Đề án 47 và 930 thay đổi diện mạo y tế cơ sở

Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện và BVĐK khu vực liên huyện sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ...

Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện và BVĐK khu vực liên huyện sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2008-2010 được phê duyệt tại Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg ngày 2/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 47) và Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa lao, ung bướu, chuyên khoa nhi và một số BVĐK tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2009-2013 được phê duyệt tại Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 930).

Theo đó, sau khi đề án được triển khai và đi vào hoạt động tại các bệnh viện, phòng khám đã hoàn thành đưa vào sử dụng người bệnh đã được thụ hưởng, sử dụng các phòng khám, các buồng bệnh mới, khang trang, sạch sẽ hơn trước nhiều, tại các bệnh viện cải tạo, nâng cấp có các khu mới đưa vào sử dụng đã giảm tải cho các khu cũ nên cũng góp phần cải thiện điều kiện phục vụ người bệnh chung cho cả bệnh viện.

Sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để nâng cấp BV, đầu tư trang thiết bị cho các BV tuyến dưới.

Các bệnh viện được trang bị các thiết bị cần thiết cho chuyên muôn như máy siêu âm, Xquang, máy thở, monitor, bàn mổ, các dụng cụ mổ, máy nội soi các loại, máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học, giường tủ, bàn ghế… là điều kiện tối cần thiết để cán bộ y tế triển khai các kỹ thuật, nâng cao tay nghề nên bước đầu cũng đã khuyến khích các bác sĩ về công tác, song song với việc tập trung đào tạo, tập huấn chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật đã góp phần phát triển kỹ thuật ở tuyến huyện và tuyến tỉnh, chất lượng chẩn đoán, điều trị tăng lên, nhiều bệnh viện đã thực hiện được 80% số kỹ thuật phân tuyến cho huyện, quản lý bệnh mạn tính tại địa bàn, có những bệnh vượt thực hiện kỹ thuật vượt tuyến. Công suất sử dụng giường bệnh của hầu hết các bệnh viện đều tăng khoảng 30% so với trước đây (Long An, Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Định…), góp phần đưa dịch vụ y tế gần dân, làm giảm quá tải cho tuyến trên, đáp ứng nhu cầu KCB cho người dân ngay trên địa bàn cư trú, người bệnh được thụ hưởng nhiều dịch vụ hơn.

TS. Nguyễn Huy Ngọc - Giám đốc BVĐK tỉnh Phú Thọ cho biết, đầu tư nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để nâng cấp, xây mới bệnh viện, đầu tư trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh được ví như một luồng gió mới, góp phần làm thay đổi diện mạo và chất lượng khám, chữa bệnh cho các cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh. Người bệnh được tiếp cận với hệ thống trang thiết bị tiên tiến hiện đại, KCB trong môi trường khang trang thân thiện, nhiều ca bệnh nặng đã được khám chữa kịp thời, hạn chế phải chuyển tuyến trên, góp phần quan trọng giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương, giảm chi phí cho người bệnh. TS. Ngọc cũng cho biết, hiện tại BVĐK Phú Thọ, tỷ lệ chuyển tuyến chỉ còn 1% , ở một số chuyên khoa như bệnh lý ngoại khoa, ung bướu hầu như không còn.

Theo đánh giá của Sở Y tế Bình Định về kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của 02 Đề án này tại địa phương từ năm 2008 đến 9/2015 đã giúp ngành y tế hoàn thành kế hoạch giường bệnh được giao. Đối với Đề án 47, tính đến thời điểm 9/2015 là 17 cơ sở gồm Trung tâm y tế, BVĐK khu vực và Phòng khám đa khoa khu vực các huyện đã có 12 cơ sở được đầu tư xây dựng mới, cải tạo sửa chữa từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ngân sách tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đối với Đề án 930, tính đến thời điểm tháng 9/2015, danh mục các Bệnh viện thuộc Sở Y tế quản lý là 03 bệnh viện đều đã được xây dựng mới tại địa điểm cũ và đã đưa một số hạng mục vào sử dụng.

Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định Đề án 47 và Đề án 930 là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế chất lượng cao.

Tuệ Nguyên

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/de-an-47-va-930-thay-doi-dien-mao-y-te-co-so-n125257.html