ĐBQH TRẦN THỊ THU ĐÔNG: ĐỀ NGHỊ QUY ĐỊNH PHÙ HỢP GIỮA TỶ LỆ QUỸ ĐẤT GIAO THÔNG ĐÔ THỊ SO VỚI ĐẤT XÂY DỰNG ĐÔ THỊ

Dự án Luật Đường bộ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐQBH tỉnh Bạc Liêu tán thành sự cần thiết, đồng thời đề nghị nên quy định tỉ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị như thông thường không nên để khu vực này có tỷ lệ thấp hơn.

Dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 92 điều. So với dự thảo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã chuyển 03 chương sang Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (đó là chương: quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, phương tiện tham gia giao thông đường bộ). Việc xây dựng Luật Đường bộ nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ.

Đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐQBH tỉnh Bạc Liêu

Phóng viên: Dự án Luật Đường bộ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Qua nghiên cứu Tờ trình cũng như Hồ sơ dự án Luật, đại biểu có đánh giá như thế nào về sự cần thiết xây dựng và ban hành dự án luật?

Đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu: Tôi cơ bản thống nhất với những nội dung trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về Dự án Luật đường bộ.

Theo đó, việc ban hành Luật Đường bộ nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013; nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ, thúc đẩy sự phát triển giao thông đường bộ và bảo đảm tốt hơn quyền tự do đi lại của công dân; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi, thông thoáng về thủ tục, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đường bộ và trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Hồ sơ dự án Luật đã được Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Tuy nhiên, tại dự thảo luật, một số vấn đề chưa cập nhật thực tiễn như: Hiện nay đã có một số loại phương tiện mới đã được nhiều chủ thể sử dụng để di chuyển như các xe scooter có động cơ, ván trượt đường bộ có gắn động cơ... Có thể trong tương lai, các loại xe này sẽ được sử dụng phổ biến để di chuyển. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật Đường bộ chưa hề có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn của các loại xe này và cũng chưa có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đường bộ cho những loại xe đặc thù này. Tôi cho rằng, Ban soạn thảo cần nghiên cứu để bổ sung các nội dung nói trên cho phù hợp với thực tiễn.

Phóng viên: Tại dự thảo luật có quy định về vấn đề tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị. Quan điểm của đại biểu về nội dung này như thế nào ?

Đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu: Khoản 5 Điều 15 Dự thảo có quy định như sau: “Đối với các đô thị tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, đô thị là di sản được UNESCO công nhận, di sản văn hóa vật thể là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, di sản quốc gia đặc biệt thì tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị có thể thấp hơn quy định tại khoản 4 Điều này và do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phù hợp với điều kiện của địa phương”.

Ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo là khu vực đất rộng, mật độ dân cư thưa thớt. Vấn đề ở những khu vực này là thiếu vốn để làm đường bộ chứ không phải thiếu diện tích đất làm đường bộ. Do đó, theo tôi pháp luật vẫn nên quy định tỉ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị như thông thường (không nên để khu vực này có tỷ lệ thấp hơn).

Ngoài ra, đối với khu vực di sản được UNESCO công nhận, di sản văn hóa vật thể là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, di sản quốc gia đặc biệt đã tồn tại sẵn đường giao thông. Do đó, tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phụ thuộc vào thực tế khu vực đó.

Dự thảo Luật Đường bộ còn thiếu quy định về trường hợp di sản được UNESCO công nhận, di sản văn hóa vật thể là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, di sản quốc gia đặc biệt thuộc địa bàn quản lý từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì chủ thể nào có quyền quyết định về tỉ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị.

Phóng viên: Thưa đại biểu, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tiếp theo, đại biểu có quan tâm góp ý đối với nội dung nào tại dự luật?

Đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu: Về giải thích từ ngữ: Thuật ngữ “tuyến đường bộ” được sử dụng rất nhiều lần trong Dự thảo (cụ thể là tại điểm a khoản 4 Điều 6; khoản 3 Điều 14; khoản 1 và khoản 2 Điều 34; điểm a khoản 4 Điều 39; Điều 90) nhưng mà trong Điều 3 về giải thích từ ngữ chưa giải mã nội hàm thuật ngữ này. Do đó, Ban soạn thảo cần xem xét bổ sung khái niệm này theo hướng xác định tuyến đường bộ là đường bộ đã được phân cấp quản lý (tức là theo cấp hành chính).

Liên quan đến sửa đổi các quy định về các hành vi bị cấm (Điều 9): Khoản 5 Điều 9 có quy định một trong các hành vi bị cấm là: “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định” chưa bao quát được thực tiễn. Bởi vì, quy định này dẫn đến hiểu lầm rằng chỉ có kinh doanh vận tải bằng ô tô mới có giấy phép kinh doanh vận tải. Trong khi đó, các loại hình kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng các loại xe cơ giới khác (không phải ô tô) cũng đang rất phát triển. Do đó, tôi cho rằng quy định ở khoản 5 Điều 9 Dự thảo nên đổi thành: “Kinh doanh vận tải bằng phương tiện đường bộ mà không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định”.

Về sửa đổi quy định về Điều về hiệu lực thi hành (Điều 92): Tôi cho rằng quy định tại khoản 2 Điều 92 của Dự thảo không đúng. Cụ thể, quy định đó là: “Luật này thay thế Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008”. Theo quan điểm của tôi, riêng Luật Đường bộ không thể thay thế LGTĐB năm 2008. Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới thay thế LGTĐB năm 2008. Do đó, quy định tại khoản 2 Điều 92 nên sửa thành: Luật này và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số .../2023/QH15 ngày ... tháng .... năm 2023 thay thế Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=82625