Để có giải pháp hai Nhà nước, cần có hai nền kinh tế độc lập

Cho đến nay, ý tưởng về một nhà nước Palestine tồn tại cùng với Israel là nền tảng của những nỗ lực quốc tế trong nhiều thập kỷ nhằm chấm dứt cuộc xung đột Trung Đông. Tuy nhiên, việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập đòi hỏi phải có một nền kinh tế Palestine khả thi. Điều kiện đó sẽ không thể đáp ứng được trong bối cảnh Bờ Tây và Gaza vẫn đang tồn tại các khu định cư của Israel, sự suy giảm nhân khẩu học ở Đông Jerusalem và bây giờ là sự tàn phá ở Gaza.

“Phượng hoàng từ đống tro tàn”

Ngày 22.11, Israel và Hamas đã đạt được thỏa thuận về lệnh ngừng bắn tạm thời ở Gaza cũng như nhất trí về việc trả tự do cho hàng chục con tin, tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ nhân đạo. Thỏa thuận đánh dấu bước đột phá lớn đầu tiên trong các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột ở dải Gaza. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, chưa có gì bảo đảm một cách chắc chắn rằng cuộc chiến sẽ chấm dứt sau quãng nghỉ ngắn ngủi này.

Nguồn: Rappler

Đối với một số người, cuộc chiến đẫm máu đang diễn ra có thể đã phá vỡ sự đồng thuận kéo dài 35 năm qua rằng: giải pháp khả thi duy nhất cho những rắc rối của khu vực là để “hai quốc gia - nhà nước” Israel và Palestine chung sống hòa bình bên cạnh nhau. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tin rằng, nỗi kinh hoàng mà thế giới đã chứng kiến kể từ ngày 7.10 chính là nhân tố thúc đẩy sự hồi sinh của mục tiêu này.

Trong những tuyên bố gần đây, các quan chức từ LHQ, G7, Mỹ, Palestine và các nước Ảrập đều nhấn mạnh hai nhà nước sẽ là giải pháp cuối cùng và lâu dài cho nền hòa bình ở Trung Đông. Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Palestine Raja Khalidi thì khẳng định, giải pháp hai nhà nước phải “xuất hiện như phượng hoàng từ đống tro tàn” của cuộc chiến này. Những người có lý trí ở khắp mọi nơi chỉ có thể hy vọng rằng điều này vẫn có thể tạo khuôn khổ cho một kết thúc dứt khoát và được các bên chấp nhận cho cuộc xung đột kéo dài hàng thế kỷ.

Điều kiện gì là tiên quyết?

Thời điểm của sự quan tâm mới này thật là mỉa mai. Đúng vào tháng 11 cách đây 25 năm, cơ quan lập pháp của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) - tổ chức được quốc tế công nhận là đại biểu hợp pháp duy nhất của nhân dân Palestine, tuyên bố thành lập "Nhà nước Palestine" vào năm 1988. Tất cả các phe phái của Palestine - kể cả những phe phái cực đoan nhất trong thời kỳ này - đã chấp nhận sự phân chia của Palestine và sự tồn tại trên thực tế của Israel trong phạm vi biên giới trước năm 1967 của nước này. Khi đưa ra tuyên bố mang tính đột phá đó, PLO chính thức xác định chỉ có một điều kiện tiên quyết cho hòa bình: 22% diện tích Palestine bao gồm bờ Tây bị chiếm đóng, bao gồm cả Đông Jerusalem và dải Gaza phải được giải phóng khỏi tất cả những người Israel định cư. Nếu không, lãnh thổ sẽ không bao giờ có thể trở thành không gian cho một quốc gia độc lập, có chủ quyền với tài nguyên thiên nhiên riêng và đường biên giới dễ nhận biết.

Năm 2022, Thỏa thuận Hòa giải Palestine đã được ký kết tại thủ đô Algiers của Algeria; đây là một thỏa thuận được 14 phe phái Palestine ký kết, bao gồm cả Phong trào Giải phóng dân tộc Fatah và Phong trào Hồi giáo Hamas, như một phần của tiến trình hòa giải giữa hai phe trong cuộc xung đột bắt đầu sau cuộc bầu cử lập pháp Palestine năm 2006 và bao gồm cả việc Hamas tiếp quản Gaza năm 2007.

Ngay sau khi có được thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột nội bộ dai dẳng từ năm 2006, các nhà kinh tế Palestine bắt đầu vật lộn với những câu hỏi về tác động kinh tế của mô hình hai nhà nước. Trên thực tế, từ năm 1990, một nghiên cứu toàn diện do PLO thúc đẩy đã đi đến kết luận rằng: một nhà nước Palestine tiếp giáp ở bờ Tây và Gaza, với Đông Jerusalem là thủ đô, thực sự có thể có hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, do cơ sở tài nguyên yếu kém, diện tích đất đai rất nhỏ và những thách thức dự kiến trong việc tiếp nhận người tị nạn và người hồi hương Palestine, khả năng tồn tại trước hết phụ thuộc vào việc Israel rút quân và sơ tán cũng như dỡ bỏ các khu định cư. Nếu Israel không rút lui thì kinh tế không thể phát triển vì sẽ không có nhà đầu tư nào tin tưởng vào chủ quyền của Palestine.

Hiệp định Hòa bình Oslo năm 1993 mà PLO chấp nhận đã không đáp ứng được điều kiện này. Thay vào đó, Hiệp định trao phần lớn quyền tự trị dân sự cho Chính quyền Palestine (PA) trong khi vẫn cho phép Israel tiếp tục định cư, khiến các kế hoạch kinh tế của Palestine rơi vào tình trạng bất ổn của “một nhà nước thiếu chủ quyền”.

Trong 5 năm tiếp theo, các cuộc đàm phán nhằm hướng đến giải quyết tất cả các vấn đề gây tranh cãi; và kết quả đó gần như đã đạt được ở Trại David vào năm 2000. Nhưng rốt cục, các cuộc đàm phán đã thất bại, dẫn đến sự bùng nổ của phong trào intifada thứ hai của người Palestine trong những năm 2000 - 2005, một bối cảnh khiến Palestine nhanh chóng rơi vào vòng xoáy bạo lực với phản ứng quân sự áp đảo từ Israel.

Phong trào intifada đã khiến giải pháp hai nhà nước càng trở nên xa vời hơn, và thẩm quyền vốn đã hạn chế của PA lại càng bị giảm sút. Tình trạng chia rẽ giữa Phong trào Fatah ở bờ Tây và Hamas ở Gaza kể từ năm 2006 không chỉ gây mất đoàn kết chính trị mà còn gây ra những biến dạng kinh tế lớn hơn đối với Palestine, khiến nền kinh tế nơi đây gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nền kinh tế vượt trội của Israel, vốn đang trải qua thời kỳ phát triển bùng nổ kéo dài.

Tìm mô hình cho nền kinh tế quốc gia

Suốt 20 năm qua kể từ Hiệp định Oslo, các nhà kinh tế Palestine đã dành nhiều thời gian và công sức để lập kế hoạch cho một “nền kinh tế quốc gia” Palestine trong cấu hình hai nhà nước. Tuy nhiên, khi lập luận rằng một nền kinh tế Palestine mạch lạc, độc lập, hiệu quả vẫn có thể được xây dựng ngay cả khi bị chiếm đóng hoặc bao vây, các nhà kinh tế đã ngầm từ bỏ tuyên ngôn trước đó của PLO rằng: không thể có sự phát triển nếu không có chủ quyền.

Giờ đây, di sản kinh tế của Hiệp định Oslo đã trở nên rõ ràng: Israel thống trị - và có thể dễ dàng thao túng nền kinh tế vĩ mô của Palestine từ tiền tệ và doanh thu tài chính, kênh thương mại và thị trường lao động cho đến năng lượng, khả năng tiếp cận tài nguyên thiên nhiên và tất cả các thuộc tính khác của khả năng tồn tại về mặt kinh tế. Vì vậy, không còn đáng tin cậy khi lập luận rằng một nhà nước Palestine độc lập có thể xuất hiện giữa các khu định cư của Israel ở bờ Tây, tình trạng giảm sút về nhân khẩu ở Đông Jerusalem, và bây giờ là sự tàn phá và thảm họa nhân đạo đối với 2,2 triệu dân ở Gaza. Ngay cả những nhà kinh tế tinh giỏi dang nhất cũng sẽ phải e ngại trước quy mô và sự phức tạp của nỗ lực tái thiết mà cuộc chiến này gây ra. Tệ hơn nữa, một hệ quả gián tiếp của cuộc chiến là nền kinh tế Palestine ở Bờ Tây, trong đó có Đông Jerusalem - nơi được kỳ vọng là thủ đô tương lai, cũng đang sụp đổ.

Biến thảm họa thành cơ hội

Như The Elders (một nhóm độc lập gồm các nhà lãnh đạo toàn cầu) đã lập luận trong một bức thư ngỏ gần đây rằng, cộng đồng quốc tế phải hành động nhanh chóng nếu muốn biến thảm họa đang diễn ra thành cơ hội cuối cùng để đạt được (hoặc áp đặt, nếu cần) giải pháp hai Nhà nước. Tất nhiên, nhiều người Israel hiện đang nắm quyền coi ý tưởng đó là không thể chấp nhận. Tuy nhiên, chủ nghĩa cực đoan ở Israel không phải tất cả bởi vẫn còn rất nhiều người Israel yêu chuộng hòa bình cũng như các đồng minh của họ.

Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Palestine Raja Khalidi nhận định trong bài viết trên Project Sydicat: “Ngay cả trong thời điểm đen tối này, vẫn có thể có cơ hội đạt được một thỏa thuận hai nhà nước “thực sự”, bởi vì chúng ta đã biết nó phải bao gồm những gì. Những điều kiện tiên quyết ban đầu cho khả năng tồn tại về mặt kinh tế của Palestine mà PLO đưa ra từ 35 năm trước vẫn có giá trị cho đến ngày nay, bởi vì đó là cơ sở duy nhất cho một giải pháp chính trị khả thi và lâu dài.Trong nhiều thập kỷ nay, các nhà kinh tế và quy hoạch Palestine, trong đó có tôi, đã và đang chuẩn bị nền tảng kinh tế cho một quốc gia có chủ quyền Palestine. Chúng tôi đã tiếp tục theo đuổi mục tiêu này mặc dù nhìn thấy triển vọng của nó đang giảm dần. Sau khi nhìn vào hố sâu không đáy của cuộc chiến này, liệu còn có đủ nhiều người Israel và Palestine đủ can đảm và tầm nhìn xa về chính trị để lựa chọn hòa bình thay vì bạo lực hay không?”.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/de-co-giai-phap-hai-nha-nuoc-can-co-hai-nen-kinh-te-doc-lap-i351549/