Để bệnh viện không trở thành ổ dịch Covid-19

Qua kiểm tra, Sở Y tế Hà Nội đã phát hiện không ít bệnh viện không an toàn, hoặc an toàn ở mức thấp trong phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có cả các bệnh viện chuyên khoa thận, phổi. Ngày 29-8, phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà về các giải pháp để bệnh viện không trở thành ổ dịch Covid-19.

- Sở Y tế Hà Nội vừa yêu cầu tạm dừng hoạt động của 3 bệnh viện do không bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Hiện tại, Sở Y tế Hà Nội đã cho phép các bệnh viện này được hoạt động trở lại chưa, thưa bà?

- Qua công tác kiểm tra, 3 bệnh viện, gồm: Mắt Sài Gòn - Hà Nội, Mắt Việt Nhật, Mắt Hi-Tech không bảo đảm an toàn trong sàng lọc, phân luồng, cách ly người bệnh. Vì vậy, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu 3 bệnh viện này tạm dừng hoạt động, đồng thời cho thời gian khắc phục từ 7 đến 10 ngày. Sau khi họ hoàn thiện xong và có đơn đề nghị, Sở Y tế sẽ tái thẩm định và xem xét có được hoạt động trở lại hay không. Tuy nhiên, hiện đã quá thời gian cho phép, nhưng Sở Y tế vẫn chưa nhận được đơn đề nghị để tái thẩm định. Do đó, Sở Y tế vẫn yêu cầu 3 bệnh viện này tiếp tục dừng hoạt động.

- Ngoài 3 bệnh viện trên, trong danh sách các bệnh viện an toàn ở mức thấp còn có Bệnh viện Thận Hà Nội, Bệnh viện Phổi Hà Nội. Đây là các bệnh viện chuyên khoa, điều trị những người có nhiều nguy cơ, dễ tổn thương khi mắc Covid-19. Nếu những bệnh viện này lơ là trong phòng, chống dịch sẽ vô cùng nguy hiểm, xin bà cho biết cụ thể về vấn đề này?

- Thời gian qua, những ca mắc Covid-19 tử vong tại nước ta đa phần là các bệnh nhân suy thận mạn, viêm phổi, tim mạch, đái tháo đường, ung thư,... cùng nhiều bệnh lý nền kèm theo khác. Với những bệnh viện chuyên khoa như Bệnh viện Phổi Hà Nội, mỗi ngày khám cho hơn 100 bệnh nhân. Nơi đây cũng quản lý và điều trị bệnh nhân lao, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), lao đa kháng…, nên luôn cần theo dõi và quản lý sát sao.

Tương tự, Bệnh viện Thận Hà Nội hiện quản lý 444 bệnh nhân chạy thận nhân tạo với nhiều bệnh nền, như: Tim mạch, đái tháo đường và 517 bệnh nhân thận mạn. Vì vậy, ngay sau khi phát hiện ra những lỗ hổng, chúng tôi đã yêu cầu các bệnh viện này phải khắc phục càng sớm càng tốt. Sở Y tế Hà Nội đã tái kiểm tra và thẩm định lại các tiêu chí an toàn và các bệnh viện chuyên khoa trên của Hà Nội đã kịp thời khắc phục tồn tại.

- Theo bà, khâu yếu nhất trong vấn đề phòng, chống dịch tại các bệnh viện hiện nay là gì?

- Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch của 68 bệnh viện trong và ngoài công lập. Kết quả có 51 bệnh viện đạt tiêu chí an toàn, 14 bệnh viện an toàn ở mức thấp, 3 bệnh viện không an toàn. Qua kiểm tra cho thấy, khâu yếu nhất trong vấn đề phòng dịch mà một số bệnh viện cần khắc phục và rút kinh nghiệm ngay là công tác kiểm soát người ra, vào bệnh viện. Dù đã có quy định mỗi người bệnh chỉ có một người chăm sóc, song có bệnh viện, người ra, vào thăm nom người bệnh vẫn nhiều. Ngoài ra, việc đeo khẩu trang đối với người bệnh và người nhà người bệnh chưa đầy đủ; có bệnh viện chưa bảo đảm quy định về giãn cách tại các khu vực đông người và buồng bệnh.

- Cùng với tăng cường kiểm tra, Sở Y tế Hà Nội còn có thêm những giải pháp gì để bệnh viện không trở thành ổ dịch, thưa bà?

- Chúng tôi xác định công tác phòng, chống dịch tại bệnh viện là việc làm trường kỳ, thường xuyên và liên tục. Chỉ cần một khâu trong bệnh viện lơ là là nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập bất kỳ lúc nào. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu các bệnh viện cần tuân thủ nghiêm văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế về bệnh viện an toàn với 37 tiêu chí, tương ứng với 150 điểm. Các bệnh viện tự đánh giá, chấm điểm, sau đó Sở Y tế Hà Nội sẽ đi kiểm tra và hướng dẫn việc thực hiện. Nếu bệnh viện nào thực hiện không nghiêm sẽ buộc phải dừng hoạt động cho đến khi khắc phục xong. Ngoài ra, 1 tuần/lần, Sở Y tế Hà Nội tổ chức họp giao ban với toàn bộ hệ thống các bệnh viện trực thuộc để rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch.

Để hạn chế người ra, vào, bệnh viện phải bố trí đủ nhân lực chăm sóc toàn diện người bệnh tại các khoa trọng điểm, như: Khoa hồi sức tích cực, khoa cấp cứu, khoa truyền nhiễm, khoa bệnh nhiệt đới và người bệnh có chỉ định chăm sóc cấp I tại các khoa lâm sàng khác; giảm tối đa người nhà hỗ trợ chăm sóc người bệnh. Trong trường hợp thật cần thiết, chỉ để lại một người nhà hỗ trợ chăm sóc cố định.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/977200/de-benh-vien-khong-tro-thanh-o-dich-covid-19