Để gọi tên một nửa thế giới

Một trong những sự thú vị của mỗi hệ thống ngôn ngữ là có vô vàn các từ đồng nghĩa hoặc các cách diễn đạt đồng nghĩa.

(Ảnh minh họa)

Dĩ nhiên, bên cạnh sự tương đồng ngữ nghĩa giữa hai đơn vị thì bao giờ cũng có những khác biệt, từ khác biệt về sắc thái đến khác biệt về một vài nét nghĩa nào đó. Bởi xét cho cùng, sẽ thật hiếm có hai đơn vị đồng nghĩa nào trùng khớp lên nhau về tất cả các đặc điểm.

Để diễn đạt, gọi tên về những người phụ nữ, từ khi họ bắt đầu sinh ra lớn lên tới lúc trưởng thành rồi già đi, có vô vàn những cách nói khác nhau mà không phải bất cứ ai cũng phân biệt và sử dụng được chính xác.

Đầu tiên, khái niệm chung nhất để chỉ một nửa thế giới chính là PHỤ NỮ, một từ gốc Hán Việt, được đặt bên cạnh khái niệm NAM GIỚI. Từ Hán Việt thường gợi sắc thái trang trọng, lịch sự, nên cách dùng PHỤ NỮ mang tính chính thống và ưa thích hơn cách gọi ĐÀN BÀ - một từ thuần Việt. Thế nên tất cả mọi cơ quan, đoàn thể trong tên gọi của mình sẽ dùng chữ PHỤ NỮ chứ không dùng chữ ĐÀN BÀ: Báo Phụ nữ Việt Nam, báo Phụ nữ Thủ đô, Hội Liên hiệp Phụ nữ…

Một đứa trẻ khi sinh ra, nếu mang giới tính nữ sẽ được gọi là BÉ GÁI. Cách gọi này thông thường sẽ theo đứa trẻ đến hết thời kỳ mẫu giáo. Khi bước vào lớp 1, bắt đầu của thời Tiểu học cho đến hết Trung học cơ sở, người Việt sẽ có thể gọi các em học sinh ấy là: HỌC SINH NỮ, BẠN GÁI. Sang đến thời kỳ Trung học phổ thông, khi đã qua tuổi dậy thì được vài năm, các bạn nữ lúc này có thể được gọi là THIẾU NỮ hoặc NỮ SINH. Cách gọi THIẾU NỮ sẽ đi theo một người con gái cho tới khi lấy chồng, lập gia đình riêng. Cũng để chỉ những người phụ nữ còn trẻ, thường là chưa lập gia đình, người Việt còn có các cách gọi như: CÔ, CÔ ẤY, CÔ GÁI. Bên cạnh đó, nếu muốn thể hiện cách nói bóng bẩy, thường được dùng trong văn chương, người Việt sẽ có cách gọi những người phụ nữ trẻ là NÀNG: “Nàng rằng: Nghĩa nặng nghìn non/ Lâm Tri người cũ chàng còn nhớ không” (Truyện Kiều – Nguyễn Du), “Tôi với nàng đây không biết nhau/ Mà tôi thương tiếc bởi vì đâu” (Viếng hồn trinh nữ - Nguyễn Bính).

Khi bước vào đời sống hôn nhân và chính thức được xã hội nhìn nhận như một người phụ nữ đã có chồng, lúc này, từ ĐÀN BÀ có thể được sử dụng nhiều hơn với một sắc thái ý nghĩa được nhấn mạnh: đó là người phụ nữ đã được sống tận cùng với bản năng của mình. Chữ ĐÀN BÀ lúc này trong nhiều trường hợp được đặt trong mối tương quan với THIẾU NỮ. Người phụ nữ của gia đình ấy, được gọi một cách giản dị là VỢ (trường hợp cần giới thiệu trang trọng lịch sự, người Việt sẽ dùng từ PHU NHÂN, văn chương cổ có thêm cách gọi NƯƠNG TỬ) và sẵn sàng bước vào thời kỳ tiếp theo để được làm MẸ.

Nếu người phụ nữ tiếp tục cuộc sống với chồng một cách suôn sẻ và vẫn chưa bước sang tuổi già, người Việt sẽ có thêm một cách gọi tên nữa, đó là THIẾU PHỤ. Người phụ nữ có chồng mà phải chịu cảnh cô đơn sẽ được gọi là CÔ PHỤ. Người phụ nữ có chồng đi chinh chiến sẽ được gọi là CHINH PHỤ. Người phụ nữ còn trẻ mà chồng không may qua đời, sẽ được gọi là GÓA PHỤ hoặc SƯƠNG PHỤ.

Khi người phụ nữ dần già đi, người Việt có thể gọi họ bằng những cách như: BÁC GÁI, BÀ và cuối cùng là CỤ/ CỤ BÀ. Trong văn chương cổ, nói về người phụ nữ đã có gia đình, chưa già lắm và mang vẻ đẹp quý phái sang trọng, người ta có thể có thêm cách gọi NƯƠNG NƯƠNG.

Trong ngôn ngữ giao tiếp (văn nói), có thể có thêm nhiều cách gọi biến hóa khác nữa để chỉ người phụ nữ. Chẳng hạn, đối với một tập thể nữ giới trong một cơ quan hay đoàn thể nào đó, người Việt có thể gọi chung họ là CHỊ EM. Chẳng hạn có cách nói: Xin chúc mừng toàn thể chị em, Nhân ngày Quốc tế phụ nữ tôn vinh các chị em, v.v… Nhằm nhấn mạnh sắc thái cần được chở che, bảo vệ của phụ nữ, người Việt có cách nói PHÁI YẾU, để phân biệt với PHÁI MẠNH (chỉ nam giới)

Ngoài ra, còn có vô số cách nói, cách diễn đạt về người phụ nữ được thiết lập theo cơ chế ẩn dụ hoặc hoán dụ, với các sắc thái khác nhau, nghiêm túc cũng có mà trêu chọc bông đùa cũng có, chẳng hạn: khách má hồng, người nâng khăn sửa túi, người tay hòm chìa khóa, nội tướng, thị mẹt, vịt/ vịt giời, nóc nhà, giàn thiên lý…

Tóm lại, việc gọi tên cho một người phụ nữ từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành có vô số cách định danh khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp, hoàn cảnh cụ thể của nhân vật cũng như những mục đích, sắc thái khác nhau mà người tham gia giao tiếp muốn gửi gắm./.

TS. ĐỖ ANH VŨ

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/de-goi-ten-mot-nua-the-gioi-153366