ĐBQH HOÀNG MINH HIẾU: CẦN CHÚ TRỌNG TĂNG TÍNH GẮN KẾT TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI

Đánh giá từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, hoạt động giám sát của Quốc hội đã có nhiều đổi mới trên nhiều mặt, đáp ứng được sự mong đợi của cử tri cũng như thực tiễn đòi hỏi cuộc sống, TS.Hoàng Minh Hiếu- Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, để tiếp tục cải tiến hoạt động này trong thời gian tới, cần chú trọng tăng cường mối liên kết giữa hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội với hoạt động giám sát tại Kỳ họp…

TS.Hoàng Minh Hiếu- Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Nghệ An

Phóng viên: Ông có suy nghĩ thế nào về vai trò của hoạt động giám sát của Quốc hội và những đổi mới trong hoạt động giám sát gần đây của Quốc hội?

TS.Hoàng Minh Hiếu- Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Nghệ An: Tôi cho rằng, cùng với công tác lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, những đổi mới, cải tiến và kết quả quan trọng đã đạt được trong công tác giám sát của Quốc hội thời gian qua càng khẳng định giám sát là khâu trọng tâm, then chốt trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội thời gian qua được thực hiện có hiệu quả với nhiều đổi mới mạnh mẽ về tư duy, phương pháp và phương thức thực hiện, triển khai toàn diện, đồng bộ, ngày càng đi vào thực chất.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, hoạt động giám sát của Quốc hội đã có nhiều đổi mới trên nhiều mặt, đáp ứng được sự mong đợi của cử tri cũng như thực tiễn đòi hỏi của đời sống kinh tế - xã hội đang diễn ra sôi động, mau lẹ. Cụ thể, những đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội được thể hiện tập trung ở một số điểm sau đây:

Thứ nhất, về mặt thể chế, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tiến hành hoạt động giám sát. Trong số đó, có việc sửa đổi, bổ sung để tiếp tục hoàn thiện những văn bản quan trọng như Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với những quy định cụ thể về hoạt động giám sát của Quốc hội tại kỳ họp, phiên họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, một số văn bản mới cũng đã được ban hành để bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho một số hoạt động giám sát. Ví dụ như Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH-15 để hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện giám sát, báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đang chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân; Nghị quyết hướng dẫn trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Thứ hai, thực tiễn tổ chức hoạt động giám sát trong nhiệm kỳ này cũng đã có nhiều đổi mới, sáng tạo nhằm tăng hiệu lực, hiệu quả của hoạt động chất vấn. Chẳng hạn, việc tổ chức các hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội được tổ chức theo trình tự, thủ tục nhanh, gọn hơn, tập trung vào những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm. Điển hình như việc trước những phản ánh của các doanh nghiệp về hoàn thuế giá trị gia tăng, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã kịp thời tổ chức phiên giải trình về nội dung này vào tháng 8/2023. Hoặc trước yêu cầu của việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, từ kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV, trong chương trình làm việc của từng kỳ họp đã bố trí riêng một phiên thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Thứ ba, các hoạt động giám sát trong nhiệm kỳ này có tác động rất thực chất, góp phần tháo gỡ những vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan. Chẳng hạn, hoạt động giám sát về việc thực hiện pháp luật về quy hoạch đã đề ra các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình lập các quy hoạch ở các cấp khác nhau, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch. Hoặc như đối với hoạt động giám sát về việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia thì ngay từ thời điểm bắt đầu tiến hành triển khai hoạt động giám sát này đã có tác động thúc đẩy Chính phủ và các bộ, ngành triển khai mạnh mẽ các nội dung thuộc chương trình.

Phóng viên: Qua theo dõi, trực tiếp chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành, ông nhận thấy những chuyển biến tích cực nào từ phía Chính phủ từ những chất vấn, giám sát của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội? Đại biểu đánh giá thế nào về việc thực hiện lời hứa của những người được chất vấn?

TS.Hoàng Minh Hiếu- Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Nghệ An: Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội đã tổ chức 6 phiên chất vấn tại kỳ họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tổ chức 6 phiên chất vấn tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua theo dõi, tôi nhận thấy các phiên chất vấn nhận được sự quan tâm sâu sắc của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng, trưởng ngành cũng như các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Trong đó, các Bộ trưởng, trưởng ngành ngày càng quan tâm, dành nhiều thời gian nghiên cứu, trả lời kịp thời, đầy đủ các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội; nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành đã rất cầu thị, lắng nghe các câu hỏi của các đại biểu và nghiên cứu, trả lời rất có trách nhiệm.

Các đại biểu Quốc hội khi nêu các câu hỏi chất vấn đều thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao, có sự nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc về nội dung chất vấn. Trong đó, có những câu hỏi rất thẳng thắn, đúng, trúng nội dung còn có vấn đề, được dư luận cử tri quan tâm

Về việc thực hiện các lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành, tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài 2,5 ngày để xem xét việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. Đây chính là việc xem xét việc thực hiện các lời hứa của bộ trưởng, trưởng ngành trong các nghị quyết giám sát chuyên đề cũng như chất vấn.

Qua phiên họp, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn, qua đó đã cho rằng việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm, với nhiều giải pháp đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm theo nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, Quốc hội cũng đánh giá việc triển khai một số lời hứa, nhiệm vụ được giao còn chậm, một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải được khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Phóng viên: Theo ông, các đại biểu Quốc hội nên thể hiện trách nhiệm và giám sát như thế nào với những chất vấn của mình?

TS.Hoàng Minh Hiếu- Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Nghệ An: Hiện nay, tôi nhận thấy các đại biểu Quốc hội khi nêu các câu hỏi chất vấn đều thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao, có sự nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc về nội dung chất vấn. Trong đó, có những câu hỏi rất thẳng thắn, đúng, trúng nội dung còn có vấn đề, được dư luận cử tri quan tâm. Chẳng hạn như những vấn đề liên quan đến nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, về biên soạn và giá sách giáo khoa, vấn đề liên quan đến liên thông trong quản lý cán bộ cấp xã và cấp huyện, về chính sách cho các cán bộ bán chuyên trách ở cơ sở, các vấn đề liên quan đến khám, chữa bệnh hoặc hiệu quả của hoạt động đầu tư công v.v…

Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy còn có một số câu hỏi chất vấn còn dài, còn chưa rõ vấn đề hoặc chưa liên quan đến nội dung thuộc thẩm quyền quản lý của người được chất vấn.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tôi cho rằng trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội là tăng cường tiếp xúc cử tri, lắng nghe phản ánh của cử tri về những vấn đề còn tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật; tìm hiểu kỹ các vấn đề có liên quan và đặc biệt là trong quá trình chất vấn cần theo đuổi để làm rõ vấn đề, giải quyết được vấn đề, tháo gỡ các vướng mắc trong thực tế. Ngoài ra, việc trao dồi các kỹ năng nghị trường cũng sẽ giúp các đại biểu Quốc hội thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn có hiệu quả cao hơn.

Phóng viên: Để hoạt động giám sát tại các kỳ họp Quốc hội có chất lượng và hiệu quả, theo ông, cần chú ý những vấn đề gì?

TS.Hoàng Minh Hiếu- Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Nghệ An: Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, hoạt động giám sát của Quốc hội tại các kỳ họp là hoạt động giám sát mang tính tối cao. Trên cơ sở từ thực tiễn trong những năm vừa qua có thể nhận thấy các hoạt động giám sát của Quốc hội tại kỳ họp vẫn cần tiếp tục nghiên cứu để cải tiến, đổi mới. Trong đó, tôi cho rằng cần tập trung vào một số vấn đề như:

Thứ nhất, cần tăng cường mối liên kết giữa các hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội với hoạt động giám sát tại kỳ họp, chẳng hạn như trong một số trường hợp cần thiết, có thể đưa một số vấn đề quan trọng trong kết quả giám sát chuyên đề, hoạt động giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội ra thảo luận, đánh giá tại các phiên họp của Quốc hội. Điều này là cần thiết do trên thực tế, có những trường hợp qua giám sát của các cơ quan của Quốc hội có những nội dung có liên quan đến thẩm quyền quyết định của Quốc hội thì có thể cần đưa các vấn đề này ra thảo luận tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Thứ hai, về hoạt động giám sát chuyên đề, cần tiếp tục nghiên cứu để việc gắn kết giữa hoạt động giám sát chuyên đề với việc thực hiện các chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Theo đó, những kết quả giám sát cần được xem là kết quả đầu vào quan trọng của hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

TS.Hoàng Minh Hiếu cho rằng, để tiếp tục cải tiến hoạt động giám sát của Quốc hội trong thời gian tới, cần chú trọng tăng cường mối liên kết giữa hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội với hoạt động giám sát tại Kỳ họp…

Thứ ba, về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, thực tế cho thấy tại các kỳ họp gần đây, các đại biểu Quốc hội đã đặt rất nhiều câu hỏi chất vấn nhưng chưa đủ thời gian để nêu tại phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn. Vì vậy, cần có cơ chế để tăng cường các hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn bằng văn bản, đặc biệt là việc bảo đảm các yêu cầu về công khai, minh bạch đối với hoạt động chất vấn bằng văn bản như việc đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện cơ chế cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có đầy đủ thông tin thực hiện chức năng giám sát của mình. Trong hoạt động giám sát, thông tin có vai trò rất quan trọng, là cơ sở để xác định vấn đề, xác định trách nhiệm cũng như thảo luận các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, hiện nay cơ chế cung cấp thông tin phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội vẫn còn nhiều điểm hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động giám sát của Quốc hội tại kỳ họp.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=83020