Để hoạt động công chứng phát triển

Luật Công chứng hiện hành đã có hiệu lực pháp luật 10 năm nay, từng bước vào cuộc sống, góp phần giúp hoạt động công chứng tiếp tục phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống kinh tế - xã hội. Thông qua việc đảm bảo tính an toàn pháp lý cho hợp đồng, giao dịch dân sự, thương mại và kinh tế, hoạt động công chứng tạo lập môi trường pháp lý tin cậy cho các hoạt động đầu tư kinh doanh, đóng góp vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khảo sát tại An Giang

Những “thẩm phán phòng ngừa”

Công chứng là ngành đặc thù, bao gồm: Công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch, nhận lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng; chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao từ bản chính. Công chứng viên được mệnh danh “thẩm phán phòng ngừa”, có nghĩa là phòng ngừa tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai, đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên trong giao dịch.

Theo Sở Tư pháp, toàn tỉnh có 45 công chứng viên đang hành nghề (3 người trên 70 tuổi). Số lượng này khá ít, nhưng đảm bảo chất lượng, luôn được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng theo quy định. An Giang vẫn duy trì 2 phòng công chứng nhà nước (Phòng Công chứng số 1 và Phòng Công chứng số 2). Các đơn vị thực hiện tốt cơ chế tự chủ, hàng năm đóng góp trên 2 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh.

“Xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn, văn phòng công chứng ở một số tỉnh (đã xã hội hóa toàn bộ) bị giải thể, hồ sơ chứng nhận các hợp đồng giao dịch khó có tổ chức nào chịu nhận lưu giữ. Do đó, tỉnh duy trì phòng công chứng là để Sở Tư pháp chỉ định lưu trữ hồ sơ công chứng. Việc duy trì phòng công chứng nhà nước với các công chứng viên giàu kinh nghiệm cũng giúp hướng dẫn, giải đáp nghiệp vụ chuyên môn liên quan đến hợp đồng, giao dịch. Nhiều cá nhân, tổ chức trong tỉnh vẫn tín nhiệm cao khi thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch tại các phòng công chứng này” - Giám đốc Sở Tư pháp Cao Thanh Sơn lý giải.

Bên cạnh đó, 23 tổ chức hành nghề công chứng bảo đảm duy trì điều kiện hoạt động theo Luật Công chứng năm 2014. Từ năm 2015 - 2023, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh công chứng 990.505 hồ sơ, chứng thực 937.860 hồ sơ; thu trên 280 tỷ đồng; nộp vào ngân sách nhà nước gần 30 tỷ đồng.

Hội Công chứng viên tỉnh là tổ chức xã hội - nghề nghiệp được thành lập năm 2016. Sau gần 8 năm hoạt động, hội bước đầu đạt được hiệu quả tích cực trong việc hướng dẫn nghiệp vụ, phối hợp thanh, kiểm tra tổ chức hành nghề công chứng; giúp phát triển, nâng cao hoạt động công chứng tại tỉnh, đóng góp một phần vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam.

Cần sửa đổi luật mới

An Giang đã xây dựng phần mềm Cơ sở dữ liệu công chứng, vận hành năm 2019. UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn tỉnh. Hệ thống phần mềm hỗ trợ việc tra cứu tài sản đã có phát sinh giao dịch, tài sản và cá nhân, tổ chức đang bị ngăn chặn tham gia giao dịch của người yêu cầu công chứng. Từ đó, giúp tổ chức hành nghề công chứng tránh được rủi ro trong công chứng hồ sơ giao dịch.

Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu công chứng được khai thác trong nội bộ tổ chức hành nghề công chứng và Sở Tư pháp; chưa được kết nối, cập nhật thông tin đến cấp xã; không liên thông, kết nối với cơ sở dữ liệu công chứng của địa phương khác và cơ sở dữ liệu của các lĩnh vực khác. Trong khi đó, pháp luật quy định đối với giao dịch liên quan đến bất động sản, động sản, người dân có thể lựa chọn công chứng ở tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại cấp xã. Công chứng viên không thể kiểm soát được giao dịch này. Việc cập nhật thông tin ngăn chặn đối với tài sản tranh chấp, kê biên thi hành án phụ thuộc vào tòa án, cơ quan thi hành án, văn phòng đăng ký đất đai, UBND các cấp. Trường hợp các cơ quan này không cung cấp, cung cấp chậm hoặc cung cấp không đầy đủ cho tổ chức hành nghề công chứng, thì tài sản vẫn có thể giao dịch được. Ngoài ra, lỗi kỹ thuật, phần mềm bị treo… thường xuyên xuất hiện, cần phải nâng cấp kịp thời.

Ông Huỳnh Vĩnh Khang (Trưởng Văn phòng công chứng Huỳnh Vĩnh Khang) chia sẻ: “Khoản 3, Điều 64 Luật Công chứng năm 2014 quy định: “… chứng nhận nội dung bản dịch là chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội; có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng”. Công chứng viên không thể chịu trách nhiệm về bản dịch, mà trách nhiệm thuộc về phiên dịch viên. Quy định này gây khó khăn cho công chứng viên suốt thời gian qua. Rất mừng là dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã giao cho công chứng viên thực hiện chứng thực chữ ký người dịch”.

Một vấn đề đáng quan tâm khác cần xem xét trong dự thảo luật là độ tuổi của công chứng viên. Dự thảo luật bổ sung quy định về độ tuổi hành nghề đến 70 tuổi; quy định chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm luật có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 2 năm. Quy định này được nhiều ý kiến đồng thuận, nhưng cần phải có căn cứ khoa học, pháp lý vững chắc để thuyết phục hơn.

Khảo sát thực tiễn thi hành pháp luật về công chứng tại UBND tỉnh An Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương ghi nhận những kết quả nổi bật tỉnh An Giang đạt được về lĩnh vực công chứng, các đề xuất, kiến nghị, vướng mắc của tỉnh. Đoàn công tác sẽ báo cáo cấp thẩm quyền tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), để luật ngày càng sát thực tiễn, áp dụng khả thi tại từng địa phương.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/de-hoat-dong-cong-chung-phat-trien-a393342.html