Để đánh tan “cục máu đông” nợ xấu

(Chinhphu.vn) - Việc giải quyết nợ xấu là hết sức khẩn cấp, Chính phủ có thể cấp vốn ban đầu để Công ty mua bán nợ xấu đủ điều kiện thành lập, vốn hoạt động thì phải dựa chủ yếu vào nguồn vốn phát hành trái phiếu, hạn chế tối đa dùng ngân sách.

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân
- Ảnh sưu tầm

Đó là ý kiến của PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ngày 4/7, khi phân tích rõ thêm về cách thức cũng như mô hình công ty mua bán nợ xấu.

Thưa ông, hiện nay vấn đề nợ xấu đang tăng mạnh, vì vậy, giải pháp nào để có thể giải tỏa “cục máu đông” làm nghẽn mạch thị trường?

PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Chúng ta phải hình dung “cục máu đông” nợ xấu đã xuất hiện từ năm 2008 sau khi thị trường tài chính, bất động sản sụt giảm. Bản thân các con số về tỷ lệ nợ xấu cũng không thống nhất giữa các đơn vị công bố. Ví dụ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố nợ xấu khoảng 4%, (con số mới nhất khoảng 10%), các tổ chức tín dụng nước ngoài ước tính khoảng hơn 13%, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia ước lượng khoảng 8-9%. Vì vậy, đã đến lúc tính toán xử lý ngay “cục máu đông” này, không thể để lâu làm tắc nghẽn dòng vốn thị trường.

Thời gian vừa qua, NHNN đã hạ lãi suất, song có ý kiến cho rằng, ngân hàng vẫn chưa thực sự “đồng cam cộng khổ” với khó khăn của doanh nghiệp. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này? Xin ông cho biết khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm?

PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Suốt trong trong thời gian dài từ 2010-2011 đến giữa năm 2012 lãi suất cho vay rất cao, làm ảnh hưởng khả năng chịu đựng của nền kinh tế và khả năng doanh nghiệp. Thời gian qua NHNN nhanh chóng hạ lãi suất trên thị trường, việc này cần sự đồng thuận trung gian là ngân hàng thương mại. Đã đến lúc thay vì kêu gọi mà cần có xử lý vi phạm cụ thể.

NHNN cần yêu cầu doanh nghiệp báo cáo cụ thể ngân hàng nào cho vay lãi suất cao. Lúc này ngân hàng nào cho vay lãi suất trên 15%/năm có thể nói là nặng lãi, vì lãi suất huy động chỉ khoảng 9-10%/năm. Việc UBND TP Hồ Chí Minh gần đây làm trung gian giữa doanh nghiệp và ngân hàng đang có dấu hiệu tích cực cần nhân rộng mô hình, đưa lãi suất hợp lý để triển khai các dự án kinh doanh có kiệu quả từ nay đến cuối năm.

Đối với tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm, theo tôi không nên đặt nặng mức dư nợ, mà ưu tiên điều hành mức cung tiền (M2) có thể là tăng ở mức 14-15% là hợp lý để hỗ trợ thanh khoản, hỗ trợ thị trường chứng khoán, trái phiếu. Tăng trưởng tín dụng cuối năm chỉ cần khoảng từ 8 - 10% là hợp lý.

Gần đây NHNN đề xuất thành lập Công ty mua bán nợ xấu. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Việc thành lập công ty mua bán nợ xấu là cần thiết và là mô hình sử dụng ở nhiều nước. Quan trọng cần phải nhất quán cung cấp thông tin ra thị trường, tránh sự hiểu lầm, không có đồng thuận. Vì vậy, NHNN cần sớm trình Chính phủ, thông báo, quyết định, nghị định về mua bán nợ xấu. Nguồn vốn sử dụng trên cơ sở vốn phát hành trái phiếu công ty mua bán nợ độc lập, có thể có thêm sự bảo lãnh của Chỉnh phủ.

Chính phủ có thể cấp vốn ban đầu để công ty mua bán nợ xấu đủ điều kiện thành lập, vốn hoạt động thì phải dựa chủ yếu vào nguồn vốn phát hành trái phiếu, hạn chế tối đa dùng ngân sách.

Quá trình xử lý nợ xấu liên quan nhiều đến lĩnh vực bất động sản, số vốn không cố định mà có thể tăng theo quá trình xử lý nợ xấu, khoanh nợ, xóa nợ… Vào khoảng năm 1989 - 1990 chúng ta từng có kinh nghiệm thực hiện qua mô hình Ban Thanh toán công nợ, có đặc điểm riêng và không giống với Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC), lâu nay vẫn hoạt động nhưng tầm hoạt động nhỏ, lượng vốn ít, tác động không lớn đến tổng thể nền kinh tế.

Như vậy theo ông, sau khi thành lập công ty mua bán nợ xấu thì chúng ta sẽ mất bao lâu để giải quyết nợ xấu cho thị trường, liệu có phát huy được hiệu quả?

PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Hiện nay, ngành ngân hàng ưu tiên lành mạnh hóa trong năm 2012, chấp nhận tăng trưởng tín dụng chậm lại, để từ những năm sau tăng trưởng bền vững. Do vậy, chúng ta cần sớm thành lập công ty trong tháng 7. Đi liền với đó hoàn thiện thể chế giám sát tổ chức hoạt động các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Việc xử lý dứt điểm vấn đề này cần thời gian dài, cùng với quá trình kinh tế thế giới phục hồi trở lại, cùng với thanh khoản thị trường bất động sản. Việc xử lý nợ xấu cần gắn liền với quá trình tái cơ cấu quyết liệt hệ thống tài chính.

Huy Thắngthực hiện

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/de-danh-tan-cuc-mau-dong-no-xau/20127/142550.vgp