Đề án trang bị sách cho xã, phường, thị trấn: Hướng đến văn hóa số

Không chỉ 'chính quyền số', 'công dân số', 'kinh tế số' mà gần đây khái niệm 'văn hóa số' đang dần được phổ cập, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận văn hóa trong thời đại 4.0.

Qua 15 năm triển khai, Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn cũng đang hướng đến việc tiếp cận độc giả bằng những phương thức hiện đại và hiệu quả hơn.

Ban Tuyên giáo Trung ương vừa tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn.

Theo đó, từ năm 2009 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn nhằm góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cấp cơ sở, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới và nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân.

Một số đầu sách được Đề án cấp về cơ sở. Ảnh Internet

15 năm qua, đề án đã cung cấp gần 593 đầu sách (kể cả đĩa CD-ROM và CD Audio) với tổng số gần 14,5 triệu bản in về cơ sở. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tiến hành số hóa trên 500 đầu sách của đề án xuất bản từ năm 2009 đến năm 2022 và sách văn kiện Đảng, tài liệu nghiên cứu, học tập các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sách lý luận chính trị phổ thông...

Sau khi thư viện điện tử sách xã, phường, thị trấn ra mắt phục vụ bạn đọc từ đầu năm 2020, đến nay đã có hơn 729.000 lượt độc giả truy cập để đọc, tra cứu, học tập trực tiếp và miễn phí.

Kết quả khảo sát tháng 10-2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy, có tới 72,18% số cán bộ đã tiếp cận sách điện tử của Đề án; 52,52% muốn tiếp tục sử dụng hình thức sách này.

Việc nghiên cứu, học tập sách thuộc đề án đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Có đến 75,41% số người được hỏi cho rằng sách của Đề án trang bị đã giúp cập nhật, bổ sung kiến thức nói chung; 43,14% cho rằng các loại sách trên giúp tìm hiểu, tra cứu các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tại Gia Lai, đề án được triển khai rộng rãi đến các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Thúy Diễm-Chủ tịch UBND xã Diên Phú (TP. Pleiku) cho hay, sách cấp về đều được tiếp nhận, bảo quản cẩn thận, cung cấp nguồn kiến thức cần thiết cho cán bộ và Nhân dân theo đúng tinh thần của đề án.

Tuy nhiên, bà Diễm nêu thực tế: Không nằm ngoài xu thế chung, việc đọc sách giấy theo lối truyền thống đang dần bị thay thế bởi cách tiếp nhận thông tin nhanh nhạy hơn trên môi trường internet, do vậy khó đánh giá đầy đủ hiệu quả của đề án trên.

Đồng quan điểm, ông Võ Đình Huy-Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) cũng cho rằng nên hướng đến việc tiếp cận độc giả bằng các đầu sách đã được số hóa thì hiệu quả sẽ cao hơn, giúp cán bộ, Nhân dân có thể tìm hiểu mọi lúc, mọi nơi.

Thông điệp về văn hóa số cũng được Phó Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn-Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu tại hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện đề án.

Theo ông Sơn, cần khảo sát xem ai đọc, đọc như thế nào, áp dụng vào thực tế sau đó ra sao, có như vậy mới đánh giá được hiệu quả thật sự của đề án. “Ngoài chính quyền số, công dân số, kinh tế số, cần quan tâm đến khái niệm văn hóa số, thể hiện qua sự có mặt của sách điện tử, sách nói…

Một yếu tố khác không kém phần quan trọng đó là nơi đọc sách. Thư viện phải thay đổi khi nhiều thiết chế khác đang cạnh tranh mạnh mẽ với thiết chế thư viện. Đây không chỉ là nơi đọc sách mà còn là không gian sáng tạo, hưởng thụ giá trị văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa, vì vậy cần được tổ chức thành một không gian hấp dẫn”-ông Sơn khẳng định.

Liên quan đến văn hóa số, phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa-Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị cần chú trọng đẩy mạnh việc đọc sách trên không gian mạng, giúp người dân có thể truy cập mọi nơi mọi lúc, tạo sự thu hút, hấp dẫn thông qua cách tiếp cận mới.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thời gian tới cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, vận động thực hiện đề án, chú trọng vai trò nêu gương của người đứng đầu, đảng viên trong việc tạo phong trào đọc sách.

Mặt khác, tránh máy móc, giáo điều trong thực hiện mà cần chọn lựa hình thức, nội dung phù hợp với xu hướng của độc giả và tình hình thực tế của địa phương.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Xây dựng, phát triển hệ sinh thái công dân số phải là một nền tảng quan trọng của chuyển đổi số quốc gia.

Kinh tế số là động lực quan trọng phát triển kinh tế Việt Nam; xã hội số là một trong những nền tảng của xã hội Việt Nam; văn hóa số là một phần quan trọng của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

LAM NGUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/de-an-trang-bi-sach-cho-xa-phuong-thi-tran-huong-den-van-hoa-so-post261132.html