ĐBSCL: 10 năm, 564 điểm sạt lở, 834 km và 16.000 tỉ đồng

Trong 10 năm gần đây, đã có hơn 16.000 tỉ đồng được 'rót' cho việc xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thế nhưng, báo cáo từ các địa phương cho thấy, vùng này vẫn còn 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài 834 km.

10 năm qua đã "rót" hơn 16.000 tỉ đồng xây dựng công trình ứng phó sạt lở, nhưng vùng ĐBSCL sạt lở vẫn nghiêm trọng. Trong ảnh là một điểm sạt lở ở Thành phố Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

Thông tin nêu trên được đưa ra tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL về công tác phòng, chống sạt lở và sản xuất vụ đông xuân 2019-2020 diễn ra chiều 27-9, tại tỉnh Tiền Giang.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, những năm gần đây, bùn cát từ thượng nguồn (sông Mekong) về ngày càng giảm, trong khi đó, khai thác cát sỏi lòng sông phục vụ các hoạt động phát triển ngày càng gia tăng khiến sạt lở bờ biển, bờ sông cũng gia tăng theo.

Theo ông Cường, trong 10 năm gần đây, tổng kinh phí đã bố trí để xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở ở ĐBSCL đã lên đến 16.067 tỉ đồng. “Trong đó, riêng 2 năm (2018-2019) đã bố trí 4.039 tỉ đồng”, ông nhấn mạnh và cho biết đang rà soát để tiếp tục hỗ trợ 4.412 tỉ đồng để phục vụ cho công tác này.

Dù đã bỏ ra hơn 16.000 tỉ đồng xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở, nhưng dẫn số liệu báo cáo từ các địa phương, ông Cường cho biết, vùng ĐBSCL có tổng số 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài 834 km. Trong đó, sạt lở bờ biển 52 điểm với tổng chiều dài 268 km; sạt lở bờ sông 512 điểm với tổng chiều dài 566 km.

Về sạt lở bờ biển, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, từ năm 2010 đến nay- tức trong khoảng thời gian được “rót” hơn 16.000 tỉ đồng xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở- tình trạng sạt lở bờ biển cũng ngày càng phức tạp và có mức độ gia tăng cả về phạm vi và mức độ nghiêm trọng. Điều này, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân. “Trung bình, hàng năm xói lở đã làm mất khoảng 300 héc ta đất, rừng ngập mặn ven biển”, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn viết.

Trong khi đó, về sạt lở bờ sông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn tiêu chí phân loại sạt lở bờ sông đã được ban hành cho thấy, trong tổng số 512 điểm có đến 59 điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng với tổng chiều dài 103 km.

Khi nhìn vào con số tương quan giữa số tiền đã được “rót” cho việc xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở thời gian qua với số điểm sạt lở bờ sông, bờ biển vẫn rất lớn, thậm chí nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là ngày càng gia tăng cả về phạm vi và mức độ nghiêm trọng, thì câu hỏi được đặt ra là tại sao lại diễn biến như vậy?

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, 10 năm qua, nhà nước đã rất quan tâm đến sự phát triển của ĐBSCL, trong đó, có bố trí nguồn lực cho phòng, chống sạt lở. “Tuy vậy, sạt lở vẫn còn rất lớn, cho nên, ĐBSCL còn gặp nhiều khó khăn, nhân dân lo lắng”, ông cho biết.

Trước tình hình trên, Thủ tướng yêu cầu, trước hết phải tuyên truyền, vận động nhân dân để họ có ý thức trong việc góp phần làm giảm thiểu thiệt hại do sạt lở, mà cụ thể là không xây dựng công trình, nhà cửa ngay cạnh bờ sông, bờ biển. “Đây cũng là việc làm nhằm để đảm bản tính mạng, tài sản của nhân dân”, ông nói.

Ông cũng yêu cầu các địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan cần áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong xử lý sạt lở ở ĐBSCL. “Cần sự phối hợp giữa các nhà khoa học trên thế giới và trong nước để nghiên cứu các giải pháp ứng phó sạt lở”, ông gợi ý.

Về kinh phí ứng phó sạt lở cho ĐBSCL như đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng cho biết, sẽ kiến nghị Quốc hội giải quyết đủ vốn cho ứng phó sạt lở bờ biển, bờ sông ở ĐBSCL. “Con số trên 3.000 tỉ đồng không phải quá lớn, dù còn nhiều khó khăn. Nhưng, để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, phải đảm bảo đủ nguồn vốn này”, ông nhấn mạnh và yêu cầu các bộ, ngành sớm có đề xuất với Chính phủ trên khảo sát, có số liệu chứng minh.

Thủ tướng yêu cầu chậm nhất trong tháng 10-2019 phải trình Chính phủ và năm 2020 giải quyết đủ số vốn căn bản như nêu trên để giúp ĐBSCL ứng phó với sạt lở.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/294638/dbscl-10-nam-564-diem-sat-lo-834-km-va-16000-ti-dong.html