Để gia đình là tế bào lành mạnh của xã hội

BHG - Đảng ta xác định: Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Thấm nhuần quan điểm trên, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.

Với mục tiêu xây dựng gia đình phát triển bền vững, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, năm 2023, tỉnh ta thành lập Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và gia đình ở cấp tỉnh và 11/11 huyện, thành phố để thúc đẩy việc triển khai thực hiện các hoạt động về công tác gia đình. Các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về xây dựng gia đình trong tình hình mới. Điển hình như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Bắc Mê, Yên Minh, Quang Bình tổ chức hội thi tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân; hội thi tuyên truyền về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), Luật Hôn nhân và gia đình nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, in trên 64.300 tờ rơi, tập gấp tuyên truyền về một số quy định của Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi), in 10.036 khẩu hiệu tuyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, in hơn 5.000 tranh tuyên truyền bài trừ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cấp phát đến cơ sở...

Đan lát giúp gia đình ông Nguyễn Văn Phiến, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) nâng cao thu nhập.

Tại nhiều địa phương còn diễn ra các hoạt động sôi nổi như giao lưu văn nghệ, tọa đàm, gặp mặt gia đình văn hóa tiêu biểu với chủ đề: “Gia đình bình an – Xã hội hạnh phúc”. Trên cơ sở đó, cùng ôn lại truyền thống ngày Gia đình Việt Nam (28.6), tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình; trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng, kiến thức nuôi dưỡng, giáo dục con cái, chăm sóc người già, người khuyết tật, phát động phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa...

Ấn tượng hơn, tỉnh ta còn xây dựng được mạng lưới phòng, chống BLGĐ thông qua hiệu quả hoạt động của 253 mô hình phòng, chống BLGĐ, 299 câu lạc bộ (CLB) trong lĩnh vực gia đình, 591 nhóm phòng, chống BLGĐ, 1.155 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng và 401 đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về tình trạng BLGĐ. Trong đó, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã xây dựng nhiều mô hình hay, hiệu quả, có sức lan tỏa như: 15 mô hình Hội nàng dâu tự quản tại huyện Quang Bình, Bắc Quang với 286 thành viên tham gia; 23 mô hình “3 trong 1 gắn kết tình cảm gia đình” tại huyện Bắc Quang; “Chi hội phụ nữ 5 không” (không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, không tự tử, không vi phạm chính sách dân số, không BLGĐ) tại huyện Quản Bạ với 20 thành viên tham gia; 116 “Chi hội phụ nữ không vi phạm chính sách dân số” với gần 6.400 gia đình tại huyện Mèo Vạc tham gia; duy trì 925 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng nhằm hỗ trợ kịp thời và bảo đảm an toàn cho nạn nhân bị BLGĐ...

Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn: Tính đến tháng 12.2023, toàn tỉnh có trên 191.000 hộ gia đình. Trong đó, hơn 62.000 hộ chỉ có bố hoặc mẹ sống chung với con, hơn 11.000 gia đình 1 thế hệ (vợ, chồng), trên 52.500 gia đình 2 thế hệ, gần 57.800 gia đình 3 thế hệ trở lên và gần 7.800 số hộ thuộc các trường hợp khác. Tuy nhiên, năm 2023, toàn tỉnh vẫn có 48 hộ xảy ra BLGĐ với các hình thức: Bạo lực về tinh thần (chiếm 20,8%), thân thể (chiếm 75%) và bạo lực về kinh tế (chiếm 4,2%). Người gây ra BLGĐ chủ yếu là nam giới, chiếm 85,4% trong tổng số vụ BLGĐ. Trước thực tế trên, các cấp, ngành đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, tư vấn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với cá nhân, gia đình có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ. Trong đó, góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với 39 trường hợp; 2 trường hợp áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc; 4 trường hợp áp dụng biện pháp giáo dục tại xã; 3 trường hợp buộc phải xử lý hành chính. Đối với những nạn nhân bị BLGĐ, có 35 trường hợp được tư vấn tâm lý, pháp luật, động viên tinh thần, giúp nạn nhân sớm ổn định cuộc sống, nâng cao kỹ năng phòng, chống BLGĐ.

Xác định công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững, tỉnh ta đã đưa mục tiêu về công tác gia đình vào kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm; bổ sung các nội dung phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới vào hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố. Đồng thời, tiếp tục đa dạng hóa các hình thức, chú trọng chất lượng công tác truyền thông, giáo dục, vận động cộng đồng nâng cao nhận thức về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống BLGĐ. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật, chính sách về công tác gia đình; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi BLGĐ.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÙY

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202403/de-gia-dinh-la-te-bao-lanh-manh-cua-xa-hoi-b925922/