn nhân dân trồng, chăm sóc rừng. Vào đúng ngày làm việc đầu tiên của năm mới, từ công sở, trường học, doanh nghiệp đến các khu dân cư, cán bộ, nhân dân, học sinh đều ra quân trồng cây. Hoạt động được duy trì hàng năm đã góp phần đẩy mạnh phong trào trồng cây, trồng rừng, tạo không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp. Từ đó, nâng cao nhận thức của mọi người về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, trồng cây, trồng rừng gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai và chống biến đổi khí hậu.

Hoàng Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/de-mua-xuan-mai-xanh/206913.htm