Để bảo tàng không còn mãi vắng khách!

“Để công chúng tò mò tìm đến bảo tàng thì dễ, nhưng làm thế nào đề người ta quay trở lại nhiều lần thì mới khó”. Đây chính là một trong những vấn đề mà PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nêu ra khi bàn về vấn đề thu hút khách đến bảo tàng thế nào?

Tôi tìm đễn Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vào lúc 10 giờ sáng ngày Chủ Nhật 27/11. Dù là ngày cuối tuần, nắng đẹp lại nằm ở vị trí đắc địa của trung tâm Thủ đô, nhưng tại các phòng trưng bày ở cả hai tầng, số lượng du khách chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo lời một nhân viên ở đây xác nhận, tình trạng này diễn ra thường xuyên vào các ngày trong tuần, chỉ khi có khách tua du lịch hay các trường học tổ chức chương trình tham quan, trải nghiệm thực tế thì các phòng trưng bày mới trở nên rộn rã, đông vui.

Triển lãm chuyên đề “Linh vật Việt” thu hút đông đảo công chúng đến thăm quan, tìm hiểu. ảnh: Phương Bùi.

Còn Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trên đường Nguyễn Thái Học cũng trong tình trạng như vậy. Dù là một Bảo tàng quốc gia, nơi sở hữu rất nhiều tư liệu, hiện vật giá trị của nền mỹ thuật nước nhà, nhưng lâu nay lượng khách tự do thường xuyên đến để tìm hiểu nền mỹ thuật Việt Nam, thưởng thức những tác phẩm tranh, tượng điêu khắc của các nghệ sĩ tên tuổi trong nước còn rất khiêm tốn. Với Bảo tàng Hà Nội, khi đến đây, điều đầu tiên đập vào mắt là bãi đỗ xe rộng đến cả ngàn mét vuông nhưng cũng chỉ có lác đác vài chiếc xe được dựng gọn ở một góc. Bảo tàng này chỉ nhộn nhịp, thu hút người tham quan là khi có sự kiện được tổ chức.

Mới đây, nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 12 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (2005-2016), từ ngày 23-30/11, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở VH-TT Hà Nội đã tổ chức trưng bày triển lãm chuyên đề “Linh vật Việt”, sự kiện đã thu hút hàng trăm lượt người tham gia. Theo ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, “Linh vật Việt” sẽ giúp công chúng khám phá, tìm hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về sự phong phú, đa dạng và độc đáo của linh vật Việt Nam cũng như diễn biến phát triển, đặc điểm tạo hình, phong cách nghệ thuật, chức năng sử dụng cùng những ý nghĩa biểu tượng văn hóa của chúng, khơi gợi niềm tự hào về bản sắc văn hóa Việt Nam. Thực tế, triển lãm đã tạo được nhiều ấn tượng và hấp dẫn người xem bởi đây chính là thời điểm công chúng rất quan tâm đến các hình tượng “linh vật Việt” trước tình trạng xâm lấn của các linh vật ngoại lai.

Theo nhiều chuyên gia, để “bắt bệnh” vắng khách của bảo tàng là không khó, tuy nhiên để đặt ra kế hoạch, mục tiêu và phương thức thực hiện thì không phải nơi nào cũng làm được. Chính vì vậy, dù nắm giữ một khối lượng di sản khổng lồ nhưng thế mạnh của các bảo tàng vẫn chưa được phát huy mạnh mẽ. Là một địa chỉ hiếm hoi có lượng khách thường xuyên đến tham quan và tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế, sau gần 20 năm mở cửa, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã phải trải qua rất nhiều “thử nghiệm” để tìm được giải pháp hữu hiệu, xóa bỏ cách nhìn nhận buồn tẻ lâu nay về hoạt động bảo tàng.

Theo nhiều chuyên gia, để “bắt bệnh” vắng khách của bảo tàng là không khó, tuy nhiên để đặt ra kế hoạch, mục tiêu và phương thức thực hiện thì không phải nơi nào cũng làm được. Chính vì vậy, dù nắm giữ một khối lượng di sản khổng lồ nhưng thế mạnh của các bảo tàng vẫn chưa được phát huy mạnh mẽ. Là một địa chỉ hiếm hoi có lượng khách thường xuyên đến tham quan và tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế, sau gần 20 năm mở cửa, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã phải trải qua rất nhiều “thử nghiệm” để tìm được giải pháp hữu hiệu, xóa bỏ cách nhìn nhận buồn tẻ lâu nay về hoạt động bảo tàng. Trình diễn rối nước, văn nghệ, trò chơi dân gian, nghề thủ công truyền thống,... chính là những trải nghiệm thú vị cho du khách mà bảo tàng đã thực hiện. Nói như PGS, TS - Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thì, để công chúng tò mò tìm đến thì dễ, nhưng làm thế nào cho người ta quay trở lại nhiều lần mới khó. Yêu cầu đó buộc các bảo tàng phải chuyển động, thay đổi tư duy.

Có lẽ chính bởi nhận thức này, mà đến nay Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam không chỉ là một cơ sở khoa học mà lại vừa là một trung tâm văn hóa, có tính khoa học cao và tính xã hội rộng lớn. Xuất phát, chính từ các hoạt động bên lề thú vị như vậy mà bảo tàng đã có thể tiếp cận được với công chúng một cách gần gũi nhất. Từ thực tế này, rất cần các bảo tàng chủ động hơn trong việc tìm đến công chúng, điều này cũng sẽ góp phần giúp các giá trị di sản văn hóa, lịch sử của dân tộc tiếp tục tỏa sáng trong cuộc sống hiện đại và cả ở tương lai.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/de-bao-tang-khong-con-mai-vang-khach-45897.html