Đề cương về văn hóa Việt Nam với vấn đề bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nói chung, giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam nói riêng là một trong những nội dung được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm từ khi khởi thảo Đề cương về văn hóa Việt Nam cho tới thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay.

Nhiều lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Cơ Tu được tổ chức thường xuyên tại Quảng Nam, thu hút du khách gần xa. Ảnh: Tiêu Dao

Giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trong dòng chảy văn hóa Việt Nam

Việt Nam có 54 dân tộc, mỗi dân tộc đều có tiếng nói, chữ viết, lễ hội, kiến trúc, trang phục và bản sắc văn hóa riêng. Các giá trị văn hóa này do các cộng đồng DTTS sáng tạo ra trong quá trình sinh tồn, phát triển, là những yếu tố làm nên giá trị đặc sắc của mỗi cộng đồng. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, không thể không kể đến văn hóa các DTTS Việt Nam. Điều đó cũng được nhắc đến trong Đề cương về văn hóa Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng năm 1943. Trong đó, các yếu tố “Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa” đã trở thành phương châm, mục tiêu hành động, là quan điểm xuyên suốt trong quá trình cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới.

Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, văn hóa của các dân tộc Việt Nam được coi là nguồn cội, là nguồn lực và sức mạnh mềm trong phát triển. Văn hóa các DTTS ở nước ta vừa thống nhất, vừa đa dạng. Tính thống nhất biểu hiện ở quá trình đoàn kết đấu tranh chống ngoại xâm, phát triển kinh tế, mở mang bờ cõi; ở ý thức quốc gia và trong lối sống, cách ứng xử, đặc biệt là tinh thần yêu nước của các dân tộc Việt Nam. Ðây là công lao, kết quả sáng tạo của 54 dân tộc anh em, là sản phẩm ra đời từ tình cảm, tâm hồn của nhiều cộng đồng cư trú trong những hoàn cảnh môi trường, địa lý khác nhau. Văn hóa các DTTS là một bộ phận cấu thành văn hóa Việt Nam.

Chính vì thế, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định quan điểm tôn trọng tính đa dạng văn hóa và chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa đồng bào các DTTS, coi đó là tài sản quý báu của toàn xã hội, là điều kiện quan trọng để xây dựng nền văn hóa chung của quốc gia, dân tộc. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào các DTTS luôn là một nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài được Đảng, Nhà nước đặt ra trong mọi thời kỳ. Từ khi có Đề cương về văn hóa Việt Nam cho đến nay, nhiều chủ trương, đường lối, chính sách lớn có liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đã được Đảng, Nhà nước đầu tư nguồn lực, tổ chức thực hiện trong thực tiễn. Nhờ vậy mà bản sắc văn hóa các dân tộc không những được gìn giữ, bảo tồn, mà còn được phát huy, chuyển hóa thành các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, giá trị văn hóa của các cộng đồng DTTS đã được gìn giữ, phát huy một cách đa dạng. Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, hiện, đã có 3 bảo tàng Trung ương và 65 bảo tàng cấp tỉnh thực hiện sưu tầm, kiểm kê, trưng bày di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích lịch sử - văn hóa danh lam thắng cảnh liên quan đến đồng bào DTTS được xếp hạng di tích quốc gia. Đến nay, đã có hơn 150 di sản văn hóa phi vật thể của các DTTS được đưa vào Danh mục di sản văn hóa hóa phi vật thể quốc gia (trên tổng số gần 300 di sản của cả nước)… Có 559 nghệ nhân là người DTTS được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước. Các địa phương cũng đã tiến hành phục dựng nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc, lập hồ sơ, trình Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều cuốn sách về bảo tồn giá trị văn hóa các DTTS được các nhà nghiên cứu xuất bản, lưu giữ…, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước đã có những chính sách nhằm bảo tồn văn hóa dân tộc, từ Trung ương đến địa phương, như: Bảo tồn các buôn làng truyền thống, bảo tồn dân ca dân vũ, sưu tầm, phục hồi, phát triển một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ thất truyền, phục dựng một số lễ hội truyền thống... Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc như các lễ hội tín ngưỡng dân gian, hội thi liên hoan văn hóa các dân tộc, tiếng nói, chữ viết, trang phục, các nghề thủ công truyền thống, các trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ... đã và đang được bảo tồn và phát triển.

Phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa các dân tộc thiểu số

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với nhiều sắc thái văn hóa vùng, miền rất phong phú và độc đáo, trong đó có văn hóa vùng DTTS. Đây là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi cần có những chính sách đặc thù để khai thông nguồn lực văn hóa vùng DTTS, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, đứng trước sự thay đổi của thời đại, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp đồng bộ, toàn diện và tiên tiến, hiện đại nhằm tiếp tục thực hiện chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS hiệu quả hơn nữa.

Sản phẩm thêu thủ công truyền thống của đồng bào DTTS luôn hấp dẫn du khách, mang lại thu nhập cho đồng bào khi làm văn hóa du lịch. Ảnh: Phương Chi

Bên cạnh những kết quả tích cực, trong bối cảnh hiện nay, văn hóa các DTTS ở nước ta cũng đang đứng trước những biến đổi rất sâu sắc, bị mai một, lai căng, mất dần bản sắc, từ đó đặt ra những thách thức to lớn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị. Trong đó, nguy cơ về sự mai một, biến mất của một số thành tố vốn là bản sắc văn hóa tộc người. Trong quá trình tiếp biến văn hóa đã làm xuất hiện quan niệm, lối sống và nhiều yếu tố văn hóa lai căng, không lành mạnh trong các DTTS, đặc biệt là ở giới trẻ. Chính vì thế, yêu cầu giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các DTTS ngày càng trở nên cấp bách trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế.

Cùng với việc quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong quá trình hội nhập thì vấn đề kiến tạo sự gắn kết chặt chẽ việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các DTTS với các chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi cũng cần được đặt ra.

Những năm gần đây, đã có sự thay đổi tư duy của nhà quản lý, nhà nghiên cứu và người dân về văn hóa. Từ một lĩnh vực bị xem chủ yếu là mang chức năng giáo dục, tuyên truyền, văn hóa đã được nhìn nhận là lĩnh vực có giá trị kinh tế, mang lại thu nhập, góp phần nâng cao đời sống của người dân và quảng bá du lịch dân tộc, vùng miền. Rất nhiều tour du lịch văn hóa bản địa, văn hóa tộc người đã được tổ chức và mang lại kinh tế cho đồng bào các DTTS. Nhiều làng du lịch cộng đồng, nhiều lễ hội văn hóa tộc người, nhiều sản phẩm thổ cẩm, âm nhạc... đã tạo ra giá trị kinh tế, giúp đồng bào DTTS cải thiện được thu nhập. Đã có nhiều chính sách đặc biệt trong bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo được triển khai như diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên, múa xòe dân tộc Thái, hát Then, đàn tính dân tộc Tày, múa/sân khấu dân tộc Chăm...

Với quan điểm coi văn hóa không chỉ là mục tiêu, mà còn là động lực phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện nhân cách con người, trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định quan điểm tôn trọng tính đa dạng văn hóa và chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc, coi đó là tài sản quý báu của toàn xã hội, là điều kiện quan trọng, góp phần xây dựng nền văn hóa chung của quốc gia đa dân tộc và trở thành sản phẩm mang lại giá trị kinh tế lớn trong thời gian tới.

Tiêu Dao

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/de-cuong-ve-van-hoa-viet-nam-voi-van-de-bao-ton-gia-tri-van-hoa-cac-dan-toc-thieu-so-post459919.html