Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 134/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1-7-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Theo đó, người được kết luận không tham nhũng sẽ được trở lại vị trí công tác, đồng thời còn được xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác, chuyển vị trí công tác. Dưới đây là những nội dung đáng lư ý trong nghị định này.

Trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng

Theo quy định trong Nghị định 134/2021/NĐ-CP của Chính phủ, thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả đánh giá của ngành, cấp mình và gửi kết quả đánh giá để Thanh tra Chính phủ rà soát, đánh giá và tổng hợp. Đồng thời, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông tin, báo cáo thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định hoặc đề nghị người có thẩm quyền quản lý người đó áp dụng một trong các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích quy định tại Nghị định này hoặc xử lý theo quy định của pháp luật. Cũng trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày có căn cứ thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định hoặc đề nghị người có thẩm quyền quản lý người có chức vụ, quyền hạn quyết định đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ đối với người có chức vụ, quyền hạn.

Đối với người đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền rằng người đó không có hành vi tham nhũng, thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải: Hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn sau khi cơ quan có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng. Đồng thời, đề nghị người ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ, tạm thời chuyển vị trí công tác khác sau khi cơ quan có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.

Khôi phục quyền, lợi ích cho người có kết luận không tham nhũng

Theo đó, khi tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng, thì: Người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng; được xin lỗi, cải chính công khai và được bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác theo quy định của pháp luật.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người có chức vụ, quyền hạn không có hành vi tham nhũng thì người đã ra quyết định phải hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn.

Thế nào là vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng?

Theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành, các vụ việc tham nhũng được xác định mức độ theo quy định tại Khoản 2, Điều 76 của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, như sau: Vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng chưa đến mức bị xử lý hình sự hoặc bị xử lý hình sự bằng hình thức phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm; Vụ việc tham nhũng nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 3 đến 7 năm; Vụ việc tham nhũng rất nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 7 đến 15 năm; Vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 5 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Lg: NV

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/129882/de-cao-trach-nhiem-nguoi-dung-dau