ĐBSCL: Thu hút đầu tư, không nên mãi ngợi ca nông nghiệp

Mời gọi đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thông qua quảng bá đây là khu vực giàu tiềm năng về lúa gạo, thủy sản liệu có còn hấp dẫn nhà đầu tư hay không khi nhu cầu tìm hiểu của họ lại ở một khía cạnh khác?

Thu hút đầu tư không thể cứ mãi ca ngợi dựa trên lợi thế nông nghiệp, thủy sản. Trong ảnh là nhà đầu tư nhận giấy chứng nhận đầu tư từ đại diện tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Trung Chánh

Đó là băn khoăn của một nhà đầu tư sau khi dự một hội nghị xúc tiến đầu tư tãi ĐBSCL

Phát biểu khai mạc Hội nghị xúc tiến đầu tư “Hậu Giang - tiềm năng đầu tư và phát triển” diễn vào chiều hôm nay 11-7 - sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL tại Hậu Giang năm 2016 (MDEC - Hậu Giang 2016) - ông Lữ Văn Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng là khu vực giàu tiềm năng, có lợi thế về lúa gạo và thủy sản.

Theo đó, ĐBSCL chiếm 47% diện tích và 56% sản lượng lúa cả nước, xuất khẩu gạo cũng chiếm 90% sản lượng; thủy sản chiếm 70% về diện tích nuôi trồng, 40% sản lượng và 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước...

Tuy nhiên, đứng ở góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc dự án hãng bia Đức Bitburger, cho rằng điều quan trọng hơn ông muốn biết khi đầu tư một dự án, đó là địa phương có những ưu đãi và hỗ trợ cụ thể nào cho doanh nghiệp. “Chẳng hạn, tôi muốn đầu tư xây dựng một khách sạn 4 sao và một nhà máy sản xuất bia ở Hậu Giang, thì địa phương hỗ trợ gì?”, ông Nhựt nêu vấn đề.

Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lữ Văn Hùng không đi thẳng vào vấn đề, mà cho biết những đơn vị có liên quan của địa phương sẽ gặp và trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp nếu doanh nghiệp có nhu cầu.

Trao đổi với TBKTSG Online bên lề hội nghị về câu trả lời trên của đại diện UBND tỉnh Hậu Giang, ông Nhựt cho rằng: “Nếu lãnh đạo tỉnh trả lời luôn để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp biết được chính sách thu hút đầu tư hiện nay, chẳng hạn cho thuê đất như thế nào, giá cho thuê bao nhiêu và khi doanh nghiệp vào đầu tư thì được hỗ trợ những gì…, tôi tin sẽ thu hút được nhà đầu tư hơn”.

Theo ông Nhựt, vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm là vị trí địa lý nơi đặt nhà máy kết nối với các tỉnh/thành khác có thuận tiện hay không, cơ sở vật chất hạ tầng như thế nào và chính sách thu hút đầu tư có tốt không, chứ không phải là nghe địa phương ca ngợi về tiềm năng này, lợi thế kia.

Thực tế, trong số tám nguyên nhân được ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ nêu ra để nhà đầu tư đầu tư vào ĐBSCL, đa phần tập trung vào các yếu tố như: ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh; môi trường đầu tư được đánh giá là tốt; hạ tầng kỹ thuật thay đổi mạnh; thị trường tiêu thụ rộng lớn và chi phí lao động thấp…

Trong khi đó, ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách kinh tế của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, lưu ý đối với Hậu Giang, là địa phương không có thế mạnh về nông nghiệp so với các địa phương khác trong vùng ĐBSCL, vì thế việc thu hút đầu tư phải từ thể chế và tạo ra sự khác biệt.

Theo ông Hiệp, trong đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thì chỉ số gia nhập thị trường của Hậu Giang đứng nhất cả nước, như vậy, địa phương có thể lấy sự năng động, sự minh bạch để bù vào thế yếu của nông nghiệp.

Tại hội nghị, đại diện tỉnh Hậu Giang đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho bốn doanh nghiệp, gồm dự án nhà máy xử lý rác thải Hậu Giang cho Công ty cổ phần Greenity với tổng vốn đầu tư 234 tỉ đồng; dự án nhà máy chế biến lương thực cho Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Nam Sông Hậu, vốn đầu tư 1.131,5 tỉ đồng; dự án nhà máy sản xuất giầy thể thao cho Công ty TNHH Lạc Tỷ 2, vốn đầu tư 2.310 tỉ đồng và dự án Trung tâm thương mại dịch vụ giải trí Nguyễn Kim Hậu Giang cho Công ty TNHH MTV Nguyễn Kim Hậu Giang, vốn đầu tư của dự án là 385,6 tỉ đồng.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/148722/dbscl-thu-hut-dau-tu-khong-nen-mai-ngoi-ca-nong-nghiep.html/