ĐBSCL: Cần 'mở đường' cho tích tụ ruộng đất

"Xin được điều chỉnh luật đất đai theo hướng xóa hạn điền, mở đường cho tích tụ ruộng đất" - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường trình bày tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14. Trước đó, Trưởng Ban Kinh tế TƯ cũng nêu vấn đề cần tạo cơ chế thoáng cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. ĐBSCL là vựa lúa của cả nước, nơi những mặt hàng nông sản thực phẩm đứng đầu cả nước. Chuyện sản xuất lớn, làm ăn lớn tại vùng đất này đã manh nha xuất hiện trong “lén lút” để phất lên làm giàu cho mình và cho đất nước.

Họ là những người rất nhiều đất đai. Có người trong tay đến trên 100 ha, nhưng hầu hết đều hiền lành dễ thương. Họ cũng thuê đất của người dân để “mần ruộng”, nhưng đảm bảo người cho thuê được nhiều tiền hơn tự sản xuất. Gọi họ là “địa chủ”, họ lắc đầu thở dài “nói vậy tội nghiệp chúng tôi lắm”. Đằng sau cái lắc đầu, thở dài này là cả một câu chuyện khá dài đối với vùng đất này.

Ông Bảy Thanh bên trang trại Khóm của mình

Yêu thương từng cục đất chọi chim

“Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn (Sáu Ngoãn), Bạc Liêu, trợn mắt múa tay giãi bày khi chúng tôi nói vui "nhiều đất vậy, ông là “địa chủ” rồi còn gì". Ông Ngoãn không bao giờ cho mình là người nhiều đất và định đoạt số phận của những người làm công cho mình. Bởi chính ông là người nghèo khó đi lên từ đất, gắn bó với mảnh đất này từ hồi mới sinh ra cho tới khi được phong “vua tôm”. Ông giãi bày: “Làm cái gì cũng vậy, không yêu thương cảm thông nhau thì không bao giờ thành công được. Đất cũng vậy, phải hiểu nó, biết nó cần cái gì, thích cái gì rồi mình trồng, nuôi cho phù hợp”. Ngày ông Sáu Ngoãn quyết định ra vùng ven biển Bạc Liêu thuê đất nuôi tôm là ngày vợ ông khóc hết nước mắt bởi nơi đấy là vùng đất cằn cỗi, khó khăn vô cùng. Đất lại giáp với bìa rừng, chưa có đường giao thông. Tối muỗi kêu như sáo thổi, ăn cơm phải mắc màn vì muỗi bay thành từng đàn. Dù vậy, ông quyết tâm đưa con tôm vào vùng này, bởi ông hiểu, đất đang cần có tôm. Vậy đó, ông đã làm sống lại một vùng đất gần như hoang vu tại miền ven biển Bạc Liêu.

Đối với Kim Thái Thông, xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng lại là một câu chuyện khác. Hỏi thăm đường đến nhà ông, bất cứ người dân nào cũng hỏi ngược lại: Tìm Thông giàu hay Thông cán bộ?" Cái tên “Thông giàu” đã thành biệt danh của người dân tộc Khmer nhiều đất nhất Long Phú này.
Có trong tay trên 30 ha đất sản xuất nông nghiệp, Kim Thái Thông gần như không ở nhà mà suốt ngày ngoài đồng. Khi thì xem nhân công dặm lúa, lúc lại xem bón phân, lúc lại bỏ áo vào quần đi dự hội thảo…Ông cười thật tươi khi nghe chúng tôi nhắc đến biệt danh “Thông giàu”. “ "Giàu có gì anh ơi, mình con nông dân. Lấy vợ cha mẹ cho có 12 công ruộng (tương đương 1,5 ha) đất mỗi năm làm chỉ một vụ. Mình tích cóp mãi mới có nhiều đất như hiện nay. Đất vùng này ngày trước nhiều lắm, nhưng người dân sản xuất không mấy hiệu quả nên mình mua lại và đầu tư vào nên nó thành khoảnh như bây giờ” - anh bộc bạch.
Bây giờ có trong tay vài trăm tỉ, sở hữu trên 100 ha đất trồng khóm (thơm), cơ sở thu mua hoạt động suốt ngày, ông Dương Văn Thanh (Bảy Thanh), ấp Thạnh Xuân, xã Hỏa Tiến, TP.Vị Thanh, Hậu Giang cho rằng mảnh đất cũng có…tâm hồn: “Thuở hàn vi, tui làm đủ nghề để kiếm sống, nhưng chưa bao giờ có ý định “ly hương”. Người dân quê ai mà không nặng nợ với mảnh vườn thửa ruộng. Đói khổ lắm họ mới ra đi nhưng lúc nào cũng canh cánh nỗi nhớ quê, nhớ đất. Nếu không yêu quê, mến đất cũng chẳng đời nào bám trụ với cây khóm được tới bây giờ”. Mùa thu hoạch, khách hàng từ khắp nơi đổ về mua khóm của ông Thanh đông nườm nượp. Ông mua hơn 10 chiếc xe tải (từ 8-10 tấn) chuyên chở hàng về TP.HCM, Bình Dương bán cho các công ty, nhà máy. “Họ mua khóm, rồi chế biến, xuất khẩu ra nước ngoài. Khi trái khóm đã có thương hiệu và tạo dựng được uy tín, tự khắc người ta sẽ đến tìm mua lo gì không có chỗ bán. Năm nay giá khóm bình quân 8.000đ/kg, có lúc lên đến 10.000đ/kg, dân xứ này ai cũng phấn khởi. Mỗi năm trừ hết mọi chi phí, bèo lắm tui cũng thu lãi được trên 2 tỉ đồng”.Ông Thanh cười không giấu giếm.

So sánh chuyện “mần ăn” bây giờ với những ngày mới vào đây khai phá đất, Bảy Thanh ví von: “Ngày trước tui đưa máy xới đất xuống rẫy khóm 1 ha, nó chạy cả ngày mà xới chưa xong. Bây giờ đất rộng, máy chạy bon bon như đường cao tốc, hoạt động hiệu quả tăng gấp 2-3 lần so với trước. Ngoài ra cũng việc quy hoạch các hệ thống bơm, thoát nước, phun thuốc, trừ sâu bệnh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật… cũng dễ dàng hơn trên một diện tích lớn”.

Ngoài trang trại ở quê nhà, ông Thanh còn thuê đến 35 ha đất để trồng khóm ở Tây Ninh. Hầu như đất nơi nào cũng bị trái khóm của người nông dân tài giỏi chinh phục. Ông Thanh chia sẻ: “Bây giờ, muốn giàu phải làm ăn lớn, không có đất thì thuê. Nông dân giỏi không thiếu, chỉ lo cơ chế, chính sách có ủng hộ mình hay không mà thôi. Như ở đây có nhiều bà con muốn mở rộng quy mô trồng khóm nhưng gặp nhiều khó khăn do hạn điền. Nếu cho sở hữu diện tích lớn và có thêm chính sách ưu đãi, số đất này tôi sẽ không thuê mà mua đứt luôn từ chục năm trước”.

Gập ghềnh đường đến thành công

Hầu hết những ông “địa chủ” ở miền Tây đã được phong “Vua”. Con đường đến thành công của họ đều gặp ghềnh, chông chênh đến lạ lùng. Nhưng tất cả đều có điểm chung là đã làm phải làm cho tới cùng và muốn hơn người khác thì cố một chút.

Ít ai biết rằng, để có danh phận như hiện nay, ông Sáu Đức (Nguyễn Lợi Đức, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, An Giang) đã từng phải “lên bờ xuống ruộng” vì chuyện mua đất của những người đi khai hoang làm kinh tế mới. Nhắc lại chuyện này, ông cười rất tươi “Ngày trước vùng đất này 10 người nhận khoán đất theo tiêu chuẩn đi kinh tế mới thì đã có 9 người bỏ đất mà đi mất. Anh xem, mỗi hộ nhận 2 ha đất hoang hóa trong khi họ chẳng có gì ngoài sức lực. Tiền cũng không, thủy lợi cũng không, kinh nghiệm chẳng có làm sao mà khai hoang gì cho được nên thất bại là điều không tránh được. Tôi lúc đó cũng có rủng rỉnh tiền nhưng mê đất quá nên bàn với bà nhà bán hết gia sản vào vùng bán sơn địa này để mua đất, thuê đất làm ăn. Để thành khoảnh như hiện nay tôi đã đầu tư rất nhiều vào vùng đất này”.

Thấy ông làm ăn được, chính quyền, và cả người nhận đất đi kinh tế mới, cũng sẵn sàng giao lại đất cho ông để khai phá. Những bờ bao, kinh thủy lợi được đầu tư vào đây. Có trong tay gần 2.000 công đất (gần 200 ha), Sáu Đức bùi ngùi khi nghe nhắc đến hai từ “địa chủ”. Bởi theo ông, cái từ “địa chủ” của chế độ phong kiến, nửa thuộc địa ngày xưa nó xấu lắm. Địa chủ ngày xưa bốc lột người nông dân. Ngoài việc phải trả lúa cho địa chủ hàng năm, các tá điền còn phải vay mượn của địa chủ đủ thứ loại tiền bạc để cuối vụ họ trắng tay. Còn bây giờ “chính tôi mới là tá điền nè, chứ địa chủ cái gì. Tôi là người đi thuê đất của nông dân để trồng lúa, trồng chuối, nuôi bò” - ông trần tình. Thấy chúng tôi ngớ ra, ông giải thích “Để mở rộng sản xuất, tôi phải đi thuê đất của nông dân với giá 18 triệu đồng/ha/năm. Vì đi thuê đất mần ăn nên phải tính toán rất chi ly, không khéo là lỗ vốn như chơi, chớ chẳng đùa”.

Cũng “hoàn cảnh” như ông Sáu Đức, ông Huy Long An – người được mệnh danh là “Vua” bò, vua chuối, vua ớt… lại có cách phân tích khá thú vị “Gọi chúng tôi là tá điền mới đúng, nông dân tôi thuê đất mới thật sự là ông chủ. Bởi tôi thuê đến 25 triệu đồng/ha/năm để trồng chuối chứ ít đâu. Chú thử tính xem với 1 ha trồng lúa, nông dân nào lãi 25 triệu đồng ở cái xứ này tôi đội đi cả thành phố Tân An, Long An cho chú coi chơi”.

Có cơ ngơi như ngày hôm nay, anh Huy mất thời gia khác dài để tìm tòi học hỏi và học phí trả cho những lần thất bại không ít. Đó là những lần “thầu” bò biên giới về “vỗ béo” bị đánh te tua. Trồng ớt bị dịch trái trỏ lên trời, thối quả hết. Tức mình ông đầu tư nuôi bò với quy mô lớn. Phân bò ủ làm phân hữu cơ để trồng chuối. Cây chuối vốn bấp bênh, bị thương lái ép giá, bực mình ông đi tận Philippinese để học trồng chuối già Nam Mỹ. Đến nay, ông là người đầu tiên của miền Tây thành công với mô hình chuối cấy mô xuất khẩu trực tiếp sang các nước.

Giáp mặt với những nông dân nhiều đất miền Tây để thấy rằng, chỉ có làm ăn lớn, sản xuất lớn, đầu ra ổn định mới thành công. Những mảnh đất ruộng manh mún, chia bình quân đầu người chưa tới 0,5ha sẽ làm cho người nông dân nghèo càng nghèo thêm.

Cái nghèo truyền kiếp này đã được nhận diện khá lâu, nhưng vì sao cho đến nay vẫn chưa thay đổi được. Và, trong khó khăn, người miền Tây vẫn tìm cho mình những hướng đi riêng phù hợp với từng tiểu vùng khác nhau.

Phóng sự của Nhật Hồ - Trần Lưu

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/dbscl-can-mo-duong-cho-tich-tu-ruong-dat-611111.bld