Để hàng cứu trợ đến tay người cần cứu trợ

Người dân huyện Tây Hòa gói bánh chưng để hỗ trợ người dân vùng lũ Bắc Trung Bộ. Ảnh: TUYẾT SƯƠNG

Hơn 2 tuần qua, bà con các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế... đêm ngày vật lộn với mưa lũ. Cùng với những hình ảnh thiên tai bủa vây cuộc sống người dân, những lời kêu gọi quyên góp hỗ trợ đồng bào lũ lụt cũng được chia sẻ rất nhanh.

Người người, nhà nhà gom quần áo, vật dụng, nhu yếu phẩm gửi đến vùng lũ. Chị Nguyên Hương ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa cùng các con soạn vội quần áo xếp vào thùng để kịp gửi theo chuyến xe chở hàng cứu trợ ra vùng lũ.

Nhiều nơi tổ chức gói bánh chưng, bánh tét để người dân lót dạ qua cơn hoạn nạn. Ở TP Tuy Hòa, TX Đông Hòa, huyện Sông Hinh người góp thịt, người góp nếp, góp đậu, góp lá... nấu bánh chưng, bánh tét gửi cho đồng bào. Những đoàn xe chở hàng cứu trợ lên đường mang theo biết bao tình cảm. Một lần nữa cả nước lại hướng về miền Trung ruột thịt. Sự hỗ trợ kịp thời này là vô cùng quý giá. Việc xã hội hóa công tác từ thiện đã tạo ra nhiều điểm sáng trong đời sống cộng đồng. Tuy nhiên từ thiện tự phát cũng phát sinh vô số những bất cập, nhất là trong thời điểm thiên tai.

Ngoài việc có một vài kẻ ăn chặn của đồng bào trong cơn khốn khó thì việc trao quà không đúng đối tượng, không đúng nhu cầu vẫn đang diễn ra. Tôi vẫn áy náy mãi chuyện một cụ già ở huyện Sông Hinh, mang chiếc áo ấm mà cụ được nhận để đổi lấy chiếc áo khác phù hợp hơn nhưng tôi đã không giúp được vì hàng đã trao hết.

Một người bạn đang sống và làm báo ở Quảng Bình đăng status: “Của cho không bằng cách cho. Nhiều nơi nước rút thì chứng kiến 5-7 đoàn trao. Còn nơi ngập sâu thì chưa ai hỏi tới, dù trong cùng một xã”. Anh khuyên các đoàn từ thiện hãy tìm hiểu trước khi trao tặng tiền, hàng cho dân hoặc liên hệ với chính quyền để họ điều tiết nguồn cứu trợ, để người dân nhiều làng, xã bị lũ lụt khỏi tủi thân.

Mặt khác, trong cảnh nước ngập tứ bề, sụp lún, sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào thì việc đi từ thiện tự phát cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Anh Dương Sông Lam, một người có hơn 30 năm sống ở vùng lũ miền Trung, từng làm cầu nối cứu trợ vùng lũ lụt, cảnh báo: “Đừng để người dân phải đi cứu hộ ngược lại các bạn hoặc thêm việc cho lực lượng tìm kiếm cứu hộ vì không thông thạo địa hình, không có kiến thức về đảm bảo an toàn trong thiên tai”.

Hiện nhiều cơ quan, đơn vị đã kêu gọi đóng góp của người lao động để ủng hộ đồng bào bị lũ lụt. Toàn bộ số tiền quyên góp được sẽ thông qua kênh của Ủy ban MTTQ, Hội Chữ thập đỏ để giúp vì họ có thông tin tổng thể sẽ trao cho các gia đình cần thiết hỗ trợ. Ngoài ra, những đoàn cứu trợ cũng có thể liên hệ với kênh của lực lượng công an, quân đội để nhận được sự điều phối thích hợp, đi đến nơi về đến chốn.

Để công tác vận động quyên góp và hỗ trợ đúng quy định và thiết thực, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tổ chức, giám sát việc vận động quyên góp hỗ trợ, bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ. Hy vọng, các tổ chức và cá nhân thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để việc cứu trợ đến tay người cần cứu trợ.

KIM ÁI (TP Tuy Hòa)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/148/248092/de-hang-cuu-tro-den-tay-nguoi-can-cuu-tro.html