Để không “lạc lối” trước dòng chảy thông tin

VOV.VN -Sự chủ động sẽ phải là dòng thông tin chủ lưu sớm nhất, chuẩn xác nhất đến với công chúng.

Tiếng rao: Báo mới đây, tin tức nóng hổi đây, hôm nay có sự kiện đặc biệt đây! tiếng dặn dò cô văn thư: Chủ nhật hàng tuần cứ chuyển báo đến thẳng nhà tôi nhé, đã đi vào lịch sử của một thời báo in đang thịnh hành và ở đỉnh cao của thông tin báo giấy. Ngày nay, các loại hình báo chí phát triển nhanh, mạnh tới mức chóng mặt. Nó choán đi những thói quen vừa mới ngày hôm qua của người đọc.

Sự ra đời của báo hình vào những năm 70 đã là một bước ngoặt lớn trong lịch sử truyền thông của nước ta. Rồi khoảng 15 năm trở lại đây Internet ra đời, báo điện tử xuất hiện và bùng nổ đã tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới các độc giả, khán thính giả.

Các chương trình phát thanh của VOV không ngừng đổi mới, tạo sự tương tác, hấp dẫn đối với thính giả (Trong ảnh, các BTV VOV1 đang thực hiện một chương trình trực tiếp)

Hàng ngày, ở nhóm tuổi trung trung và đặc biệt là tuổi trẻ khi ở cơ quan, đi công tác, hay bất kỳ ngồi ở đâu đó đều có trên tay một thiết bị nghe, nhìn, đọc. Đó có thể là chiếc Ipad hay một chiếc Smartphone tích hợp rất tiện ích, vừa gọi, nhắn tin, truy cập, nghe, đọc, nhìn. Các thiết bị này xuất hiện đã làm thay đổi cách tiếp cận thông tin, tác động trực tiếp tới tư duy điều hành của các nhà lãnh đạo, quản lý. Họ có thể điều hành công việc một cách nhanh nhạy, kịp thời khi đi bất kỳ đâu trên trái đất này.

Có thể nói, đây là sự thay đổi mang tính cách mạng của thiết bị và công nghệ thông tin hiện nay. Nó vừa đem đến cho con người những tiện ích, sự nhanh nhạy và những trải nghiệm thú vị, đồng thời cũng là thách thức cho con người ở cách xử lý và quản trị thông tin sao cho khoa học, đồng bộ.

Một khi trang bị cơ sở vật chất không đồng bộ, thói quen của con người chưa thay đổi kịp; và một khi thiếu năng lực tài chính thì đều dễ dẫn đến sự cố đáng tiếc, làm cho hệ thống quản trị bị ngừng trệ, ách tắc, thậm trí tổn thất, nguy hại khôn lường. Đấy là chưa kể đến không ít những mặt trái của việc sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin có thể làm phương hại những phẩm chất, thuần phong mỹ tục, đạo đức lối sống của con người; thậm chí nguy hiểm đến lợi ích và an ninh quốc gia.

Những mạng cá nhân, những thông tin tự do, những nội dung chưa được kiểm chứng, thiếu chính xác, không trung thực, những phần mềm nghe lén, cài mãi độc ăn cắp dữ liệu, rồi cả những thông tin trái chiều, phản bác có dụng ý xấu, độc hại, thiếu văn hóa... đã được tung lên mạng một cách tự do, bừa bãi làm cho xã hội bất an, nhốn nháo.

Làm gì đây trước những diễn biến mang tính xu hướng khó cưỡng đó? Chỉ có thể là thông tin, là phân tích, định hướng và những khuyến cáo, lời khuyên cho người sử dụng. Đặc biệt cần tăng cường giáo dục trong nhà trường, trong giới trẻ, cùng với những biện pháp quản lý theo luật pháp. Nhưng quan trọng hơn phải là sự chủ động thông tin, chủ động từ cơ quan quản lý thông tin, từ cơ quan đưa ra các chính sách có sự ảnh hưởng đến những vấn đề nhạy cảm, lan rộng đến đời sống xã hội.

Sự chủ động sẽ phải là dòng thông tin chủ lưu sớm nhất, chuẩn xác nhất đến với công chúng. Nếu không, trong cơn lốc thông tin, con người dễ là “nạn nhân” của những dòng chảy thông tin đó. Một thiết bị thông minh và nhiều tiện ích đến mấy cũng sẽ chỉ là công cụ sắc bén nếu người sử dụng có cách tiếp cận và làm chủ nó để không bị choán ngợp, lạc lối giữa dòng chảy cuồn cuộn của thông tin đa chiều.

Một đất nước đang có tới 37% người dân đang sử dụng Internet, lượng thuê bao điện thoại gấp rưỡi dân số và có tới trên 20% sử dụng điện thoại thông minh; một xã hội năng động, linh hoạt luôn hướng tới những phương tiện nghe, nhìn, đọc bằng thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại đang rất cần một sự quản trị thông tin và một không gian thông tin lành mạnh, bổ ích, hiện đại có tính định hướng cao./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/binh-luan/de-khong-lac-loi-truoc-dong-chay-thong-tin-336775.vov