Để gà nội không chết vì gà phế phẩm ngoại nhập

Nếu không kiểm soát đượ c tình trạng nhập gà thải loại vào Việt Nam sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Đó là nông dân, các trang trại, doanh nghiệp sản xuất gia cầm trong nước có thể phá sản hàng loạt và gây hậu quả cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Nếu không kiểm soát được tình trạng nhập gà thải loại vào Việt Nam sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Đó là nông dân, các trang trại, doanh nghiệp sản xuất gia cầm trong nước có thể phá sản hàng loạt và gây hậu quả cho sức khỏe của người tiêu dùng.

“Hiện có thông tin về gà loại thải của Thái Lan đang vận chuyển từ đường bộ qua Lào vào Việt Nam (VN) với số lượng lớn. Không chỉ vậy, tôi rất ngạc nhiên khi VN nhập khẩu cả da gà, lòng mề, cổ gà, cánh gà... mà nhiều nước không sử dụng về làm thực phẩm cho người”. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm VN, thốt lên như vậy tại một hội nghị bàn về cách tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi trong nước mới đây.

Thông tin mà chủ tịch Hiệp hội Gia cầm VN cảnh báo là không sai. Thực tế ngành chăn nuôi gia cầm trong nước thua lỗ nặng nề vì giá bán quá thấp, trong khi nhiều quy định kiểm soát lỏng lẻo đã khiến cho thịt gà nhập khẩu, trong đó có các loại phế phẩm thải loại tràn vào chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng đã chỉ ra lượng thịt gà nhập khẩu hằng năm chiếm đến 20%-25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ trong nước. Thêm vào đó, mỗi tháng có hàng chục ngàn tấn gà sống đẻ thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta. Để xảy ra tình trạng này là trách nhiệm của nhiều bộ, ngành như Bộ NN&PTNT, quản lý thị trường, các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm...

Đây cũng là hệ quả của các quy định kỹ thuật về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta chưa rõ ràng và thiếu chặt chẽ, theo lãnh đạo Hiệp hội Gia cầm VN. Chẳng hạn kể từ năm 2014, việc sử dụng ractopamine, cysteamine làm chất kích thích sinh trưởng, tạo nạc cho vật nuôi đã bị cấm tại 160 quốc gia trên thế giới bao gồm cả ở nước ta. Thế nhưng hằng năm VN lại vẫn nhập khẩu một lượng lớn thịt heo, bò và gà từ một số quốc gia được phép sử dụng hai chất nêu trên cho gia súc, gia cầm.

Vì vậy, để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và tránh tạo ra nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng, Bộ NN&PTNT cần xây dựng ngaycác hàng rào kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm kiểm soát thịt gà thải loại nhập về cho người sử dụng. Đồng thời cần áp dụng ngay chính sách truy xuất nguồn gốc đối với thịt nhập khẩuvà có chế tài, xử phạt thật nghiêm khắc để răn đe.

Các bộ, ngành liên quan cần có biện pháp ngăn chặn nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở và tuyến biển. Bộ Công Thương cần chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép vào VN.Các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cũng phải “bủa chặt” hơn nữa để ngăn chặn tối đa các thực phẩm không đảm bảo chất lượng tuồn vào thị trường, xuất hiện trong bữa ăn của người dân.

Bên cạnh các giải pháp trên, cần sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại… để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng cũng như người chăn nuôi trong nước. Nhất định không để người chăn nuôi, doanh nghiệp trong nước phải gánh thêm thiệt hại và những thực phẩm không đảm bảo chất lượng cứ tiếp tục xuất hiện trong bữa ăn của người Việt.

QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-ga-noi-khong-chet-vi-ga-phe-pham-ngoai-nhap-post734138.html