Để đối thoại dân chủ ở cơ sở thực chất, hiệu quả

Đối thoại dân chủ trong Quân đội là hình thức sinh hoạt chính trị, tinh thần, một trong những hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp ở cơ sở; là chế độ trách nhiệm của người chỉ huy các cấp (người đứng đầu các doanh nghiệp), đồng thời là biện pháp quan trọng để xây dựng trận địa tư tưởng vững vàng, xây dựng mối đoàn kết, thống nhất trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Hoạt động đối thoại dân chủ trong Quân đội được quy định tại Thông tư số 165/2018/TT-BQP ngày 1-12-2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tổ chức, hoạt động của hội đồng quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Thông tư số 46/2015/TT-BQP ngày 16-6-2015 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về xây dựng và thực hiện dân chủ tại nơi làm việc trong doanh nghiệp Quân đội.

Việc đối thoại dân chủ được thực hiện giữa đại diện cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cấp trên, người sử dụng lao động với toàn thể hoặc đại biểu quân nhân, công nhân, công chức, viên chức quốc phòng, người lao động (cán bộ, chiến sĩ, người lao động trong Quân đội) hoặc đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động. Đối thoại dân chủ nhằm thực hiện đầy đủ phương châm “Dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ, tạo sự đồng thuận, xây dựng môi trường văn hóa quân sự, văn hóa doanh nghiệp; xây dựng mối đoàn kết, thống nhất giữa cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên hoặc cấp trên, người sử dụng lao động và cán bộ, chiến sĩ, người lao động trong đơn vị, doanh nghiệp.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 20, Sư đoàn 330, Quân khu 9 đọc báo, trò chuyện sau giờ huấn luyện. Ảnh: ĐỨC PHÚC

Trong thời gian qua, thủ trưởng Bộ Quốc phòng, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện có nền nếp, chất lượng hoạt động đối thoại dân chủ với cán bộ, chiến sĩ và người lao động trong Quân đội, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của cán bộ, chiến sĩ và người lao động; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ huy, điều hành. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, ở một số đơn vị vẫn chưa phát huy được sức mạnh của “đối thoại” để tham gia đấu tranh với những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại; chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của tập thể để tìm ra những biện pháp đúng, trúng, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ ở mọi mặt công tác, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngày càng vững mạnh.

Tình trạng trên nếu không được giải quyết triệt để, lâu dần sẽ biến các buổi đối thoại dân chủ thành buổi “thông báo” chế độ, chính sách; đưa đối thoại dân chủ quay về chủ nghĩa hình thức, áp đặt thông tin một chiều... và cán bộ, chiến sĩ tham dự buổi đối thoại không mở lòng để bày tỏ suy nghĩ, thổ lộ tâm tư, nguyện vọng hay đấu tranh với những tiêu cực ở đơn vị. Việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cán bộ, chiến sĩ, người lao động nếu chưa thực sự thấu tình đạt lý sẽ dẫn đến tình trạng ý kiến nhiều lần, nhiều cấp, trùng lặp ở nhiều cơ quan, đơn vị, rất dễ nảy sinh hiện tượng nhắn tin, đơn thư nặc danh...

Để đối thoại dân chủ thực chất, đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp toàn quân cần thực hiện một số nội dung sau: Thứ nhất, các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa của hoạt động đối thoại dân chủ. Thứ hai, cần làm tốt công tác chuẩn bị cho đối thoại dân chủ ở cơ quan, đơn vị; xây dựng kế hoạch cụ thể; những yếu tố thông tin, diễn đàn, cử tọa, xử lý thông tin sau đối thoại... phải được xem là một quy trình thống nhất và hoàn chỉnh, không thể thiếu một công đoạn nào. Thứ ba, trong đối thoại, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần lựa chọn chủ đề nhiều người quan tâm; đồng thời phát huy trách nhiệm, đối thoại chân thành, biết lắng nghe lý lẽ của bộ đội, tránh độc thoại, biến đối thoại dân chủ thành sinh hoạt hành chính; tìm cho đúng sự thật, lẽ phải, xử lý cho được các ý kiến trái ngược nhau. Thứ tư, thường xuyên đổi mới, thực hiện sáng tạo các biện pháp, hình thức đối thoại dân chủ: Tổ chức diễn đàn, hòm thư góp ý, đường dây nóng, trao đổi trực tiếp với bộ đội... Đồng thời, cấp ủy, chỉ huy phải có những biện pháp bảo vệ hiệu quả người phát ngôn, tránh những hành động trù úm, trả thù, trù dập, cô lập vì “vạch áo cho người xem lưng”...

Đối thoại dân chủ thực chất sẽ phát huy tốt tinh thần “Bộ đội biết, bộ đội bàn, bộ đội giám sát, bộ đội kiểm tra”, góp phần giúp các cơ quan, đơn vị phát huy hiệu quả công tác đối thoại dân chủ theo 4 được (được việc, được bộ đội, được cán bộ, được tổ chức), giải quyết dứt điểm mọi phát sinh, vướng mắc ngay và thực hiện tốt “3 dân chủ” (dân chủ về: Chính trị; quân sự, chuyên môn; kinh tế và đời sống)... góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.

Đại tá ĐẶNG MINH TÂN - Trưởng phòng Dân vận, Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/de-doi-thoai-dan-chu-o-co-so-thuc-chat-hieu-qua-773010