ĐBQH: Sở GD Hà Nội cần vào cuộc vụ Hệ thống liên cấp Lômônôxốp thu 'phí giữ chỗ'

'Sở GD Hà Nội cần vào cuộc làm rõ xem nhà trường thu 'phí giữ chỗ' trên cơ sở nào', Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, ngày 14/4, Trường liên cấp Lômônôxốp Tây Hà Nội đã gửi thông báo về việc lùi hạn chót đóng tiền "phí giữ chỗ" vào ngày 25/4, thay vì ngày 15/4. Điều này khiến phụ huynh nhà trường càng bức xúc, đồng thời họ đang "cầu cứu" sự can thiệp từ các cơ quan quản lý nhà nước.

Liên quan đến sự việc trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, việc nhà trường "thu phí giữ" chỗ 3-5 triệu đồng/học sinh khiến phụ huynh học sinh đặt câu hỏi: Trường lấy cơ sở nào để thu khoản tiền trên và trường dùng khoản thu vào mục đích gì?

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. (Ảnh: Quochoi.vn)

Vị Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc đặt ra "phí giữ chỗ" cho năm học mới có rất nhiều vấn đề pháp lý được đặt ra. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các cơ quan liên quan cần vào cuộc làm rõ xem nhà trường dựa trên cơ sở nào để thu phí.

Sắp tới đây Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Giá (sửa đổi), trong đó có những nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục, vị Đại biểu Quốc hội cho biết, ông sẽ đặt vấn đề về việc các trường tư thục tự đặt ra các khoản phí ngoài quy định, dù báo chí lên tiếng nhưng nhà trường vẫn bất chấp để thu thì chế tài nào, cách xử lý ra sao?

Thực tế, hiện nay ngoài học phí, có rất nhiều khoản phí như tiền mua điều hòa, quạt… và người gánh chịu là phụ huynh, vì họ muốn con có điều kiện được học tập tốt. Vì vậy, cần phải xem xét lại cách thu phí dịch vụ của các trường, cả trường tư thục và trường công lập, trường công trọng điểm, chất lượng cao.

Theo ông Hòa, các trường tư thục tự ý đưa ra các khoản phí, trong khi với sai phạm thì cơ quan quản lý như Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo có thể xem xét đề nghị xử lý. Nếu các đơn vị này cho rằng họ chỉ quản lý về chuyên môn thì đó là điều bất cập trong trách nhiệm quản lý của hệ thống giáo dục.

Về lý do Trường liên cấp Lômônôxốp Tây Hà Nội đưa ra để thu "phí giữ chỗ” là nhằm phục vụ cho công tác tuyển sinh, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, đây là điều không hợp lý bởi các trường tư thục khác không làm giống họ. Nếu nhà trường giảng dạy chất lượng tốt, phụ huynh chắc chắn sẽ không bao giờ chuyển trường cho con, đồng thời cũng sẽ có nhiều phụ huynh muốn cho con vào trường.

“Tại sao trường khác không thu "phí giữ chỗ", trong khi Trường liên cấp Lômônôxốp Tây Hà Nội, Trường Tiểu học Lômônôxốp lại làm vậy?”, ông Hòa đặt câu hỏi.

Bình luận thêm về nội dung trên, bà Bùi Thị An cho hay, trường tư thục hay trường công lập đều phải tuân theo các quy định của Luật Giáo dục 2019.

Trường phổ thông tư thục hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thuế, định giá tài sản và công khai tài chính theo quy định của pháp luật, nhưng không vì thế mà tự ý đặt ra các khoản thu phí vô lý. Vì vậy, các trường tư thục nên tìm các phương thức ứng xử với phụ huynh học sinh về chi phí và các khoản thu khi tiến hành tuyển sinh.

Trước đó Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, vào ngày 6/4, Hệ thống liên cấp Lômônôxốp thông báo về việc triển khai thu "phí giữ chỗ" với tất cả các học sinh tại Trường liên cấp Tây Hà Nội (địa chỉ tại Hà Đông, Hà Nội) và Trường Tiểu học Lômônôxốp (địa chỉ tại Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Cụ thể, đối với học sinh hệ cơ bản là 3 triệu đồng, đối với học sinh hệ tiếng Anh tăng cường là 5 triệu đồng.

Theo đó, phí này được đối trừ vào các khoản thu đầu năm học, không được hoàn trả hoặc chuyển nhượng trong mọi trường hợp học sinh báo chuyển trường sau ngày 15/4/2023.

Ngoài ra, văn bản cũng nêu nếu học sinh không đóng "phí giữ chỗ", đồng nghĩa với việc không cho con học tại trường trong năm học tới. Nhà trường sẽ dành chỉ tiêu cho học sinh khác.

Ngày 14/4, Chủ tịch Hội đồng trường - ông Đỗ Trí Dũng đã ban hành văn bản thông báo về việc thu "phí giữ chỗ" trên được gia hạn đến ngày 25/4.

Bình luận về nội dung trên, Luật sư Trần Xuân Hóa (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội – Phó Giám đốc Công ty Luật HTC) cho rằng, khoản thu "phí giữ chỗ" nêu trên là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Cụ thể, theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện không có các quy định nào có nhắc đến thuật ngữ/định nghĩa hay cho phép thực hiện các khoản thu “phí giữ chỗ”, “phí đặt chỗ” hay “phí ghi danh”.

Đối với hành vi nêu trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể xử lý vi phạm hành chính các trường hợp thu phí sai quy định theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục", Phó Giám đốc Công ty Luật HTC nói.

Mạnh Đoàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dbqh-so-gd-ha-noi-can-vao-cuoc-vu-he-thong-lien-cap-lomonoxop-thu-phi-giu-cho-post234588.gd