Để huyện Cai Lậy trở thành điểm đến lý tưởng trong hành trình khám phá miền Tây

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và xu hướng phát triển của du lịch thông minh, các điểm đến du lịch của huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã năng động thích ứng, phát triển một hệ sinh thái với cơ sở hạ tầng, quản trị, con người theo hướng thông minh, hiện đại nhằm mang đến những trải nghiệm chất lượng cho khách du lịch, tiến đến sự phát triển bền vững trong thời gian tới.

NHIỀU TIỀM NĂNG HẤP DẪN KHÁCH DU LỊCH

Huyện Cai Lậy có khoảng 15.000 ha vườn cây ăn trái với các loại trái cây đặc sản, hệ thống sông ngòi, kinh rạch chằng chịt, nguồn thủy sản nước ngọt khá dồi dào, phong phú… Trong đó, cù lao Tân Phong được phù sa bồi đắp nên từ lâu nổi tiếng là vùng đất cây lành, trái ngọt. Những năm gần đây, Tân Phong trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, tạo ấn tượng với du khách trong nước và quốc tế.

Một điểm nghỉ dưỡng sinh thái cạnh bờ sông trên địa bàn xã Tân Phong.

TS. Nguyễn Đức Trí, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh phân tích: “Cai Lậy như một điểm đến du lịch, cho thấy nhiều khả năng và cơ hội cho cả du khách và cộng đồng địa phương. Sự khác biệt của địa phương là do nằm dọc sông Tiền, nên các điểm du lịch đều có sự pha trộn độc đáo giữa thắng cảnh thiên nhiên và sự phong phú về văn hóa, con người. Ngoài ra, với khu chợ sôi động, làng nghề thủ công truyền thống khiến địa phương đã và đang sở hữu nhiều tài nguyên du lịch phong phú rất có giá trị”.

Không chỉ vậy, từ Bến tàu Du lịch Cái Bè (huyện Cái Bè), du khách có thể đi thuyền tham quan chợ nổi Cái Bè, đạp xe dạo quanh cù lao tìm hiểu hoạt động sản xuất, các nghề truyền thống của người dân địa phương, hòa mình vào thiên nhiên giữa những khu nhà nghỉ yên tĩnh, vườn cây ăn trái trĩu quả là điểm đến hấp dẫn cho du khách trên hành trình khám phá miền Tây. Đồng thời, địa phương cũng tập trung khuyến khích người dân phát triển vườn cây ăn trái theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP với các loại cây trồng chủ lực: Chôm chôm, nhãn, sầu riêng, các loại cây có múi, tái tạo khu vực nuôi ốc gạo ở khu vực Cồn Tre, tạo điểm nhấn đặc trưng vùng sông nước...

Bà Nguyễn Thị Quế Hân, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch Mê Kông Xanh cho biết: Ngoài du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn cũng phát triển mạnh mẽ những năm gần đây, địa phương cũng đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Đến đây, du khách như lạc vào một “vương quốc trái cây” không chỉ bởi sự trù phú, sum sê của những vườn cây ăn trái bạt ngàn..., mà còn là sự phong phú, đa dạng về chủng loại trái cây tại cù lao này. Đặc biệt là vào mùa chôm chôm chín, khắp cù lao “nhuộm” màu đỏ rực, du khách thỏa thích vào vườn, tự tay hái trái và thưởng thức ngay tại chỗ...

Với 14 điểm kinh doanh du lịch ở các xã: Tân Phong, Phú An, Cẩm Sơn, Tam Bình với hình thức lưu trú homestay, tham quan vườn cây ăn trái, du thuyền trên sông... đã tạo sự phong phú, đa dạng cho sản phẩm du lịch. Đặc biệt, địa phương còn có 9 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia...

Với lợi thế thiên nhiên ban tặng và truyền thống văn hóa lịch sử, huyện Cai Lậy đã và đang có điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển các loại hình du lịch. Thời gian qua, nhiều dự án được ngân sách tỉnh, huyện tập trung đầu tư nhiều hạ tầng gắn liền với du lịch như: Đường trung tâm xã Tân Phong, bến phà Tân Phong - Ngũ Hiệp, Dự án Phòng chống sạt lở cù lao Tân Phong với hệ thống bờ kè sẽ phát triển thành khu công viên, ẩm thực, bến tàu du lịch, bãi đậu xe trung chuyển khách tại xã Hiệp Đức, xây dựng các ụ nổi và cầu tàu du lịch tại ấp Tân Thiện (xã Tân Phong)… nhằm định hướng tạo đột phá cho du lịch của địa phương.

PHÁT TRIỂN DU LỊCH THEO HƯỚNG BỀN VỮNG

Theo TS. Nguyễn Đức Trí, địa phương cần khám phá quan hệ đối tác với các nhà điều hành thuyền địa phương để cung cấp các chuyến tham quan ngắm cảnh trên sông, nhấn mạnh sự yên tĩnh và vẻ đẹp tự nhiên của cảnh quan sông nước. Ngoài ra, tận dụng cảnh quan đa dạng của địa phương, bao gồm vườn cây xanh tươi tốt để thu hút những người đam mê thiên nhiên, khách du lịch sinh thái, cũng như phát triển các chuyến đi bộ trong thiên nhiên.

“Song song đó, địa phương cần làm nổi bật các khu chợ truyền thống của huyện, trưng bày nghề thủ công địa phương, các sản phẩm truyền thống và bầu không khí sôi động của các khu chợ này. Phát triển các chuyến tham quan có hướng dẫn viên, giúp du khách hòa mình vào văn hóa địa phương, cho phép họ tương tác với các nghệ nhân và trải nghiệm các hoạt động truyền thống.

Ngoài ra, trong ẩm thực thì cần giới thiệu ẩm thực địa phương độc đáo. Tổ chức các chuyến tham quan ẩm thực, lớp học nấu ăn hoặc sự kiện ẩm thực để du khách có thể thưởng thức hương vị của địa phương”- TS. Nguyễn Đức Trí đánh giá thêm.

Du khách nước ngoài tham quan một điểm du lịch tại xã Phú An. Ảnh: QUẾ NGÂN

Theo Trung tâm Phát triển du lịch (Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh), đơn vị đã và đang tăng cường liên kết, hợp tác với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh, thành và các đơn vị kinh doanh lữ hành lớn nhằm xúc tiến quảng bá, giới thiệu tiềm năng và lợi thế du lịch tại huyện Cai Lậy nói riêng và Tiền Giang nói chung.

Do đó, trong thời gian tới, địa phương cần xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù và hấp dẫn, mang thương hiệu đặc trưng của du lịch qua các thiết kế đẹp mắt về các điểm du lịch thông qua những hình ảnh, những câu chuyện, góp phần quảng bá, giới thiệu, nâng cao hình ảnh du lịch của huyện đến với khách du lịch trong nước và quốc tế.

Nghiên cứu tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch thường niên nhằm làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch. Kết hợp với các doanh nghiệp du lịch, cơ sở đào tạo... cùng phối hợp tuyên truyền, mở lớp đào tạo ngắn hạn... để người dân địa phương, đặc biệt là thanh niên hiểu thêm một ngành nghề mới, khởi nghiệp kinh tế gia đình.

Bên cạnh đó, địa phương cũng cần phải đề ra chương trình quảng bá đồng bộ về sản phẩm du lịch thông minh đến khách du lịch; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ, cung cấp các công cụ phục vụ, hỗ trợ các doanh nghiệp, khách du lịch và người dân; xây dựng ứng dụng cung cấp cho du khách những thông tin cơ bản như: Ăn gì, ở đâu, mua sắm, thư giãn, các điểm tham quan, hướng dẫn đường đi, gợi ý phương tiện, giá cả lịch trình tour.

Đặc biệt, địa phương cần đẩy mạnh quảng bá thông tin trên các trang mạng xã hội như: Tiktok, Youtube, Facebook, Twitter, Instagram, Google map… Việc tích hợp các mã QR vào các điểm du lịch sẽ giúp du khách tìm hiểu và kham khảo nhiều thông tin hơn so với phương thức truyền tải truyền thống, đặc biệt là đối với khách du lịch tự do, không có hướng dẫn viên đi cùng.

TUẤN LÂM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202403/de-huyen-cai-lay-tro-thanh-diem-den-ly-tuong-trong-hanh-trinh-kham-pha-mien-tay-1004556/