Để chuyển đổi thành công, phải đầu tư hơn nữa

Công nghệ thông tin, viễn thông nói chung và quá trình số hóa đang tác động mạnh mẽ, toàn diện đến hoạt động báo chí trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Báo chí Việt Nam, nhất là hệ thống báo Đảng địa phương, phải làm gì để theo kịp tiến trình này?

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, đã trả lời phỏng vấn của Báo SGGP về vấn đề này.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Phóng viên: Theo ông, cơ quan báo chí hiện nay phải vận động như thế nào để tiếp tục khẳng định vai trò của mình đối với xã hội và bạn đọc?

Ông NGUYỄN ĐỨC LỢI: Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các tổ chức và cá nhân. Đó là cơ quan chỉ đạo báo chí như Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan quản lý nhà nước như Bộ TT-TT, các sở TT-TT, Hội Nhà báo Việt Nam cùng các cấp hội và bản thân các nhà báo. Tuy nhiên, mỗi cơ quan có chức năng, nhiệm vụ và vai trò riêng. Ban Tuyên giáo các cấp có vai trò định hướng, chỉ đạo; nhưng sự vào cuộc cần thiết nhất là các cơ quan quản lý nhà nước, mà cụ thể ở đây là Bộ TT-TT và sở TT-TT ở các địa phương, về mặt hỗ trợ công nghệ, hạ tầng số và nguồn lực tài chính. Hội Nhà báo Việt Nam không có nguồn lực lớn để giúp các cơ quan báo chí chuyển đổi số, áp dụng công nghệ mới; chỉ có khả năng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức về công nghệ. Chúng tôi đã triển khai hàng trăm lớp học, khóa học, nhiều hội thảo về các nội dung chuyển đổi số, áp dụng công nghệ mới đối với hoạt động báo chí, qua đó góp phần hình thành nguồn nhân lực, đội ngũ báo chí đủ kiến thức, khả năng hoạt động, đáp ứng yêu cầu đổi mới của báo chí.

Có ý kiến cho rằng, các cơ quan báo Đảng chậm đổi mới công nghệ và chưa được đầu tư xứng đáng. Ông bình luận về vấn đề này như thế nào?

Đúng là trong hệ thống báo Đảng, nhất là báo Đảng địa phương, sự đầu tư cho công nghệ, áp dụng công nghệ mới trong hoạt động còn khiêm tốn. Có thể khẳng định, mức độ chuyển đổi số trong các cơ quan báo Đảng còn thấp hơn mặt bằng báo chí cả nước nói chung khá nhiều. Đây là vấn đề đặt ra với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Cần phải quan tâm, có sự đầu tư lớn hơn nữa để có một bước chuyển thực chất, mạnh mẽ về áp dụng công nghệ mới, chuyển đổi số trong cơ quan báo Đảng, làm thế nào để các cơ quan báo Đảng có thể cạnh tranh với các loại truyền thông mới, nhất là mạng xã hội.

"Làm chuyển đổi số báo chí thì phải có nguồn lực. Đó là nguồn lực về tài chính, về trang thiết bị và về con người"

Nhà báo NGUYỄN ĐỨC LỢI

Thời gian qua, việc chuyển đổi số, áp dụng công nghệ mới hầu hết đều tự thân các cơ quan báo chí vận động, thực hiện. Sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan chủ quản và Hội Nhà báo Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Tháng 4-2023, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu đến năm 2030: 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của KH-CN tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo xu hướng báo chí số…

Tuy nhiên, thực thi chiến lược này như thế nào đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương, mà trước hết là những cơ quan chủ quản. Cùng với đó là sự quyết tâm của lãnh đạo các cơ quan báo chí và sự vào cuộc của đội ngũ những người làm báo, trực tiếp là các phóng viên, biên tập viên.

TRẦN LƯU thực hiện

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/de-chuyen-doi-thanh-cong-phai-dau-tu-hon-nua-post694428.html