Để kinh tế tư nhân phát triển đột phá: Dỡ bỏ mọi kỳ thị, rào cản, cạnh tranh sòng phẳng

LTS: Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 5 - khóa XII đã nhận định và đưa ra những giải pháp để phát triển kinh tế tư nhân: “Chăm lo phát triển kinh tế tư nhân nhanh, lành mạnh và đúng đắn hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng để giải phóng sức sản xuất, phát triển KT-XH; cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể làm nòng cốt để bảo đảm xây dựng thành công nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm”.

Công nhân trong dây chuyền sản xuất gạch của một Cty tư nhân. Ảnh: P.V

Để bạn đọc hiểu rõ hơn cũng như việc góp phần đưa Nghị quyết của Hội nghị T.Ư 5 vào cuộc sống, Báo Lao Động đã trao đổi và nhận được nhiều bài viết của các chuyên gia kinh tế, doanh nhân đang góp công sức vào sự phát triển của kinh tế nước nhà. Mở đầu, Lao Động xin giới thiệu bài viết của TS Vũ Thành Tự Anh (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright).

Đổi mới theo nguyên tắc và cơ chế thị trường

Kinh tế tư nhân nên được đặt vào vị trí trung tâm

Hội nghị lần thứ năm BCHTƯ Đảng khóa XII đã thông qua ba nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN); và phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ba nghị quyết này quan hệ với nhau hết sức mật thiết, trong đó phát triển KTTN nên được đặt vào vị trí trung tâm vì mấy lý do như sau. Thứ nhất, KTTN hiện là thành phần kinh tế quan trọng nhất, đóng góp xấp xỉ 40% trong GDP, đầu tư xã hội, và giá trị sản xuất công nghiệp, đồng thời tạo ra 60% việc làm cho nền kinh tế.

Thứ hai, sự vươn lên của KTTN càng đáng trân trọng hơn trong bối cảnh bị kỳ thị và chèn lấn bởi khu vực nhà nước. Điều này có nghĩa là tiềm năng lớn mạnh của KTTN còn rất dồi dào, chỉ cần dỡ bỏ được những kỳ thị và chèn lấn này thì KTTN chắc chắn sẽ tiếp tục bừng nở.

Thứ ba, trong ba vấn đề được thảo luận tại Hội nghị Trung ương lần này, nhận thức của Đảng và Nhà nước về KTTN đã có những bước tiến dài và quan trọng. Như diễn văn bế mạc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết, “từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ đã thừa nhận KTTN “là một trong những động lực” và đến nay “là một động lực quan trọng”… cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể làm nòng cốt để bảo đảm xây dựng thành công nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế”. Như vậy, về mặt nhận thức, KTTN đã được đứng ngang hàng với kinh tế nhà nước, cùng nhau là động lực quan trọng và nòng cốt cho nền kinh tế nước nhà.

Gỡ bỏ kỳ thị, rào cản

Trong khi KTTN là khu vực năng động, linh hoạt, và giàu tiềm năng phát triển nhất thì nó lại đang bị kìm hãm bởi những rào cản thể chế và bị chèn lấn bởi khu vực kinh tế nhà nước tuy có quy mô lớn nhưng lại kém hiệu quả. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và cải cách DNNN, vì vậy, là những tiền đề tối cần thiết để KTTN có thể phát triển.

Về cả hai lĩnh vực này, Hội nghị lần thứ năm BCHTƯ đã đưa ra những nhận định rõ ràng hơn. Theo đó, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầu tiên và trên hết là một nền kinh tế thị trường, vì vậy phải được vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật khách quan của kinh tế thị trường.

Nghị quyết lần này cũng nhấn mạnh sự phân định vai trò của thị trường và nhà nước, trong đó nhà nước chỉ đóng vai trò xây dựng thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và minh bạch, định hướng và điều tiết nền kinh tế một cách gián tiếp thông qua các công cụ, chính sách và nguồn lực của nhà nước, tất cả vì mục tiêu phát triển kinh tế, công bằng xã hội, và bền vững môi trường. Đồng thời, thị trường đóng vai trò quan trọng nhất trong huy động và phân bổ nguồn lực, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất, và do vậy ngay cả khi các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thì cũng phải phù hợp với cơ chế thị trường.

Về cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN, Nghị quyết yêu cầu chỉ giữ lại một số DNNN thực sự cần thiết, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường giao dịch chứng khoán, lấy đó làm tiền đề để xây dựng mô hình quản lý các DNNN còn lại, đồng thời thực hiện cơ chế quản trị hiện đại, công khai, minh bạch, tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo cơ chế thị trường. Nghị quyết cũng nhấn mạnh ngay cả khi các DNNN được giao thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội thì cũng phải theo nguyên tắc thị trường, cụ thể là nhà nước đặt hàng, giá cả được hình thành trên cơ sở cạnh tranh và công khai.

Đây không phải là lần đầu BCHTƯ ra nghị quyết về thể chế kinh tế, đổi mới DNNN, và phát triển KTTN, thế nhưng khoảng cách từ nghị quyết đến thực hiện vẫn còn rất xa. Nền kinh tế không chỉ cần những chủ trương và định hướng ngày một rõ ràng hơn, mà quan trọng không kém là hiệu quả và hiệu lực của việc đưa những nghị quyết này vào cuộc sống.

TS Vũ Thành Tự Anh, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/de-kinh-te-tu-nhan-phat-trien-dot-pha-do-bo-moi-ky-thi-rao-can-canh-tranh-song-phang-664609.bld