Đề án sách giáo khoa điện tử của TP.Hồ Chí Minh: Người trong cuộc nói gì?

Dư luận đang đặc biệt chú ý đến thông tin Sở GDĐT TPHCM phối hợp với Cty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) đưa ra đề án sách giáo khoa (SGK) điện tử cho học sinh (HS) từ lớp 1 đến lớp 3 trên địa bàn thành phố với tổng kinh phí 4.000 tỉ đồng.

Đã có hàng loạt câu hỏi được đặt ra xung quanh tính khả thi của đề án này. Đặc biệt dư luận nghi ngờ rằng, liệu có sự móc ngoặc giữa Sở GDĐT với AIC để bán máy tính bảng chất lượng kém, giá cao cho HS. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc AIC - về vấn đề này.

Thưa bà, trong đề án SGK điện tử của Sở GDĐT TPHCM, Cty AIC có phải là đối tác bán máy tính bảng cho sở?

- Tôi được biết, đề án này hiện mới trong giai đoạn xây dựng và chưa chính thức được phê duyệt nên chưa có việc mua hay bán sản phẩm gì cho đề án này cả. Nếu đề án này được duyệt cũng phải thực hiện đấu thầu công khai, trong đó nhà thầu nào đáp ứng được các yêu cầu với mức giá hợp lý nhất và chất lượng tốt nhất sẽ được lựa chọn, để đưa sản phẩm vào cho dự án.

Đề án đưa máy tính bảng vào trường học ở TPHCM hiện đang gây tranh cãi.

Khi Sở GDĐT tổ chức hội thảo, Cty chúng tôi có được mời dự, tại hội thảo, tôi có trực tiếp phát biểu ý kiến đề xuất nếu như đề án có được phê duyệt thì nên lựa chọn các hãng lớn, có chất lượng sản phẩm tốt, trong đó nên ưu tiên cho Samsung và Intel là 2 hãng điện tử lớn đã đầu tư tại Việt Nam và nên mua trực tiếp từ các hãng này mà không cần thông qua chúng tôi hoặc bất kỳ trung gian nào khác, để có thể có mức giá hợp lý nhất cho học sinh.

Sau các hội thảo này, tôi không thấy các báo chí hay các trang mạng nhắc đến tên của AVTEK hay Samsung, Intel, mà chỉ thấy nhắc đến tên công ty chúng tôi với những thông tin sai lệch, điều đó thật bất công cho chúng tôi.

Báo chí trong mấy ngày gần đây liên tục đưa thông tin AIC nhập khẩu lô 3.500 máy tính bảng giá rẻ từ Đài Loan (Trung Quốc) với giá 900.000VND, nhằm đưa vào đề án SGK điện tử của Sở GDĐT TPHCM, để bán với giá từ 3,5 - 4 triệu đồng/máy, bà trả lời vấn đề này thế nào?

- Trước tiên tôi xin khẳng định rằng, công ty chúng tôi chưa bao giờ nhập loại máy tính bảng nào 7 inch với giá 900.000VND/chiếc để đưa vào bất cứ dự án giáo dục nào tại TPHCM hay các địa phương khác.

Lô hàng 3.500 máy tính mà chúng tôi nhập qua cảng Hải Phòng về là để phục vụ cho các công việc nội bộ của công ty chúng tôi, để chạy thử các phần mềm thử nghiệm và tặng cho cán bộ nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập công ty, tuy nhiên loại máy tính bảng này cũng không phải là 7 inch và cũng không có giá 900.000VND/chiếc như báo chí và các mạng xã hội đưa, tôi không hiểu vì sao lại có thông tin bịa đặt như vậy?

Chúng ta đều biết, với dự án lớn như thế thì việc mua sắm đều phải thông qua đấu thầu theo quy định của pháp luật, vậy thì có thể ngây thơ đến mức để có thể tin rằng, một sản phẩm ở “trên trời rơi xuống” với mức giá 900.000VND bỗng dưng đã được đưa vào để bán cho học sinh tiểu học TPHCM mà không qua đấu thầu hay không?

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc AIC

Nếu không nhằm mục đích đưa vào đề án SGK điện tử của Sở GDĐT TPHCM và tiến tới có thể là các địa phương khác thì AIC ký hợp đồng với Nhà xuất bản Giáo dục để cài đặt phần mềm SGK vào máy tính bảng do AIC nhập khẩu về là nhằm mục đích gì?

- Chúng tôi hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, việc chúng tôi phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục xây dựng bộ SGK điện tử là đúng theo quy định pháp luật, việc này chúng tôi đã công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng từ năm 2013. Trong quá trình triển khai, việc cho sản phẩm chạy thử trước khi có lộ trình chính thức là việc rất cần thiết, vì vậy mà chúng tôi cho cài vào các máy tính bảng để chạy thử và đào tạo cán bộ. Nếu bạn có máy tính bảng hay máy tính và có phần mềm của bạn thì việc bạn cài đặt phần mềm gì để xem hay dùng cho mục đích gì là việc của bạn .

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Bộ GDĐT sẽ kiểm tra thông tin máy tính bảng giá rẻ và đề án của Sở GDĐT TPHCM

Bà Trần Thị Thắm – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) - cho biết: Đề án này thuộc quyền thẩm định và quyết định của TPHCM, Sở GDĐT TPHCM không có nghĩa vụ báo cáo lên Bộ GDĐT. Tuy nhiên, vì dư luận quan tâm nên chúng tôi sẽ trực tiếp tìm hiểu các căn cứ khoa học và có ý kiến với sở về vấn đề này.

Vụ Giáo dục tiểu học đang bàn thảo về việc nên sử dụng SGK điện tử cho học sinh tiểu học hay chưa, tham khảo kinh nghiệm sử dụng SGK điện tử các nước trên thế giới, từ đó xem xét có phù hợp với điều kiện ở VN hay không, đặc biệt là nếu sử dụng thì nội dung SGK đưa vào máy tính bảng như thế nào.

Trên cơ sở đó, vụ sẽ trực tiếp có ý kiến trao đổi lại với Sở GDĐT TPHCM. Việc chuyển từ SGK bản giấy sang bản điện tử, là việc hoàn toàn mới ở VN, chưa một địa phương nào nghiên cứu áp dụng, vì thế đây là việc cần hết sức cân nhắc. Dương Hà

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận cho biết, đề án của Sở GDĐT cần phải gửi các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo, tiếp thu hết tất cả các ý kiến. Sau khi hoàn thiện, thấy yên tâm thì vào đầu năm học mới 2014 - 2015, lấy ý kiến của phụ huynh. Phụ huynh có đồng thuận không, con em họ học như thế có chi trả nổi không, học sinh nghèo thế nào… Rất nhiều nội dung cần phải cụ thể và phải được sự đồng thuận rất cao thì mới có thể thực hiện được, còn hiện đề án vẫn chỉ là đề án. Đức Hạnh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/de-an-sach-giao-khoa-dien-tu-cua-tpho-chi-minh-nguoi-trong-cuoc-noi-gi-238055.bld