Để cây kiệu Tam Nông phát triển bền vững

ĐTO - Kiệu từng được đánh giá là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần cây lúa, giúp nông dân huyện Tam Nông “ăn nên làm ra”, phát triển kinh tế ổn định. Tuy nhiên, những năm gần đây, cây trồng này bị nhiều loại dịch hại và sâu bệnh tấn công khiến nhiều nông dân bị thua lỗ, bỏ nghề. Do đó, để nông dân trồng kiệu an tâm gắn bó với nghề, góp phần đưa thương hiệu kiệu Phú Hiệp của Tam Nông vươn xa thì cần có giải pháp giải quyết dứt điểm “điểm nghẽn” trong chuỗi sản xuất của ngành hàng này.

Nông dân thu hoạch kiệu ở xã Phú Thành B, huyện Tam Nông

Nông dân lao đao vì dịch bệnh gây hại trên cây kiệu.

Với hương vị thơm ngon đặc trưng, từ lâu, kiệu Phú Hiệp được xem là một trong những loại nông sản, đặc sản đặc trưng của vùng quê Tam Nông. Không chỉ nổi tiếng với sản phẩm kiệu tươi, xã Phú Hiệp còn nổi tiếng là một trong những nơi cung cấp kiệu giống chất lượng. Kiệu Phú Hiệp được tiêu thụ mạnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khu vực miền Trung.

Từng được xem là “cái nôi” của cây kiệu ở huyện Tam Nông với diện tích sản xuất lên đến 110 – 120ha/năm, nhưng hiện nay, toàn xã Phú Hiệp chỉ còn khoảng 17ha canh tác kiệu, do nhiều năm liền kiệu bị sâu bệnh tấn công, làm giảm năng suất, nhiều nông dân thua lỗ, chuyển sang canh tác loại cây trồng khác và chuyển vùng trồng kiệu. Ông Võ Văn Anh ngụ ấp K10, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông, người có hơn 30 năm gắn bó với cây kiệu, tâm sự: “Trước đây, kiệu rất dễ trồng, chỉ cần chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi là trúng mùa. Tuy nhiên, sau nhiều năm trồng luân canh liên tục, kiệu ngày càng khó trồng, nhiều loại sâu bệnh tấn công như: bệnh thối nhũn trên củ kiệu, dòi đục lá và đục củ, bệnh cháy lá vi khuẩn... nhưng nông dân chúng tôi không có giải pháp trị dứt điểm. Năm nào mà xuống giống kiệu chưa được bao lâu thì bị dòi đục củ, hay bệnh thối nhũn tấn là coi như lỗ nặng. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều nông dân bỏ nghề trồng kiệu. Để ứng phó với tình hình dịch hại này, nông dân thay đổi ruộng trồng liên tục sau mỗi vụ mùa để cách ly mầm bệnh, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi dù có đổi ruộng trồng thì cũng không thể đảm bảo là kiệu không bị sâu, bệnh hại tấn công”.

Theo nhiều nông dân trồng kiệu của huyện Tam Nông, chi phí đầu tư trồng kiệu khá cao so với lúa và nhiều loại cây màu khác. Một công đất (1.300m2), nông dân phải đầu tư khoảng từ 45 – 50 triệu đồng. Trong khi đó nông dân lại không chủ động được trong việc phòng trừ và kiểm soát dịch hại, đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người không còn gắn bó với cây kiệu.

Tình trạng sâu, bệnh gây thiệt hại trên cây kiệu khiến nhiều nông dân không còn mặn mà với nghề sản xuất kiệu truyền thống

Chuẩn hóa quy trình trồng để phát triển cây kiệu bền vững hơn.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tam Nông, hiện toàn huyện có trên 115ha canh tác kiệu, tập trung ở các xã: Phú Hiệp, Phú Thành B, Phú Thọ, Tân Công Sính. Nông dân chủ yếu bán kiệu tươi, kiệu giống và một phần nhỏ chế biến thành dưa kiệu phục vụ nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh. Năm 2020, sản phẩm kiệu Phú Hiệp của huyện Tam Nông được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, đây được kỳ vọng là yếu tố tạo sức bật cho cây kiệu Phú Hiệp. Tuy nhiên, để có thể phát huy được tiềm năng và lợi thế của cây kiệu thì phải giải quyết được khó khăn trong chuỗi sản xuất của nông dân, nhất là việc phòng trừ và kiểm soát sâu, bệnh hại trên cây kiệu.

Về giải pháp của ngành nông nghiệp huyện Tam Nông hỗ trợ nông dân trồng kiệu giải quyết khó khăn trong chuỗi sản xuất, ông Lưu Văn Tiến - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông cho biết, thời gian qua, việc sản xuất kiệu của nông dân tại huyện chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa có quy trình kỹ thuật, đặc biệt là công tác phòng trừ sâu, bệnh và bảo quản kiệu giống, từ đó chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Mặt khác, hiện cây kiệu của huyện Tam Nông được Cục Sở hữu trí tuệ quyết định công nhận nhãn hiệu chứng nhận “Kiệu Phú Hiệp” nhưng thời gian qua vẫn chưa phát huy hiệu quả. Để giúp cho người dân sản xuất kiệu an tâm sản xuất và phát triển nghề làm kiệu truyền thống, UBND huyện đã đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ xem xét thống nhất cho liên kết với Trường Đại học Cần Thơ khảo nghiệm, phân tích, đánh giá và đưa ra quy trình sản xuất kiệu an toàn, VietGAP cho cây kiệu. Đây là quy trình có ý nghĩa quan trọng và tháo gỡ khó khăn cho người trồng kiệu và ngành chuyên môn của huyện Tam Nông.

Xuất phát từ hiện trạng sản xuất kiệu và đề xuất của địa phương, năm 2020, một số nhà khoa học đến từ Trường Đại học Cần Thơ đến vùng chuyên canh kiệu của huyện Tam Nông tiến hành khảo nghiệm và thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh với nội dung “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất kiệu (Allium chinense) đạt chứng nhận VietGAP, tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp”. Mục đích nghiên cứu của đề tài không chỉ dừng lại là giúp nông dân tìm ra quy trình sản xuất kiệu bài bản, đúng tiêu chuẩn mà còn hướng đến tìm các giải pháp giúp nông dân phòng trừ và điều trị các loại sâu bệnh hại trên cây kiệu, hướng đến nâng cao chất lượng cho sản phẩm kiệu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Thu Ba - giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, thành viên chính thực hiện đề tài nghiên cứu cho biết: “Trong quá trình thu thập thông tin, thực hiện đề tài, chúng tôi nhận thấy nông dân trồng kiệu ở Tam Nông có nhiều kinh nghiệm sản xuất truyền thống rất hay. Song, phần lớn kỹ thuật chỉ dừng lại là kinh nghiệm theo kiểu “cha truyền con nối” chứ chưa có một quy trình sản xuất kiệu bài bản và khoa học. Do đó, để có thể giải quyết được những khó khăn trong chuỗi sản xuất của cây kiệu ở Tam Nông cần phải có một quy trình sản xuất, được chuẩn hóa trong từng khâu. Cụ thể, sau khi tìm hiểu, chúng tôi đã xây dựng lại 3 quy trình sản xuất kiệu cho nông dân gồm: sản xuất kiệu làm rau, kiệu làm dưa và kiệu làm giống. Đây là những quy trình được đúc kết qua nhiều lần khảo nghiệm và được chứng mình bằng số liệu khoa học rõ ràng. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ của đề tài, chúng tôi hướng dẫn nông dân một số phương pháp canh tác mới giúp nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng. Đây là nền tảng để sản phẩm kiệu của Tam Nông có thể nâng cao giá trị cạnh tranh, góp phần đưa thương hiệu kiệu Phú Hiệp, Tam Nông phát triển”.

Huyện Tam Nông tập trung nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân đẩy mạnh chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho cây kiệu

Sau hơn 2 năm thực hiện, đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất kiệu (Allium chinense) đạt chứng nhận VietGAP, tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp” thật sự tạo được nhiều chuyển biến tích cực trong tư duy sản xuất của người nông dân. Các phương pháp mới đã góp phần giúp nông dân khắc phục được một số loại sâu, bệnh hại trên cây kiệu. Tuy nhiên, để có thể phát huy tốt kết quả nghiên cứu của đề tài, giúp nông dân tin tưởng và áp dụng theo quy trình sản xuất mới như khuyến cáo của các nhà khoa học thì đòi hỏi cần có quá trình thực hiện lâu dài. Trong đó, sự đồng hành của ngành chuyên môn ở địa phương, sự đồng lòng của nông dân trồng kiệu là yếu tố quan trong để nghề sản xuất kiệu của Tam Nông phát triển xa hơn trong thời gian tới.

Thời gian tới, huyện Tam Nông sẽ quy hoạch lại vùng sản xuất kiệu, phân công ngành chuyên môn trực tiếp theo dõi và hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy trình. Đồng thời để người nông dân yên tâm sản xuất, địa phương tiếp tục thực hiện công tác xúc tiến thương mại, mời gọi các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm kiệu cho nông dân. Đặc biệt, nhằm khuyến khích nông dân đẩy mạnh phát triển chế biến, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm kiệu, huyện đã dành nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, chế biến kiệu, nhất là sản phẩm đạt OCOP...

Mỹ Lý

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/de-cay-kieu-tam-nong-phat-trien-ben-vung-117514.aspx