Để các sắc phong hồi hương

Những ngày gần đây, thông tin Công ty đấu giá Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn có đăng tải thông tin: Vào 9 giờ 30 ngày 22/4/2023 sẽ diễn ra phiên đấu giá có đạo sắc phong, khả năng là hiện vật gốc, nguồn gốc của Việt Nam (gồm sắc phong bị đánh cắp tại xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ).

Ngay sau khi nhận được thông tin, tỉnh Phú Thọ đã có văn bản gửi các cấp liên quan trong tỉnh để xác minh thông tin. Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy- TUV, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Các sắc phong triều Nguyễn hiện đang được rao bán tại Trung Quốc rất có thể là tài sản bị mất cắp. Khi đó, việc mua bán là hành vi trái pháp luật, những người có liên quan đến hành vi này sẽ bị xử lý hình sự. Nếu những hiện vật đang được rao bán tại Trung Quốc được xác minh đúng là sắc phong của Đền Quốc Tế thì phía Việt Nam có thể thông qua công tác ngoại giao, nhờ đến sự hợp tác từ phía nước bạn để hồi hương các cổ vật này”.

Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy - TUV, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí về phương án đưa các cổ vật bị mất cắp hồi hương.

Vụ việc diễn ra cách đây gần hai năm, ngày 21/5/2021, Đền Quốc Tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông) - Ngôi đền được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1992 đã bị kẻ gian đột nhập, phá két sắt, lấy đi toàn bộ 40 sắc phong có niên đại từ triều Lê đến triều Nguyễn. Sắc phong cổ nhất được Vua Lê Chân Tông (niên hiệu Phúc Thái) ban cho Thánh Cao Sơn vào năm 1645. Toàn bộ sự việc đã được các cơ quan chức năng lập biên bản, báo cáo các cấp, cơ quan có thẩm quyền để điều tra. Đồng thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành văn bản khuyến cáo tất cả các địa phương có di tích, nhất là có những sắc văn, có các di vật, cổ vật có biện pháp bảo quản để tránh tình trạng kẻ gian lợi dụng những sơ hở của Ban quản lý để đánh cắp những cổ vật có giá trị. Tùy từng di tích mà chính quyền địa phương phải có phương án bảo quản phù hợp.

Để ngăn chặn tình trạng bị mất cắp cổ vật tại các di tích, hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, thống kê, cập nhật thông tin để bổ sung danh mục hiện vật, đồng thời nắm được tình hình di tích xuống cấp, có nhu cầu tu bổ để lên phương án thực hiện. Mặt khác, tỉnh thực hiện công tác kiểm kê di sản năm năm một lần. Tuy nhiên, công tác quản lý di tích gặp nhiều khó khăn bởi các hiện vật được thờ phụng, bảo quản tại các di tích trở thành một phần không thể thiếu trong việc thực hành nghi lễ tại địa phương, không thể tập hợp để bảo quản trong điều kiện nghiêm ngặt. Do đó, trách nhiệm của Ban quản lý di tích là rất lớn.

Sắc phong là hình thức “giấy chứng nhận” thiêng liêng cho từng khu di tích, không thể mua bán như những món đồ cổ thông thường. Sau khi xác minh những thông tin, việc có thể đưa các sắc phong trở về đúng nơi thờ tự là điều được dư luận đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, đây là câu chuyện cần phải bàn thảo giữa các bên, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và sự hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia.

Ở lĩnh vực quản lý nhà nước, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ban hành Công văn số 309/DSVH-DT gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh: Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương đề nghị phối hợp, khẩn trương xác minh tính xác thực của các sắc phong hiện đang bị rao bán có nguồn gốc tại các di tích, bảo tàng và địa điểm liên quan ở địa phương.Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần thu thập, cung cấp các thông tin pháp lý về sắc phong (bao gồm hình ảnh, kích thước, chất liệu… và các văn bản pháp lý có liên quan), việc mất cắp sắc phong (đơn trình báo mất cắp, hình ảnh, biên bản, hồ sơ liên quan đến vụ việc mất cắp sắc phong này), báo cáo UBND tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phối hợp, làm việc với các cơ quan, tổ chức liên quan về giải pháp hồi hương cổ vật về di tích gốc, bảo tàng theo nội dung Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu, chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa mà Việt Nam tham gia.

Cục Di sản văn hóa đề nghị các sở phối hợp chặt chẽ với Cục trong quá trình xác minh tính xác thực của các sắc phong, xây dựng hồ sơ chứng minh nguồn gốc sắc phong từ các di tích, bảo tàng và địa điểm liên quan ở địa phương, báo cáo đầy đủ gửi Cục Di sản văn hóa trước ngày 17/4 để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo theo quy định.

Lê Hoàng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-hoa/de-cac-sac-phong-hoi-huong/192199.htm